Kim Siêu Quần ủng hộ Bao Công có vợ
Mặc dù Bao Công (hay Bao Chửng) có vợ con nhưng vì được người dân Trung Quốc thần thánh hóa nên gia quyến của vị quan "mặt sắt" ít khi được nhắc đến. Có lẽ đây cũng là lý do khiến những bộ phim liên quan đến Bao Công thường không mấy khi đề cập tới chuyện tình cảm của nhân vật này.
Ngay cả loạt phim truyền hình nổi tiếng Bao Thanh Thiên của Đài Loan sản xuất từ năm 1993 do Kim Siêu Quần thủ vai chính cũng không có chi tiết nào liên quan đến đời sống tình cảm của ông.
Kim Siêu Quần muốn đưa hình ảnh nhân vật Bao Công trở về là một con người gần gũi với đời hơn. Ảnh: 163.
Trong thời gian khởi quay phiên bản mới Bao Thanh Thiên: Thất hiệp ngũ nghĩa (2010), Kim Siêu Quần với vai trò biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên chính đã có ý định dàn dựng về đời sống tình cảm của Bao Chửng khi ông đã về già. Kim Siêu Quần cho rằng, chi tiết đó là nhằm trả lại sự thực cho lịch sử, bởi trong dân gian từng lưu truyền chuyện Bao Công từng có đến hai bà vợ. Song, kịch bản của bộ phim đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều.
Phần đông khán giả nhận xét yếu tố tình cảm trong phim là nhằm câu khách và "vẽ rắn thêm chân". Đáp lại, phía nhà sản xuất khẳng định: "Khán giả thuộc nhiều thế hệ nên sẽ có gu thẩm mỹ khác nhau. Việc sáng tạo yếu tố mới trong kịch bản cũng là theo xu hướng tất yếu".
Kim Siêu Quần còn tiết lộ thêm, ngay từ năm 1993 khi khởi quay bộ đầu tiên Bao Thanh Thiên, biên kịch đã có kế hoạch thêm chuyện tình cảm cho nhân vật Bao Công, theo đó sẽ xuất hiện vai diễn Bao phu nhân. Tuy vậy Kim Siêu Quần khi đó đã lập tức lên tiếng phản đối với lý do: "Bao Công được người dân Trung Quốc xem thần thánh. Nếu thêm nhân vật Bao phu nhân thì Bao Công sẽ chỉ là người chứ không phải một vị thần nữa".
Chuyện tình cảm của Bao Công được đề cập đến trong phim Bao Thanh Thiên: Thất hiệp ngũ nghĩa. Ảnh: Baidu.
Nam diễn viên 63 tuổi cho biết thêm: "Trong dân gian lưu truyền rằng vợ cả Bao Chửng là Đổng Thị, sinh con trai trưởng là Bao Ý, con dâu cả là Thôi Thị. Vợ hai của Bao Chửng là Tôn Thị, sinh con trai Bao Thụ, lên 5 tuổi thì Bao Chửng qua đời".
Trong khi theo văn bia còn ghi lại cho biết, Bao Chửng có 3 người vợ là Trương Thị, Đổng Thị (có con trai Bao Ý), và Tôn Thị (có con trai Bao Thụ). Vợ đầu của Trương Thị ít được nhắc đến cũng như không có ghi chép lịch sử nào ghi lại.
Đổng Thị - người vợ hiền hiếu thảo
Vợ hai Đổng Thị của Bao Công được coi là một người vợ đảm đang có tiếng, góp phần lớn vào thành công của vị quan thanh liêm. Theo ghi chép để lại, Đổng Thị sinh ra trong một gia đình quan thần nhà Tống. Từ nhỏ bà được học chữ nghĩa, đọc sách thánh hiền và thông tường đạo lý.
Sau khi thành hôn với Bao Chửng, Đổng Thị từng nói với ông rằng: "Bậc đại trượng phu coi vua là trên hết, trong gia đình đã có thiếp chăm sóc cho song thân. Thiếp sẽ phụng dưỡng phụ mẫu như chính cha mẹ đẻ của mình, chàng cứ yên tâm đi ứng thí".
Theo ghi chép lịch sử để lại, Bao Chửng có đến 3 bà vợ. Ảnh mang tính minh họa.
Nghe được những lời nói chân thành và đầy cảm kích của người vợ hiền, Bao Chửng lên kinh thành tham gia khảo thí, đỗ đạt tiến sĩ và được phái làm tri huyện. Nhưng vì cha mẹ tuổi cao sức yếu không muốn đi xa, Bao Chửng đã xin từ quan về nhà chăm lo cho song thân.
Vì tận hiếu tận tâm mà từ bỏ quan tước, hành động này của Bao Chửng càng khiến Đổng Thị cảm kích và thêm phần kính trọng. Trong lòng Đổng Thị càng hiểu thêm con người phu quân nên hết lòng chăm sóc cha mẹ chồng.
11 năm sau, khi hai vị song thân của Bao Chửng quá cố, lúc này ông mới chính thức nhậm chức tri huyện, bắt đầu hành trạng của một vị phán quan chính trực thanh liêm. Trong những năm tháng Bao Chửng theo con đường quan trường, Đổng Thị không những chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho chồng, bà còn là cánh tay đắc lực giúp ông chuyện chính trường.
Đổng Thị hiểu được lòng Bao Chửng là người sống tận hiếu tận chung nên bà nguyện là người trợ thủ đắc lực của chồng. Ảnh: Sohu.
Chặng đường của một vị quan thanh liêm như Bao Chửng không thể không nhắc tới đóng góp to lớn của Đổng Thị. Bà bị bệnh và mất năm 1068, sau đó được an táng cùng mộ với chồng Bao Chửng ở thành phố Hợp Phì, tỉnh Anh Huy.
Bao Chửng và Đổng Thị có người con trai trưởng tên là Bao Ý, tuy nhiên ông qua đời năm hơn 20 tuổi và mới lấy vợ (Thôi Thị) được hai năm. Con trai của Bao Ý (tức cháu nội đích tôn của Bao Chửng) là Bao Văn Phụ lên 5 tuổi thì qua đời. Vợ của Bao Ý là Thôi Thị mất năm 1094, thọ 62 tuổi.
Người vợ lẽ éo le bị gửi trả bố mẹ đẻ
Ngoài ra, thiếp của Bao Chửng là Tôn Thị, về sau không hiểu vì lý do gì đã bị ông gửi trả về nhà đẻ. Con dâu Bao Công là Thôi Thị đã được ủy thác tới chăm sóc cha chồng. Khi Tôn Thị về nhà cha mẹ ruột mới phát hiện đã mang thai con trai với Bao Công.
Bao Chửng còn có thiếp là Tôn Thị và bị ông trả lại nhà bố mẹ đẻ nhưng không rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa: Sina.
Tôn Thị về nhà đẻ mới phát hiện mang thai con trai với Bao Chửng. Ảnh: Sogo.
Năm 1058, Tôn Thị sinh hạ con trai đặt tên Bao Đình, sau được vợ của Bao Ý (tức con dâu Bao Chửng và Tôn Thị) là Thôi Thị đổi tên là Bao Thụ.Theo ghi chép, Bao Thụ lên 5 tuổi thì Bao Chửng qua đời, một mình con dâu Thôi Thị nuôi em chồng ăn học nên người. Từ thông tin trên có thể thấy, gia đình Bao Chửng đã cho đón con trai Bao Thụ về nhà nội, giao cho con dâu nuôi dưỡng thay vì đón vợ lẽ Tôn Thị trở lại nhà họ Bao.
Bao Thụ từng trải qua hai cuộc hôn nhân, lần đầu là lấy học trò của Bao Công, con gái của Trương Điền ở Lô Châu, Trí Châu. Người vợ thứ hai là Văn Thị, con gái út của thừa tướng Văn Nhan Bác. Mặc dù sinh ra nơi cửa quan nhưng Văn Thị lại là cô gái hiền lành giản dị chứ không phải tiểu thư đài các như những người đẹp xuất thân cao quý khác.
Bản thân Văn Thị thích cuộc sống yên tĩnh, đơn giản và không cậy quyền thế, thấy người gặp khó khăn liền sẵn sàng tới giúp rất nhiệt tình hào phóng. Cô thường ăn chay, từng cùng chồng là Bao Thụ được rửa tội theo nghi thức Đạo giáo, coi vinh hoa như bụi trần. Trải qua hơn trăm năm sống dưới thời Bắc Tống thái bình, vợ chồng Bao Thụ nghiêm ngặt tuân theo lối sống thanh liêm của cha, coi trọng tiết tháo, đó cũng là xu thế tất yếu.
Hiếm có bộ phim nào đề cập đến chuyện tình cảm của Bao Công. Ảnh: Letv.
Hai vợ chồng sinh hạ con trai đặt tên Bao Vĩnh Niên, về sau làm quan thanh liêm và là người kế tục cũng như duy trì dòng họ Bao. Tuy nhiên, Văn Thị qua đời trước Bao Thụ 4 năm, hưởng dương hơn 30 tuổi.
Bao Thụ cũng như cha, trở thành một vị quan thanh liêm, sống thanh đạm thủ tiết, yêu dân như con, nhưng chán cảnh quan trường nhiễu nhương nên ông đã từ quan về làm ruộng. Bao Thụ từng làm đến các chức quan như Thái tự thái chúc, Quốc tử giám thừa, phán quan ở Hào Châu, năm 46 tuổi được thăng chức thông phán ở Đàm Châu và qua đời trên đường đi nhậm chức.
Chuyện tình Bao Công trên phim ảnh
Khi quyết định xây dựng bộ phim Bao Thanh Thiên: Thất hiệp ngũ nghĩa, Kim Siêu Quần đã có ý định đưa chuyện tình cảm của nhân vật Bao Công vào trong phim do chính ông làm đạo diễn. Song, hình ảnh nhân vật Vân Nhi (Từ Dư Nam) chưa thực sự tô đậm chuyện tình giữa Bao Công và Vân Nhi, thay vào đó là tấm lòng yêu mến của Vân Nhi dành cho Bao Công, cũng như sự hy sinh của nàng dành cho một vị quan thanh liêm, hết mình vì bách tính.
Lăng Sở Sở (trái) chỉ là một nữ hiệp có sứ mệnh bảo vệ cho Bao Công thời trẻ. Ảnh: Youku.
Còn trong Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên, hình ảnh một người đẹp luôn sát cảnh bên Bao Công là Lăng Sở Sở (Lý Băng Băng) lại chỉ đơn thuần là một nữ hiệp, có sứ mệnh bảo vệ Bao Công, tương tự vị trí của Triển Chiêu sau nay chứ không thực sự làm nổi bật tình cảm nam nữ của hai nhân vật này.
Chỉ có trong bộ phim Tình nghịch tam thế duyên của đài TVB, nhân vật Bao Chửng được xây dựng có tình cảm với người đẹp Hàn Sương Sương - một nhân vật hoàn toàn hư cấu tương tự những Vân Nhi hay Lăng Sở Sở - thay vì những bà vợ thực sự mà Bao Công từng có và được sử sách ghi chép lại.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn