Bức Đại tự cổ thời Minh Mệnh (1826) hiện đang lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy. |
Bức đại tự và tấm bia đá cổ nói trên được con cháu dòng họ Nguyễn Duy lưu giữ trang trọng tại nhà thờ từ bao đời nay như một báu vật truyền đời của dòng họ.
Tấm bia đá cổ thời Tự Đức (1871) ở nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy |
Bức Đại tự có kích thước dài: 1.3m, rộng: 0.80m, dày: 0.5cm, được chế tác thủ công, làm bằng chất liệu gỗ quý sơn son thếp vàng, các đường viền xung quanh bức Đại tự, ở vị trí phía trên và dưới được chạm khắc nổi các họa tiết hoa văn trang trí hình tượng hai con rồng chầu mặt nguyệt, hai bên chạm khắc các họa tiết hình rồng, mây, theo điển tích rồng mây gặp hội, với nét chạm nổi màu vàng son. Ở giữa chạm khắc 4 chữ Hán cổ, được viết theo hàng ngang, nội dung: Dịch diệp diễn tường, có nghĩa là: Phúc thọ đời đời, phía dưới chạm khắc 7 dòng chữ Hán cổ được viết theo chiều dọc. Nội dung (phiên âm): Sắc tứ: Nguyễn Duy Phiên, Nghệ An trấn, Hà Hoa phủ, Thạch Hà huyện, Trảo Nha xã nhân, thọ đăng bách tuế, ngũ đại đồng đường. Đặc tứ quải quán, dụng biểu thăng bình nhân thụy. Minh Mệnh thất niên thập nguyệt cát nhật. Dịch nghĩa: Ban cho: Nguyễn Duy Phiên, người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là xóm Nam Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Lên tuổi thọ 100 tuổi, một nhà đủ 5 đời. Đặc biệt ban cho tấm biển này treo ở bản quán để biểu dương đời thăng bình thịnh vượng, người hưởng phúc lành. Năm Minh mệnh thứ 7, tháng 10 (11-1826), ngày tốt.
Qua tìm hiểu ban đầu được biết, bức Đại tự trên còn được gọi là: Ngự tứ kim biên, có nghĩa là: Biển vàng vua ban. Do vua Minh Mệnh ban thưởng cho cụ Nguyễn Duy Phiên thuộc đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Duy, thọ 100 tuổi (bách tuế), thi đậu tú tài và đặc biệt là một nhà còn đủ 5 đời từ thời Lê đến thời Nguyễn cùng tồn tại nên thường gọi là cụ tú tài ngũ đại đồng đường. Ngoài bức biển vàng vua ban còn ban cấp tiền bạc, vải lụa và cấp các vật liệu gỗ để xây cổng chào treo biển…
Ngoài bức Đại tự cổ nói trên cũng tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy còn lưu giữ một tấm bia đá cổ có niên đại năm Tự Đức thứ 24(1871) bằng chữ Hán khắc ghi lại sự kiện dòng họ này được vua ban bức biển vàng và truyền thống hiếu nghĩa của dòng họ Nguyễn Duy qua các thế hệ để giáo dục con cháu sau này…
Theo Th.s Nguyễn Trí Sơn, Trưởng phòng QLDSVH, Sở VHTTDL, đây là hiện vật cổ có giá trị độc đáo lần đầu tiên được phát hiện tại Hà Tĩnh và là một báu vật của một dòng họ có 5 thế hệ từ thời Lê đến thời Nguyễn cùng tồn tại trong một gia tộc được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ban tặng tấm biển vàng đã được lưu truyền qua bao đời nay, đồng thời là nguồn tư liệu quý hiếm giúp các nhà nghiên cứu về vai trò của dòng họ đối với cộng đồng làng xã trong thời kỳ xã hội phong kiến ở Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn