Đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học thành lũy cổ bằng đá tại vùng rừng núi huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
|
Một góc thành lũy |
Theo kế hoạch, đợt khảo sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học lần này sẽ kéo dài trong thời gian khoảng 10 ngày. Ngay sau đó, căn cứ trên những kết quả ban đầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, để tiếp tục nghiên cứu xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tiến hành quy hoạch tổng hệ thống thành nhằm để bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ tham quan du lịch của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 6-2011, nhóm nghiên cứu khảo cổ học tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện hệ thống thành lũy cổ bằng đá này tại khu vực đỉnh Đèo Bụt (thuộc địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh). Thành nằm phía Bắc của dãy Hoành Sơn theo trục Đông - Tây với chiều dài hơn 1km, được ghép bằng những phiến đá tự nhiên kích thước khác nhau. Phía Nam mặt thành lũy tạo theo phương thẳng đứng (độ cao bình quân 3,5m - 4m), phía Bắc chân thành lũy mở rộng, cách nhau 5m... Mặt trên thành khá bằng phẳng, nơi rộng nhất là 2m và hẹp nhất từ 1,2m đến 1,5m.
|
Một góc thành lũy |
Ông Hồ Bách Khoa, nguyên Phó Phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là dấu tích còn lại trong hệ thống thành lũy cổ của vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) với chiều dài trên 30km do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích để phòng thủ bảo vệ vững chắc biên giới.
Thành lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn, tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương) kéo dài đến tận làng Xuân Quan, Xuân Sơn, tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc). Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 - 5/1655-5/1659) thì hệ thống lũy cổ này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, nên còn gọi là lũy Ông Ninh (Ninh Quận công Trịnh Toàn).
Trước đây, thành lũy đá này bị cây rừng bao phủ nên dường như bị mất dấu. Cho đến thời kỳ xây đập Kim Sơn (xã Kỳ Hoa) người dân trong vùng vô tình khai thác đá của thành lũy để làm kè bờ đập. Đặc biệt, sau này trong quá trình xây dựng đường điện cao thế Bắc - Nam, cột trụ của đường điện nằm sát điểm đầu vị trí Đèo Bụt nên một phần thành lũy bị phá vỡ...
Đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng, lý thú không chỉ đối với chuyên ngành khảo cổ học nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử văn hóa nói chung trong việc khám phá, nghiên cứu, khai quật về những dấu tích thành lũy cổ ở Việt Nam từ xưa đến nay.
Theo SGGP0
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn