Chùa Cầm Sơn trên núi Thiên Cầm

Thứ ba - 04/07/2017 03:33
(Hatinhnews) - Truyền thuyết kể lại rằng, thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên gẩy đàn, nhà Vua bèn lệnh cho quần thần cùng leo lên núi, thấy eo biển Thiên Cầm giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ "Thiên Cầm Sơn". Từ đó núi đá có tên là núi Thiên Cầm.

Hàng năm, khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển. Lời đồn rằng, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh rất lạ như là thứ nhạc của trời. Có lẽ vì vậy mà Thiên Cầm theo nghĩa đen là Đàn Trời.

Đại đức trụ trì Thích Hạnh Nhẫn

Đoàn hành hương Nam - Trung -Bắc trong một lần viếng chùa Cầm Sơn

Thiên Cầm còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của một triều đại. Đấy là vào năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc, lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm. Con đường Bắt đỏ au màu đất chạy quanh co dưới những rừng thông dẫn đến núi Thiên Cầm chính là dấu tích bị thương của Hồ Quý Ly khi ông bị thất thủ tại phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt. Sau khi bắt được Hồ Quí Ly trong hang núi, tướng giặc Minh bắt dân ta đổi chữ "Cầm" có nghĩa là “Đàn” thành chữ "Cầm" là có nghĩa là “Bắt”. mãi đến khi đất nước sạch bóng quân Ngô, Thiên Cầm mới được trở lại đúng với nghĩa ban đầu là “Đàn trời”.

Núi Thiên Cầm cách Thành phố Hà Tĩnh khoảng 20 km, cao 108m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh núi du khách thoả sức phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ bãi biển và các đảo gần bờ. Núi không cao, lại nằm kề biển, tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Trên đỉnh núi Thiên Cầm, từ thế kỷ thứ 13 Đền thờ cha con Hồ Quý Ly được xây dựng, tuy nhiên do thời gian lùi xa về quá khứ, Đền bị hư hỏng, sau này với chủ trương hợp nhất đình, đền, miếu mạo, nơi đây còn thờ thêm Phật, nên được gọi là Chùa Cầm Sơn.

Chùa Cầm Sơn tọa lạc trên đỉnh núi. Chùa có lối kiến trúc đơn giản, bao gồm 01 nhà Tổ, khu nhà Tăng và gian thờ chúng sinh; hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có ý nghĩa lịch sử. Năm 2010, với sự công đức các nhà hảo tâm và đông đảo bà con Phật tử nhà chùa đã tổ chức đúc chuông đồng với trọng lượng gần 1 tấn. Con đường từ chân núi lên đến Chùa là chuỗi bậc thang 405 bậc được xây và lát đá chạy vòng theo sườn núi, thuận tiện cho việc đi lại hành hương của khách thập phương.

Tuy không cao lớn về tầm vóc kiến trúc nhưng chùa Cầm Sơn có vị trí đắc địa, gắn liền với nhiều chứng tích lịch sử lâu đời. Năm 2004, núi Thiên Cầm và chùa Cầm Sơn được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hiện nay, chùa do đại đức Thích Hạnh Nhẫn – Trưởng ban Hoằng pháp Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh, chánh đại diện Phật giáo huyện Cẩm Xuyên trụ trì. Với sự chuyên tâm tu hành, tấm lòng từ bi, quảng đại của vị trụ trì; sự nhiệt tình của Ban hộ tự nơi đây cùng với những câu chuyện truyền miệng trong dân gian về sự linh thiêng của ngôi chùa, số Phật tử và bà con nhân dân đến chùa ngày càng đông hơn; hoạt động của Phật sự tại địa bàn thị trấn Thiên Cầm nói riêng, tại huyện Cẩm Xuyên cũng được chấn hưng, quy củ hơn.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự phát tâm công đức, sự quan tâm của các nhà hảo tâm và đông đảo bà con Phật tử gần xa, nhà chùa đang có kế hoạch tiếp tục trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới các hạng mục công trình nhằm phục vụ cho việc hoằng dương chánh pháp và để có nơi cho nhân dân, Phật tử về tu học Phật pháp.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây