Lần đầu tiên, học sinh trường Tiểu học Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) tham gia một hoạt động như thế này: mang rác từ nhà đến tập trung tại nhà trường. Thoạt nhìn, thấy có vẻ kỳ quặc nhưng càng ngẫm càng thấy được ý nghĩa của nó.
Số rác tái chế thu gom được được bán và xây dựng Quỹ "Tiết kiệm sinh thái"
Cô Lê Thị Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi triển khai mô hình “Tiết kiệm sinh thái” đã tạo cho các em học sinh ý thức và hành vi rất tốt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là việc thực hiện tiêu chí 3 R (thu gom, phân loại và xử lý) đối với rác thải. Ở trường, mỗi lợp học được bố trí 2 giỏ rác, trong đó 1 giỏ dùng bỏ rác hữu cơ, còn 1 giỏ là đựng các loại rác khác như giấy, chai nhựa… Còn ở nhà, các em có thể dùng giỏ hoặc túi để phân loại rác để xử lý. Đối với các loại rác như giấy loại, túi ni lông, chai nhựa, vỏ đồ hộp, cứ đến cuối tháng, mỗi học sinh lại phải mang đến cho nhà trường. Nhà trường tổ chức cân và phân loại, tích điểm cho các em.
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng lần thu gom đầu tiên học sinh trường tiểu học Đại Nài đã thu gom được 1236 lon bia, 263 kg giấy loại và 37 kg túi ni lông; đã bán được thành tiền là 1923.000 đồng. Số tiền này sẽ được đóng góp vào xây dựng quỹ tiết kiệm sinh thái và sử dụng cho việc mua đồ dùng học tập cho học sinh.
Em Nguyễn Thị Hà Phương – Học sinh lớp 3B cho biết: “Trước đây, em chưa bao giờ thu gom rác. Nhưng từ khi được cô giáo hướng dẫn cụ thể em mới hiểu ra rằng thu gom rác cũng là một việc làm tốt. Vì vậy, em đã hưởng ứng bằng cách tích cực thu gom và phân loại rác. Ngoài ra, em còn nhắc nhở mọi người trong gia đình cùng thực hiện”. Không chỉ em Phương mà hầu hết các em học sinh đều nhận thức rất sâu sắc về vấn đề này. Em Nguyễn Thị Thục Anh nhanh nhảu: “Thu gom và phân loại rác là một việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta được xanh – sạch – đẹp. Vì vậy, chúng em sẽ tích cực hưởng ứng hoạt động này”.
Đến nay, UBND thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai mô hình tại 10 trường học trên địa bàn. Kết quả trong lần thu gom đầu tiên đã thu được 12.368 lon bia; 264,5 kg chại nhựa; 46,4 kg bao ni lông; 56 kg đồ nhựa; 12 kg sắt vụn; đã xây dựng được quỹ tiết kiệm sinh thái với số tiền 13.043.000 đồng. Như vậy, bước đầu, các mô hình đã tạo được những bước chuyển tích cực, đã góp phần quan trọng giúp học sinh và cả cộng đồng thấy được lợi ích của việc thu gom rác thải và đã tạo được những hành vi bảo vệ môi trường tích cực.
Học sinh tự biết ý thức phân loại rác thải cả ở trường học lẫn ở nhà
Ông Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Nội dung của việc thực hiện mô hình này là học sinh sẽ phân loại rác thải tại hộ gia đình, sau đó, mỗi tháng một lần đem các loại rác tái chế đến nhà trường để được cân đếm và ghi vào sổ tiết kiệm sinh thái. Mỗi học sinh còn là một tuyên truyền viên nhỏ về phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Với hình thức này, cuối năm, mỗi học sinh sẽ được một số điểm nhất định tương ứng với lượng phế liệu mà học sinh thu gom được; nhà trường sẽ hình thành được quỹ tiết kiệm sinh thái dựa trên số tiền bán phế liệu. Riêng việc sử dụng quỹ sẽ do BGH nhà trường cùng phụ huynh bàn bọc thống nhất, có thể dùng mua đồ dụng học tập cho học sinh, trích phần thưởng cho học sinh phân loại rác tốt hoặc gửi tiền mặt tương đương số điểm học sinh tích được cho phụ huynh.
Việc thực hiện mô hình này có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng tiếp tục thực hiện tốt đề án “Xã hội hóa công tác VSMT, thu gom rác thải”; làm giảm thiểu lượng rác phải chôn lấp, chi phí xử lý; sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường. Và trên cơ sở kết quả thực hiện tại các mô hình điểm, UBND thành phố sẽ cho nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn thành phố.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn