Hà Tĩnh: Nốt nhạc giữa rừng xanh

Thứ ba - 04/07/2017 11:02
(Hatinhnews) - Giữa những ngày tháng 7 nặng nghĩa tri ân này, chúng tôi trở lại Đồng Lộc trong niềm vui đón đợi một công trình mới sắp sửa hoàn thành- Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GTVT. Dù đang trong giai đoạn nước rủt hoàn thiện các công đoạn cuối cùng nhưng đài tưởng niệm đã hiện rõ hình hài vóc dáng, uy nghi mà gần gũi, trầm mặc mà thanh thoát, đường bệ mà gợi cảm dưới màu xanh của dãy Trọ Voi, như một nốt nhạc xanh ngân vọng giữa núi đồi hùng vĩ. Đài tưởng niệm làm gợi nhớ đến những người còn của đẩt mẹ Hà Tĩnh anh hùng đã xả thân cho những con đường ra tiền tuyến luôn đuợc thông suốt như những mạch máu luôn chảy về tim.

Nằm ở vị trí “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, trong chiến tranh chống Mỹ, Hà Tĩnh luôn có vị trí chiến lược quan trọng với cả nước, đặc biệt là những năm tháng cao điểm từ 1968 đến 1972. Những năm tháng ấy, thông đường, thông xe là thắng địch, tắc đường là những chuyến xe chở hàng hóa, vũ khí và bộ đội hành quân không thể đến được với tiến tuyền lớn miền Nam, làm chậm lại ngày toàn thắng của dân tộc. Vì thế, tất cả các con đường trên mảnh đất nhỏ bé 6 vạn km2 này đều được khôi phục và tận dụng triệt để cho công việc cấp bách ấy.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Giao thông vận tại hy sinh trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước tại Hà Tĩnh.

Những cán bộ, công nhân ngành GTVT, lực lượng TNXP cùng máy móc, phương tiện được điều động tối đa cùng sự chi viện của bộ đội, dân quân... phục vụ cho sự nghiệp thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Đường 1A từ từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, các tuyến đường phía Tây lên Trường Sơn như 15A, 21, 22…đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của các thế hệ cán bộ công nhân ngành GTVT và lực lượng bộ đội, TNXP. Linh Cảm, Đồng Lộc, Khe Giao, Thượng Gia, Cổ Ngựa, Địa Lợi, Vực Trống (Mỹ Lộc), Con Công (Phú Lộc)…những điểm bom rơi đạn nổ không ngớt ngày đêm và cũng là những nơi luôn vang lên tiếng máy, tiếng xe, tiếng cuốc xẻng, tiếng cười tiếng hát của những con người lứa tuối 20, đặc biệt là Ngã Ba Đồng Lộc - túi chứa bom khổng lồ, nơi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và giá trị nhân văn.

Ông Nguyễn Minh Châu - Nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Ngày 10/5/1968, ban Đảm bảo Giao thông Ngã Ba Đồng Lộc được thành lập do ông Nguyễn Đình Hiến - trưởng phòng Đảm bảo Giao thông Ty giao thông làm trưởng ban và các lực lượng đã khẩn trương được điều động về khu vực Đồng Lộc bao gồm: Lực lượng chủ lực của Ty GT: Đội thi công cơ giới cùng 2 máy ủi ĐT 75; Đội xe ben tải gồm 10 xe Zin và 20 xe Giải phóng; ½ Đại đội cầu, Đội công trình 6, Đội công trình 4, phối hợp với Tỉnh đội điều động thành lập Đội rà phá bom “cảm tử” do Vương Đình Nhỏ làm Đội trưởng. Lực lượng TNXP gồm có 7/8 đại đội từ 551 - 557 của Tổng đội 55 được điều về trọng điểm Ngã Ba Đồng Lộc và các vùng lân cận. Ngoài ra còn có các đại đội chủ lực GT huyện Can Lộc, dân quân, xã viên HTX vận tải thuộc Ty GTVT sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ Đồng Lộc.

Ngã Ba Đồng Lộc gầm gào tiếng bom dội. Những con đường bị cày đi xới lại thành những hố bom sâu hoắm, nham nhở đã nhanh chóng được san lấp, được vá lại bởi những bàn tay của các lực lượng GTVT, TNXP, dân quân các xã. Và những đoàn xe chưa một ngày nào phải dừng lại ở Ngã Ba mà luôn nối nhau vượt trọng điểm ra tiền tuyến. Anh Vương Đình Nhỏ chỉ huy Tiểu đội phá được 529 quả bom, dũng sĩ Uông Xuân Lý cùng đồng đội mỗi đêm san lấp được 4 - 5 hố bom, góp phần thông xe mỗi tháng 24 đêm, mỗi đêm 5 - 6 giờ, Vũ Quang Thành - Tổ máy gạt I Cục công trình 1 cùng đồng đội đào lấp hàng nghìn m3 đất đá và kéo 45 xe bị đổ xuống hố; chị La Thị Tám đứng trên núi Mòi đếm và cắm tiêu hàng trăm quả bom nổ chậm.

Lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT, VHTT&DL cùng các Hội đồng nghệ thuật kiểm tra tiến độ, chất lượng mỹ thuật của công trình - Đài tưởng niệm TNXP ngành GTVT.

Có chiến thắng nào không được đổi bằng xương máu, kết thúc chiến tranh, có hơn 800 liệt sĩ ngành GTVT, TNXP. Nơi họ yên nghỉ có thể là nghĩa trang quê nhà, dòng họ, là khu mộ chung có bia đá, ảnh hình, cũng có thể là những nầm mồ bị thất lạc còn bao phủ bởi lớp cỏ xanh của núi đồi đâu đó trên dải đất quê hương. Nhưng sau 44 năm, những tên tuổi bất tử của một đội quân chủ lực GTVT và TNXP hy sinh trên những cung đường trên đất Hà Tĩnh lại cùng nhau tụ họp về đây, phia sau Đài tưởng niệm nghi ngút khói hương và ngày đêm vi vút tiềng thông reo.

Công trình cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GTVT tọa lạc tại cửa ra vào phía Đông bắc Ngã Ba, nơi mà nhiều vị lão thành ngành GTVT khẳng đinh là chính tâm ngã ba xưa trong chiến tranh. Ông Nguyễn Trân - Phó Giám đốc Sở GTVT, chủ đầu tư cho biết: “Sau 5 năm lập đề án, báo cáo kỹ thuật, công trình đã được khởi công ngày 10-8-2011 theo quyết định 3801 - QĐ, UBND tỉnh ngày 21 - 12 - 2010 với tổng mức đầu tư 14 tỷ 133 triệu đồng. Công trình có các hạng mục chính: Đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ, khuôn viên cây xanh bao quanh, hệ thống chiếu sáng, các công trình phụ trợ khác. Toàn bộ công trình toạ lạc trên diện tích 3.000 m2.”. Đài tưởng niệm và dãy bia ghi danh được xếp hình vòng cung phía sau làm bằng đá nguyên khối Thanh Hoá. Đây là hai hạng mục chính của công trình được hội đồng nghệ thuật quan tâm, góp ý, thẩm định nhiều lần. Nét đặc biệt của Đài tưởng niệm là không cao lắm (9,68 m), diện tích bề mặt 256 m2, được kết cấu 3 mặt đối xứng Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc. Theo tiến sĩ Võ Viết Lượng - Giám đốc Công ty XD và TM Minh Khai, người thiết kế mẫu phác thảo tượng đài thì 3 mặt đó có nghĩa là Thiên - Địa - Nhân, còn có nghĩa là ba chân kiềng vững vàng theo quan niệm dân gian, ngầm mô tả ý chí kiên định, sẵn sàng xả thân hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Mặt chính có cửa võng, chạm trổ theo lối đầu đao cột đình, đền thờ của kiến trúc Việt. Phía trên, chính tâm là lô - gô biểu tượng của ngành GTVT, hai bên có khắc hoa văn hình lửa tượng trưng cho ngọn lửa chiến tranh, ngọn lửa Cách mạng và lửa tam muội dùng cho việc tâm linh. Phía trong tượng đài là cột bài vị có khắc 4 chữ: “Tổ quốc ghi công”, một sự kết hợp giữa đài tưởng niệm và tượng đài chiến thắng. “Chúng tôi dành phân lớn không gian bốn phía cho cây xanh, trên đồi sẽ trồng cây thông - một biểu tượng khí phách của người Hà Tĩnh. Du khách khi bước chân từ tam cấp lên mặt sân sẽ được cuốn hút bởi tượng đài, thảm thực vật, 10 bia ghi danh và đồi cây vi vu tiếng gió, lảnh lót tiếng chim, gợi lên sự thanh bình thánh thiện” – Ông Lượng cho biết thêm.

Tiến sĩ Võ Viết Lượng - Giám đốc Công ty XD và TM Minh Khai đang trao đổi với phóng viên báo Hà tĩnh về ý tưởng thiết kế Đài tưởng niệm.

Chúng tôi đã may mắn được dự buổi làm việc lần cuối của hội đồng nghệ thuật thẩm định công trình. Tất cả các ý kiến của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư…đều khẳng định thành công của công trình là ở sự hài hoà, đạt giá trị về kiến trúc và nghệ thuật. Được biết, tối 22/7, tại đây sẽ diễn ra lễ cấu siêu cho các anh hùng liệt sĩ.

Linh hồn người đã khuất vậy là thêm một lần nữa được thoả nguyện, còn cán bộ nhân viên ngành GTVT cũng như các gia đình liệt sĩ, đồng chí đồng bào và du khách gần xa thêm một địa chỉ để dừng chân ở Đồng Lộc, hiểu thêm sự hy sinh của cha anh và thấm thía thêm giá trị của cuộc sống hôm nay.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây