Trí quân, trạch dân
Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Đã trót sinh ra trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
Đó là phương châm nhập thế hành động của Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, đường công danh của ông rất lận đận. Mãi đến năm 1819, Nguyễn Công Trứ mới đậu Giải nguyên, được bổ làm quan khi đã 41 tuổi.
Sau khi đỗ đạt làm quan, ông đề ra quy tắc làm quan cho chính mình: “Giữ trong lòng trung ái/ Chăm đạo dâu con/ Phát triển nông trang/ Trừ bỏ dị đoan/ Sửa đổi phong tục/ Thanh thải tham tàn/ Tiến cử tài đức/ Giữ nghiêm luật lệ”. Đọc những điều nên làm này, người ta cứ ngỡ Nguyễn Công Trứ là một người sống trong xã hội thời nay chứ không phải là một ông quan thời phong kiến sống cách nay gần 2 thế kỷ!
Với quy tắc rõ ràng như vậy, ông đã đem hết tài trí góp sức cho dân cho nước, đã lập được nhiều công trạng, được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc. Tuy nhiên, do đạo làm quan thanh liêm, không a dua xu nịnh, nên ông đã nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú… Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cả cuộc đời Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ đối lập giữa nguyên tắc “trí quân” và “trạch dân”, đúng như phương châm “vì dân vì nước”.
Là người học rộng tài cao, ông có cái nhìn quán thế, thông hiểu thời cuộc. Ông không say công danh cho riêng mình, vun vén cho dòng họ mình mà sống bản lĩnh, nhân cách; luôn gần dân, đối với dân đen không có khoảng cách; hết lòng chăm lo cho dân. Làm quan ở các nơi, ông cho “đặt nhà học” để con em nhân dân học hành, “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, quy định: “Khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thủy hạn bất thường đem thóc chiếu cấp cho từng người. Năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ”. Điều này chứng tỏ ông là một nhà quản trị theo đường lối kinh tế thị trường đầy bản lĩnh.
Nhưng không phải chỉ lo cho dân no, Nguyễn Công Trứ còn lo dân oan, cho rằng: “Cái nạn cường hào là làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình phải “trị tội rất nặng” (Sớ nói về tệ cường hào - 1828). Đúng là một ông quan không lấy mũ ni che tai, là vấn đề thời sự cho đến ngày nay.
Biết đủ, biết dừng
Làm quan đến chức thượng thư, tổng đốc nhưng Nguyễn Công Trứ không say sưa, xênh xang võng lọng, mà rất am hiểu sâu sắc đời sống lam lũ, cơ cực của người dân. Trong những việc ông làm, được người dân ngưỡng vọng, coi ông như thánh sống, lập đền thờ khi ông còn sống là việc khẩn hoang lập ấp. Đường đường là một ông quan to chốn kinh thành, Nguyễn Công Trứ tấu xin vua cấp tiền gạo để chiêu tập dân nghèo đi khai hoang lập ấp, xây dựng vùng kinh tế mới.
Ông cùng những người dân đen mạt hạng lúc ấy đồng lòng khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình lập ra hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Sau đó, ông còn chỉ huy việc khai khẩn nhiều vùng đất hoang hóa ở Quảng Yên, Hải Dương...
Nguyễn Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm, chính trực. Cuốn “Đại Nam Thực lục Chính biên” ghi lại câu chuyện: Khi làm quan Nguyễn Công Trứ không nhận tiền hối lộ, đút lót của Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phái. Ông bắt giải cả hai người cùng tang vật về phủ Nam Định để xét xử về tội đi hối lộ! Thời gian làm Dinh điền sứ, ông nhận tiền gạo của nhà nước cấp phát cho dân nghèo làm vốn khẩn hoang. Sau khi sử dụng, số dư thừa ông đều mang về nộp lại cho công khố.
Nguyễn Công Trứ không mê lối sống giới thượng lưu, làm quan không màng kiếm chác để làm giàu, trở thành vương công quý tộc. Trước khi làm quan: nghèo, sau khi làm quan: ông vẫn nghèo. Ông nhìn nhận cái nghèo một cách khỏe khoắn chứ không phải là nỗi bi kịch, lý giải: “Người giỏi thường nghèo” hoặc “vốn hễ anh hùng mới có nghèo”, cho nên không chắt mót, làm việc sai trái, lợi dụng chức vị để làm giàu.
Đạo làm quan Nguyễn Công Trứ còn thể hiện ông không tham quyền cố vị. Năm 1847, Nguyễn Công Trứ tròn 70 tuổi, ông xin về hưu nhưng Vua Thiệu Trị không cho. Đến năm sau Tự Đức lên ngôi, nguyện vọng của ông mới được chấp thuận. Đạo làm quan là phải biết tiến và dừng, tiến và dừng đúng lúc, như phương châm sống của ông: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc? Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ? Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thành thì bao giờ mới nhàn?).
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn