Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh, vốn là người ưa trải nghiệm và thích tiếng Trung, Tường Vân quyết định xin học bổng sang Đài Loan du học. Thời gian ở đây, Vân vừa đi học, vừa đi làm thêm, dù rất vất vả nhưng cô học hỏi được nhiều điều.
Hiện tại, Vân đang làm việc tại Philippines. Vân đến với cuộc thi về trí nhớ từ một lần xem tivi. “Cuối tháng 8/2016, mình có xem chương trình Supper brain, tên YouTube tiếng Việt là Siêu trí não.
Mình nhận ra, bộ não của con người có khả năng vô hạn và mình không phải ngoại lệ. Vì vậy, mình muốn khám phá bộ não của bản thân qua cuộc thi về trí nhớ. Sau đó, mình có học hỏi phương pháp tập luyện từ huấn luyện viên đứng đầu bộ môn này của Philippines”, Tường Vân chia sẻ.
Mai Thị Tường Vân.
Vì phải đi làm nên thời gian rảnh, Vân tranh thủ tập luyện vội vàng. Thêm nữa, huấn luyện viên của Vân khá bận, mỗi tháng, cô chỉ gặp người hướng dẫn của mình 1 – 2 lần. Vân chia sẻ thêm, bản thân cô rất cầu toàn nên hễ lần nào luyện tập không như mong muốn thì cô lại căng thẳng.
“Thời gian đã gấp mà trước khi thi đấu 2 tuần, mình còn bị thủy đậu. Lúc đó, mình rất buồn và nghĩ chắc không tham gia kịp giải đấu. May mắn, sau 2 tuần, mình đỡ bệnh và đánh liều đi thi luôn”, Vân kể.
Vì ở Việt Nam không có tư liệu về mảng này, cộng với huấn luyện viên của Vân thường sử dụng tiếng Anh và tiếng Philippines nên cô phải dành một tháng để tự tạo hệ thống ghi nhớ bằng tiếng Việt. Với Vân, kỹ năng để ghi nhớ tốt là tập trung và áp dụng đúng phương pháp của các hệ thống nhớ một cách linh hoạt, phù hợp với bộ não của mình thì nó sẽ vận hành tốt.
Đồng thời, Vân luôn biết cách tùy biến những thông tin cần nhớ thành dạng hình ảnh hài hước hoặc kinh dị, bởi theo Vân, điều gì làm mình càng ấn tượng, thú vị thì càng dễ nhớ. Còn lại, khi muốn nhớ thật lâu thì chỉ cần ôn lại mỗi tiếng, mỗi giờ, mỗi ngày, kể từ khi tiếp nhận thông tin đó.
Cô gái Việt Nam duy nhất
Trong giải đấu năm nay, Tường Vân là vận động viên nữ duy nhất của Việt Nam chỉ luyện tập trong vòng 3 tháng đã dự thi. So với những vận động viên khác, Vân còn non nớt về kinh nghiệm nhưng cô có đủ sự kiên nhẫn và tinh thần quyết thắng của tuổi trẻ.
“So với các vận động viên khác, việc luyện tập 3 tháng đã bước lên đấu trường quốc tế là khá mạo hiểm. Nhiều lúc, mình cũng không tự tin nhưng huấn luyện viên luôn tin tưởng và động viên rằng mình có thể nên mình quyết định thử. Đến với cuộc thi, mình luôn giữ tâm thế cởi mở và không áp lực, vì với mình, thi để thử sức, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm”, Vân cho biết.
Lần đầu tiên thử áp dụng nhớ một cỗ bài, Vân đã nhớ được 52 lá bài trong 2 phút, nhớ 1.000 chữ số trong 58 phút. Điều này gây bất ngờ cho huấn luyện viên của Vân.
Cô kể: “Mình không quên được lời nhận xét của huấn luyện viên rằng, suốt bao nhiêu năm huấn luyện, gặp rất nhiều vận động viên đến từ các nước, hầu hết, mọi người đều phải trải qua ít nhất 2 – 3 năm mới có thể nhớ được cỗ bài trong khoảng 2 phút và 1.000 chữ số trong một tiếng. Vậy mà ngay lần đầu tiên cầm cỗ bài trên tay đã có thể nhớ được như vậy thì mình là người đầu tiên. Điều này giúp mình có thêm động lực và tự tin thi đấu”.
Vượt qua 10 hạng mục và 14 hiệp đấu, bao gồm: Nhớ hàng nghìn chữ số trong một tiếng, nhớ nhiều cỗ bài trong một tiếng, nhớ nhanh cỗ bài và chữ số, nhớ mặt và tên, nhớ các hình ảnh giống nhau, nhớ các sự kiện lịch sử… tổng điểm của Vân là 2.153 điểm. Số điểm này cao hơn so với hàng trăm vận động viên khác.
Sắp tới, Vân sẽ tham gia các giải đấu trí nhớ tại nhiều nước khác, như Nhật Bản, Hồng Kong, Hàn Quốc. Sau đó, cô sẽ về Việt Nam nghiên cứu áp dụng kỹ thuật nhớ vào học tập và nhiều lĩnh vực khác để mọi người ghi nhớ một cách dễ dàng, thoải mái, giảm tối đa áp lực.
Ngoài ra, Vân cũng mong muốn bộ môn trí nhớ này có cơ hội tiến xa và được ủng hộ nhiều hơn, ít nhất trong trường học, phụ huynh tích cực cho con em mình thử sức để nâng cao kết quả học tập.
Theo Huyền Chi
Sinh viên Việt Nam
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn