N.S Nguyễn Văn Tý: Cô đơn, bệnh tật, túng thiếu tuổi 90

Thứ tư - 05/07/2017 21:23
Nhạc sĩ "Dư âm" rơi không ít nước mắt khi chia sẻ về nỗi cô đơn, cảnh túng thiếu cùng những hồi tưởng về tình yêu, tuổi trẻ.


Nhà của vị nhạc sĩ tài hoa nằm trong cuối con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM). Căn nhà nhỏ nơi ông sinh sống không có gì nổi bật để nhận ra nếu như không nhờ âm thanh quen thuộc của Dư âm, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre...

Trên tường của căn phòng khách là hình ảnh kỷ niệm thời trai trẻ, những ngày hoạt động sôi nổi trong đội văn công của Trung đoàn 304, hay nhiều nhất là những minh chứng cho tình đồng nghiệp, tình bạn, tình đồng chí được ông tự tay chăm chút cho khuôn hình, sắp xếp cẩn thận trong những năm tháng khỏe mạnh.

Người già hay sống về hoài niệm, về những chuyện quá khứ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng không phải là ngoại lệ. Cái hay là ở tuổi gần 90 (ông sinh năm 1925 tại Nghệ An – quê gốc huyện Sóc Sơn thuộc Hà Nội), nhạc sĩ lại khá tinh tường khi kể lại sự nghiệp cũng như những mối lương duyên của mình. Thỉnh thoảng, ông còn cất tiếng hát một cách say mê rồi nói trôi chảy một câu tiếng Pháp, mặc cho làn hơi đã yếu đi nhiều.

Rơi vào cảnh túng thiếu vì người giúp việc

Vừa bước vào cửa nhà, cũng là lúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được con rể dìu ra khỏi giường để tập đi sau thời gian dài nằm liệt vì cơn tai biến lần thứ 3 cách đây một tháng. Dù đã chuẩn bị sẵn từ trước, nhưng người viết vẫn không khỏi xót xa khi hình ảnh trưởng đoàn văn công của trung đoàn 304 oai hùng nay phải đi lại từng bước nhỏ khó khăn cùng sự trợ giúp của chiếc gậy.

Vừa ngồi xuống được chiếc ghế cách giường vài bước chân, ông thở gấp, ngớp đỡ ngụm trà nóng rồi trầm ngâm tâm sự: “Thỉnh thoảng phải đi lại thế này, chứ nằm hoài đau cột sống lắm. Gần đây tôi mệt nhiều, ăn ngủ khó, buồn rồi lại khóc”. Nói đến đây, ông không tránh khỏi sự xúc động cùng đôi mắt rưng rưng những giọt nước mắt của sự tủi thân, cô đơn của tuổi già. Nhạc sĩ trải qua hai cuộc hôn nhân và cả hai đều đã rời bỏ ông ra đi. Người vợ đầu ra đi không lâu sau khi sinh con đầu lòng. Người vợ sau mất vào năm 2004. Hỏi ông có nhớ bà không? Ông lại khóc rồi lặng lẽ gật đầu thay cho câu trả lời.

"Gần đây tôi mệt nhiều, ăn ngủ khó, buồn rồi lại khóc”.

Kể từ năm 2004, sau khi người vợ thứ hai mất, ông một mình sống trong căn nhà nhỏ xuống cấp cùng sự chăm sóc của người giúp việc. Gia đình người con gái đầu đang sống ở Hà Nội không tiện đi lại để chăm sóc, còn con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh sống ở quận Tân Bình, thỉnh thoảng qua lại. Đến một tháng gần đây, con rể mới sắp xếp chuyện gia đình để sang ở cùng nhạc sĩ.

Nói về tình hình sức khỏe của bố vợ, con rể thứ hai của nhạc sĩ chia sẻ: “Bố tôi phần nào đã khỏe hơn so với cách đây một tháng. Một ngày ông ăn 3 bữa, thức ăn phải nấu nhừ. Tôi đang tập cho cụ đi lại, thỉnh thoảng hôm nào ông khỏe thì đẩy xe lăn ra ngoài đi dọc bờ kè để đổi gió, uống cà phê. Cách đây 4 - 5 năm, vợ chồng tôi có đón ông ở cùng nhưng sau đó ông lại đòi về đây”.

Anh nói thêm do người già tính tình của nhạc sĩ hơi khó, nên người nhà cũng phải hết sức lưu tâm và tìm cách an ủi. Dù không nắm rõ về hiện tại, nhưng khi nói về quá khứ, cụ ông dù đã gần 90 tuổi nhớ nhiều và rất linh hoạt.

Những ngày nằm giường, phương tiện giúp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giải khuây là chiếc tivi cùng bộ loa cũ có thể cắm USB vào để nghe nhạc. Cái hay là dù ít nhiều lãng tai, nhưng nhạc sĩ đều nghe rất rõ từng câu, từng chữ trong các sáng tác của mình. Con rể ông cười nói, thỉnh thoảng anh mở những nhạc khác như nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, ông lập tức phát hiện ra và đòi phải mở những sáng tác của mình.

Chiếc TV cùng bộ loa cũ là nguồn giải trí duy nhất của nhạc sĩ.

Người nhà cho biết, từ khi về hưu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngoài lương hưu và tiền tác quyền, ông còn nhận được ít nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, hay gần đây là sự giúp đỡ của người hâm mộ sau khi hay tin hoàn cảnh khó khăn của người nhạc sĩ mà mình yêu mến. Do trước đây ông phải chi tiêu nhiều cho gia đình cô giúp việc – vốn đã theo ông gần 20 năm nên có nhiều ân tình - mới xảy ra chuyện thiếu hụt chứ thực tế, ông có thu nhập khá.

Chia sẻ về việc quản lý tài khoản do các nhà hảo tâm đóng góp, chị Thái Linh – con gái nhạc sĩ chia sẻ: “Số tiền này sẽ được bố tôi và mọi người ủy quyền quản lý và chi tiêu để đảm bảo ông phải được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, ở trong mội trường sạch sẽ, ngăn nắp”.

Hiện tại, gia đình đã mướn người giúp việc mới để lo chợ búa, ăn sáng, dọn dẹp, nấu ăn cho nhạc sĩ. Những ngày qua, con gái nhạc sĩ cũng đã chủ động sắp xếp lại nhà cửa khang trang, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Vợ chồng chị không quên bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm của các tập thể, cá nhân dành cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong thời gian qua. “Khán giả, trong đó có nhiều bạn trẻ vẫn còn nhớ và yêu thương ông là minh chứng rõ ràng nhất cho nhạc của ông vẫn còn sống mãi”, chị Thái Linh tâm sự.

Chiếc giường đủ một người nằm của nhạc sĩ, kế bên là chiếc bàn kê đầy các loại thuốc.

Chuyện tình 20 năm không hồi kết

Dù sức khỏe khá yếu, nhưng khi hỏi về âm nhạc, về sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại như được tiếp thêm sức sống. Đôi mắt ông trở nên tinh tường, giọng nói cũng dõng dạc hơn khi được ôn lại những kỷ niệm cũ nhưng vô cùng quý giá. Hỏi nhạc sĩ ưng ý nhất sáng tác nào của mình, ông không ngần ngại trả lời đó là ca khúc Dư âm. Đang nói, ông bất chợt cất tiếng hát như được sống lại thời kỳ mà mình hạnh phúc nhất.

Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, sáng tác là thuật lại một câu chuyện, một cảm nhận có thật mà bản thân ông được trải qua. Và với các ca sĩ được ông tin tưởng trao bài hát, đó còn là một trọng trách giúp ông truyền tải những cảm nhận riêng tư này.

Nhạc sĩ nói: “Mỗi khi đưa bài cho ca sĩ, tôi đều phải hướng dẫn cho họ từng chi tiết một, từng câu chuyện xung quanh nội dung phía sau, chứ không phải đưa rồi để họ muốn đọc ra sao thì đọc, hát như thế nào thì hát như người khác. Có những ý nghĩa, những ẩn ý, nếu mình không nói ra thì khi hát, không ai có thể hiểu cả. Do đó, nhiều người nói bài của tôi càng nghe mới càng hiểu và thấm”.

Hình ảnh thời trai trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và vợ.

Ông nhớ như in câu chuyện phía sau bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Đó là chuyện tình kéo dài gần 20 năm nhưng không có hồi kết tốt đẹp mà ông lỡ mang vào người.

“Ngày xưa tôi có thương cô Báu – giải nhì sắc đẹp thành phố Vinh - nhưng do gia đình ngăn cản nên không đến được với nhau. Sau này khi tôi đến thăm, cô ấy có nói: ‘Nếu anh có thương Báu thật tình, thì anh phải nghe lời Báu. Báu giới thiệu cho anh một cô dệt vải gần nhà để làm bầu bạn, để mỗi khi về thăm, anh lại gặp Báu’. Nhưng đến khi sang gặp, cô ấy chỉ ngồi quay mặt đi, mãi mê dệt vải, thỉnh thoảng mới quay lại cười. Tôi nghĩ cô ấy chẳng nói gì nên lại thôi. Mãi 18 - 19 năm sau, có một anh ở Sở Điện ảnh Hà Nội đến nói với tôi: ‘Anh có một cái tội to lắm. Anh thương o em mà để o chờ gần 20 năm trời, mãi vừa đây mới lấy chồng’. Tôi mới vỡ lẽ. Tại cô ấy không nói gì nên tôi không hiểu. Nếu cô ấy nói thì tôi thương lắm. Do đó, trong ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, tôi có viết đoạn: ‘Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm cây sào đứng đợi’ là như thế”.

Hay như một kỷ niệm đáng yêu liên quan đến ca khúc Mẹ yêu con, được ông viết tặng cho cho vợ khi vừa hạ sinh con gái. Ông từ tốn kể: “Người hát bài Mẹ yêu con mà tôi thích nhất là Thanh Huyền – cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Tôi nhớ rõ chồng cô Huyền là đạo diễn, một lần nọ, cậu ấy mách tôi rằng: ‘Ông ơi, vợ em nó hay quên lắm, ông đừng dạy nữa mất công’. Tôi liền bảo ông ấy về viết cho tôi bản nhạc trên tờ giấy to như khung cửa này, để trên đầu giường. Thế là về nhà, cậu ấy làm đúng y như lời tôi dặn, nhờ vậy mà Huyền hát mãi cũng thuộc.

Đến khi đi thu thanh, đoạn ‘Mẹ ngắm con cười’, cô ấy lại quên mất chữ ‘cười’. Tôi đứng ngoài lập tức phát hiện ra rồi nói lớn ‘cười’, mọi người xung quanh giật mình, không hiểu vì sao. Còn cô Huyền thì sực nhớ ra rồi thu lại đến khoảng 3 - 4 lần. Ngày xưa, một bài phải thu nhiều lần mới xong”.

“Thu âm thì lâu, nhưng sáng tác là cả một nguồn cảm hứng, nên phải làm càng nhanh càng tốt. Bài Cô đi nuôi dạy trẻ tôi hoàn thành trong một buổi sáng. Dường như được thần linh mách bảo, đọc từng câu từng chữ cho tôi. Lâu là chỉ khi gặp những khúc mắc, còn để lâu quá thì nhiều khi viết được nửa chừng cũng phải vứt đi”, ông nói thêm.

Sống vì âm nhạc, nguyện lòng chết cùng âm nhạc

Âm nhạc trong tâm tư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dường như là nguồn cảm hứng, là chủ đề vô tận. Với ông, sáng tác được ông định nghĩa là điều vô cùng biến hóa, muôn màu muôn vẻ. “Tôi học nhiều người lắm. Thầy đầu tiên dạy là ông Đội Sùng kèn cối xanh, người thầy thứ 2 là ông giáo sư người Tàu dạy đàn, từ đó tôi tự tìm hiểu rồi suy diễn ra thế nào là câu thế nào là vần. Người thứ 3 dạy tôi một cách đúng đắn là môt ông cha cố người Tây Ban Nha. Ông chuyên gia Triều Tiên là người thứ bốn chỉ cho tôi hiểu rõ thế nào là giao hưởng, là cung sonate…".

Ông tâm sự: “Tôi say mê nhạc Đặng Thế Phong cho đến Văn Cao, mỗi sáng tác là một hình mẫu để tôi học tập. Tôi nhớ như in trong một cuốn sách của một tác giả người Pháp, trang đầu tiên có câu: Trước khi sáng tạo, hãy học bắt chước đã. Bắt chước ở đây không phải là sao chép, mà học theo phương pháp, cảm hứng của người ta nữa”.

Có một lần đang viết gần hoàn tất một ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị huyết áp cao nên phải mời bác sĩ đến xem tình hình bệnh tình thế nào. Bác sĩ nhìn ông rồi cười bảo: “Lần sau ông để như thế này thì mời tôi không đến nữa”. Lúc đó, ông liền trả lời: “Bác sĩ muốn chữa thì chữa, không thì thôi. Người ta hy sinh cả cuộc đời còn không tiếc, thì tôi tiếc gì đời của mình”.

Nói về sự sống – cái chết, nhạc sĩ cho biết ông không sợ chết, bởi đời ông lẽ ra đã chết rất nhiều lần trong những năm tháng chiến tranh: “Nhiều lần tôi tưởng như 100% đã chết nhưng cuối cùng lại không sao cả. Một lần về thăm mẹ, đến bến đò gần nhà thì gặp máy bay đến bắn, tôi ở bến bên này, chúng nó bắn ở đầu kia, chết nhiều lắm. May sao, tôi không trúng đạn, về đến nhà vẫn còn run. Mẹ hỏi, tôi mới chực khóc: 'Đáng lẽ con chết rồi, nhưng nó bắn không trúng, mẹ ơi'. Hay như khi đưa đoàn văn công của tôi ra trận địa, lại gặp máy bay bắn phục kích, may sao cả đoàn tôi đều thoát chết”.

Những bằng khen, hình ảnh kỷ niệm có giá trị tinh thần được nhạc sĩ treo cẩn nhận trên bức tường cũ.

Hỏi về những bức hình được gắn khung rồi treo cẩn thân trên tường, nhạc sĩ vẫn nhớ như in từng dịp được chụp, với ai, ở đâu. Này là ảnh chụp nhân dịp chuyên gia Triều Tiên sang đội của ông để dạy nhạc, kia là hình chụp cùng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong một chuyến nhạc sĩ ra Hà Nội cách đây khá lâu, bên này là kỷ niệm cùng người bạn thân Phạm Duy… Tất cả đều được ông kể vanh vách không sót một chi tiết nào.

Nói tới Phạm Duy, ông kể: “Tôi thân với Phạm Duy, kỷ niệm nhiều vô kể. Có một lần ở Ban tuyên huấn Đảng của sư đoàn 304, có người hỏi rằng có hai cô gái từ Hà Nội vừa ra (sau này là hai nữ danh ca Thái Hằng và Thái Thanh), muốn xin vào đoàn văn công của tôi, có nhận không? Vừa ngồi nói chuyện một lúc thì ông Phạm Duy cầm đàn lên đánh và hát, thế là cô Hằng kia rung cảm. Tôi liền đùa: 'Ông nhanh quá, tôi chưa hỏi gì cô ấy thì ông đã giở trò rồi', Duy chỉ cười. Sau đấy họ dính với nhau, làm bạn rồi lấy nhau”.

 

theo Zing

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây