theo aFamily - PLXH | 25/12/2013 11:43
Bà Lê Hồng Thủy Tiên: Từ cô bé mồ côi thành bà chủ “đế chế” hàng hiệu
Sinh năm 1970, là Chủ tịch Tập đoàn Imex Pan Pacific Group, điều hành 25 quỹ tư nhân, các hãng bán lẻ, trung tâm thương mại, phân phối nhiều thương hiệu xa xỉ với khối tài sản cả chục nghìn tỷ đồng, bà Lê Hồng Thủy Tiên là một trong những nữ đại gia đình đám trong giới doanh nhân Việt.
Nữ đại gia xinh đẹp này được báo The Guardian của Anh ca ngợi không chỉ bởi quyền lực trong lĩnh vực hàng xa xỉ của Việt Nam mà còn vì bà gặt hái được thành công trong một nền kinh tế mà nam giới vẫn chiếm vai trò chủ đạo.
Nữ doanh nhân này sinh ra tại Hà Nội trong thời chiến tranh, lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em. Khi lên 5 tuổi, bà mồ côi cha. Mẹ của bà, một giáo viên đã dạy dỗ con cái rất nghiêm, và điều Thủy Tiên nhớ nhất ở người mẹ đó là: “Bà đã dạy chúng tôi rằng làm việc chăm chỉ là chìa khóa để tồn tại”.
Trước khi dấn thân vào nghiệp kinh doanh, Thủy Tiên từng làm diễn viên điện ảnh (thủ vai chính trong bộ phim “Vị đắng tình yêu” cùng tài tử Lê Công Tuấn Anh) và làm tiếp viên hàng không ở Vietnam Airlines.
Sau khi kết hôn với ông Johnathan Hạnh Nguyễn – một doanh nhân sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên tại Philippines, Thủy Tiên chính thức bước vào con đường kinh doanh. Thành công đầu tiên của bà là giành được hợp đồng mở siêu thị đầu tiên của Việt Nam năm 1995; khi đó, bà 25 tuổi.
Đến nay, Tập đoàn Imex Pan Pacific Group của nữ doanh nhân xinh đẹp này là đại lý độc quyền cho hàng loạt các thương hiệu xa xỉ như Ferragamo, Ralph Lauren, Rolex, Bulgari và Burberry với doanh thu khoảng 500 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng)/năm nhưng đó mới chỉ là một nửa mục tiêu của bà Thủy Tiên.
Chồng của Thủy Tiên (tức bố chồng “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà) cũng là một doanh nhân đầy quyền lực không chỉ trong nước mà cả quốc tế, nhưng bà khẳng định những thành công của ngày hôm nay là thành quả của nỗ lực cá nhân.
Bà HaNa Đặng: Người phụ nữ của quảng cáo
Cũng là một trong ba nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam được báo Anh ca ngợi, bà HaNa Đặng (tên thật là Đặng Thị Thanh Hương) cũng được nhắc đến như một tấm gương đầy nghị lực. Sinh năm 1972, cũng trong thời chiến tranh, HaNa Đặng đã có những tháng ngày chung sống với bom đạn và sự vắng bóng của người cha. (Cha mất khi HaNa mới 1 tuổi).
Bà kể: “Hồi bé, chúng tôi đâu biết đến khái niệm thịt cá, thay vào đó là những ngày dài ăn cơm trộn với ngô, khoai. Nhiều hôm đi trên đường mà tôi đã bị ngất lịm đi vì đói”.
Năm 1978, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Trước khi trở thành một nhân vật quyền lực trong giới quảng cáo, HaNa Đặng đã có thời gian làm giáo viên tiếng Anh, rồi làm lễ tân cho một khách sạn nổi tiếng đất Sài Gòn. Sự nghiệp của HaNa Đặng bắt đầu nổi lên từ năm 1994 khi một số công ty của Mỹ mời bà về công tác.
Những hợp đồng đầu tiên của HaNa Đặng gồm quảng cáo CocaCola, mỹ phẩm Maybelines và Nestle. Sau đó, bà làm Giám đốc tiếp thị cho nhãn hàng Mead Johnson và viên sủi bọt Plusssz và tiếp đà những thành công đó, bà thành lập công ty riêng với việc mua lại cổ phần của GoldSun Sài Gòn.
Giờ đây, GoldSun trở thành công ty quảng cáo mạnh hàng đầu Việt Nam và đang trên đường phát triển tới một tập đoàn quảng cáo. HaNa Đặng còn sở hữu một vài công ty con khác chuyên tổ chức sự kiện, liên kết với Đan Mạch về thiết kế kiểu dáng công nghiệp.
Chưa có thống kê cụ thể về tài sản của nữ doanh nhân này, nhưng báo chí nước ngoài đã liệt kê bà vào danh sách những bóng hồng quyền lực và giàu có bậc nhất Việt Nam.
Hà Kiều Anh: Từ tiểu thư nhà “trâm anh thế phiệt” đến “đại gia nuôi chồng”
Một cái tên “đình đám” khác trong những nữ doanh nhân vượt lên số phận là doanh nhân – cựu Hoa hậu Hà Kiều Anh. Được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp “trâm anh thế phiệt” ở Hà Nội (ông nội, ông ngoại đều là cựu Thứ trưởng), Hà Kiều Anh là một cô tiểu thư đúng nghĩa.
Tuy nhiên, tuổi thơ của nữ doanh nhân xinh đẹp này ngập đầy sóng gió vì bố mẹ quyết định chia tay nhau, Kiều Anh (khi ấy mới 4 tuổi) theo mẹ lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh. Trên đường đi, hai mẹ con bị ăn cắp hết sạch tiền và bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Những ngày đầu ở Sài Gòn, hầu hết những bữa cơm của hai mẹ con Hà Kiều Anh là cơm chan nước lã rồi thêm muối cho đậm đà, bữa nào sang lắm thì có một quả trứng luộc hai mẹ con chia nhau. Thấm thía cái nghèo từ rất sớm, nên từ nhỏ Kiều Anh đã tự lập, đi làm thêm đủ nghề đề giúp mẹ, từ làm nhang, thùa khuyết đến dệt len, đan lồng đèn…
Năm 1992, cô sinh viên trung cấp thanh nhạc năm thứ nhất của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh Hà Kiều Anh đăng quang danh hiệu hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) lần thứ 3, trở thành Hoa hậu ở độ tuổi trẻ nhất từ trước đến nay của cuộc thi (16 tuổi). Sau khi kết hôn lần đầu, Hà Kiều Anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh và vợ chồng bà dính vào một số scandal kinh tế.
Giờ đây, Hà Kiều Anh đã yên ấm với người chồng thứ hai – một doanh nhân kinh doanh khách sạn ở Vũng Tàu và có một sự nghiệp riêng đang phất lên như diều gặp gió. Nữ doanh nhân này sở hữu trong tay nhiều nhà đất và biệt thự sang trong nhiều tỷ đô và được gọi là "đại gia nuôi chồng". Người đẹp chia sẻ, trong tương lai, bà và chồng sẽ mở hệ thống nhà hàng dimsum, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh và sau đó sẽ lan rộng trên cả nước.
“Đại gia phố núi” Nguyễn Thị Liễu
Một trong những nữ đại gia nổi đình đám trong thời gian gần đây là bà Nguyễn Thị Liễu. Nữ đại gia Hà Tĩnh này sở hữu khối tài sản cỡ nghìn tỷ và từng khiến dư luận “sốc” với đám cưới con trai tiêu tốn hơn 20 tỷ đồng cùng những dinh thự đẹp như mơ ở Hà Tĩnh và Hà Nội.
Tuy nhiên, để có số tài sản kếch sù như hiện tại, bà Liễu cũng đã trải qua không ít sóng gió. Chia sẻ với báo chí, bà Liễu tiết lộ, ngày xưa gia đình bà rất nghèo. Thấu hiểu cái nghèo từ bé, nên bà luôn muốn vượt qua cái nghèo. Bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Từ năm 11 tuổi, bà đã bắt đầu tạo dựng công việc kinh doanh của riêng mình.
Nhạy bén với việc kinh doanh, bà nhanh chóng trở thành một nữ thương gia có tiếng trong việc buôn bán đa ngành, liên quốc gia. Năm 1995, bà sang Thái Lan cùng bạn bè kinh doanh bất động sản rồi mở rộng thị trường sang Malaysia, Singapore, tập trung đầu tư vào xây dựng công trình, khách sạn.
Sau đó, bà nhập quần áo Trung Quốc để bán vào thị trường các nước Áo, Đức, Tiệp; mua các đồ điện, máy móc đã qua sử dụng bán sang Thái Lan và xuất khẩu gạo từ Thái Lan sang Nigieria...
Hiện tại, nữ đại gia này kinh doanh khoáng sản và kim loại quý. Bà đang đầu tư vào rất nhiều mỏ khai khoáng đất hiếm ở Campuchia, Lào và Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bà Dương Thị Bạch Diệp: Giám đốc “siêu hạng” trong giới bất động sản
Bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Diệp Bạch Dương là một trong những nữ đại gia nổi tiếng vì sự “chịu chơi” và giàu có bậc nhất Việt Nam. Nữ đại gia sinh năm 1948 này là một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế, dù tuổi đã ngoài 60.
Bà cũng là một nữ doanh nhân đi lên từ hai bàn tay trắng. Sinh ra tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định nhưng năm 1954 bà là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn ra miền Bắc học tập. Sau này, bà lấy chồng và sinh con ở miền Bắc, trong cái đói khủng khiếp, nhà không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm.
Thời bao cấp, bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1971, bà tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và về công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Đầu năm 1975, bà phải rời miền Bắc, rời gia đình để đi B với nhiệm vụ theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam.
Sau giải phóng, bà Bạch Diệp đoàn tụ với gia đình ở miền Nam nhưng phải đối diện với hàng loạt sóng gió trong cuộc đời kinh doanh, thuyên chuyển công tác nhiều lần. Đến đầu những năm 80, bà xin nghỉ chế độ chính sách. Lúc đó, tài sản của gia đình bà chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1984, bà bén duyên với ngành kinh doanh bất động sản, bắt đầu bằng việc sửa sang và bàn lại căn hộ của chính mình và vẫn kinh doanh lĩnh vực này đến tận bây giờ.
“Bà lão thép” Trần Thị Hường
Thuộc dạng “gạo cội” nhất trong những nữ doanh nhân vươn lên từ hai bàn tay trắng có lẽ là đại gia Trần Thị Hường, biệt danh Tư Hường.
Thuở nhỏ, nhà nghèo nên bà Tư Hường chỉ học đến lớp 5, còn hầu hết thời gian, bà đi làm thuê, làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… để có tiền lo cho gia đình. Tuy chỉ làm thuê và buôn bán nhỏ nhưng nhờ năng động, bà đã sớm tích lũy được một số vốn làm cơ sở để khởi nghiệp kinh doanh sau này.
Sau 1975, 5 trong số 10 người con của bà sang định cư tại Canada. Năm 1979, những thành viên còn lại chuyển vào TP. Hồ Chí Minh với tất cả các số vốn tích cóp được.
Khi vào TP. Hồ Chí Minh, bà đã xoay sở đủ nghề, bắt đầu bằng việc làm đại diện cho hợp tác xã thủy sản Bình Định đã liên kết với Công ty thủy sản Seaprodex; rồi kinh doanh một số ngành hàng với nước ngoài. Đầu những năm 90, bà dồn vốn liếng đầu tư dây chuyền nhà máy bia ở Khánh Hòa, thành lập Công ty TNHH bia Khánh Hòa, góp 45% vốn, phần còn lại là vốn của phía chính quyền địa phương bằng giá trị đất đai.
Vài năm sau, bà bán nhà máy này lại cho tập đoàn San Migiel (Phillipines) với giá 24 triệu USD, riêng mình bà lãi 5 triệu USD. Không lâu sau, bà Tư Hường tiếp tục xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển nhượng cho tập đoàn Coca-Cola với mức giá 15 triệu USD; tiếp tục thu lời triệu đô bằng cách xây dựng và bán nhà máy sản xuất nước tăng lực Lipvitan...
Sau nửa thế kỷ kinh doanh, tài sản lớn nhất của bà Tư Hường hiện nay tích tụ ở lĩnh vực địa ốc. Bà là người sáng lập tập đoàn Hoàn Cầu năm 1993, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng cũng như du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, ngân hàng và khu công nghiệp…
Ngoài ra, “lão tướng” này còn là cổ đông cá nhân lớn thứ ba (9,5% vốn) tại ngân hàng Nam Á và giữ cương vị cố vấn HĐQT của ngân hàng nàyNguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn