Bất ngờ với quá khứ của sao Hoa

Thứ tư - 05/07/2017 02:01
Không mấy ai biết, trước khi trở thành một minh tinh màn bạc, Trương Mạn Ngọc từng là nhân viên bán hàng sách, Lương Triều Vỹ làm nhân viên bán điện máy, Châu Tấn làm người mẫu lịch...

Châu Nhuận Phát: Công nhân nhà máy thiết bị điện tử

Khi còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cứ mỗi dịp nghỉ hè Châu Nhuận Phát thường đi làm thêm giúp đỡ gia đình. Công việc của anh là làm công nhân tại một xưởng sản xuất thiết bị điện tử.

Châu Nhuận Phát từng bươn trải với nhiều công việc lao động phổ thông trước khi làm diễn viên điện ảnh.

Sau khi tốt nghiệp trung học, vì nhà nghèo nên Châu Nhuận Phát không thể tiếp tục học lên cao. Anh đã phải bươn trải với nhiều công việc khác nhau, từ làm nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhân viên chuyển phát thư, nhân viên bán máy ảnh...

Cũng nhờ những trải nghiệm khi tiếp xúc với đủ loại ngành nghề khác nhau, Châu Nhuận Phát đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm sống. Đồng thời đây cũng là một kho kiến thức đồ sộ và thiết thực nhất để ngôi sao của Bến Thượng Hải ứng dụng cho nghiệp diễn của mình.

Trương Mạn Ngọc: Nhân viên bán sách

Năm 8 tuổi, Trương Mạn Ngọc theo gia đình sang Canada định cư. Năm 16 tuổi, cô từng đảm nhiệm vị trí nhân viên bán sách trong một hiệu sách ở Canada nhưng vẫn ôm hy vọng sau này sẽ trở thành một nữ tiếp viên hàng không.

Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ trong bộ phim Tân trác sư huynh (1984).

Mặc dù ước mơ này của cô đã không thành hiện thực nhưng trong một lần trở về Hồng Kông, Trương Mạn Ngọc đã tham gia cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông (1983) và giành giải Á hậu.

Danh hiệu này đưa cô đến với vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới/Miss World trong cùng năm, đồng thời xướng danh tên tuổi và sắc đẹp trong showbiz Hồng Kông những năm 80. Từ đó, cô đã trở thành một trong Tứ đại mỹ nhân của điện ảnh Hoa ngữ bên cạnh những Củng Lợi, Lý Gia Hân và Quan Chi Lâm.

Tương tự như Trương Mạn Ngọc, nam tài tử Lương Triều Vỹ (Tony Leung) cũng từng là một anh nhân viên bán hàng thiết bị điện tử. Ngôi sao của Diệp Vấn tỏ ra khá thông thạo và có kinh nghiệm trong việc bán và tư vấn những mặt hàng điện tử gia dụng như máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh...

Quách Phú Thành: Nhân viên bán vàng bạc, trang sức

Không ít người biết đến nam tài tử Hồng Kông khi còn là một vũ công phụ họa cho các ca sĩ nổi tiếng. Trước khi trở thành một ngôi sao màn bạc, một "thiên vương" ca nhạc nổi tiếng như hiện tại, Quách Phú Thành đã nhiều lần xuất hiện với vai trò là một vũ công múa phụ họa cho các tiết mục của những ngôi sao lừng danh của Hồng Kông như Quảng Mỹ Vân, Trần Huệ Nhàn, Châu Huệ Mẫn hay Lưu Mỹ Quân...

 Quách Phú Thành từng là nhân viên tiệm vàng bạc, vũ công múa phụ họa trước khi trở thành ngôi sao màn bạc

Thế nhưng, công việc chính trước đó của Quách Phú Thành lại là một nhân viên chạm bạc. Gia đình anh có một tiệm kinh doanh vàng, cha của anh mong muốn sau khi tốt nghiệp trung học, sẽ giúp ông trông coi tiệm vàng của gia đình. Vì vậy sau khi tốt nghiệp, Quách Phú Thành được cha giới thiệu đến một đại lý vàng bạc đá quý có tiếng ở Hồng Kông để làm nhân viên để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nào ngờ, trong thời gian thực tập ở cửa hiệu trang sức trên, Quách Phú Thành vì mải chơi nên thường xuyên viện lý do bị đau chân xin nghỉ. Về sau chủ tiệm quyết định sa thải Quách Phú Thành vì xin nghỉ bệnh quá lâu.

Châu Tấn: Người mẫu lịch

Sau khi tốt nghiệp trung học, Châu Tấn thi đỗ vào chuyên ngành Múa dân gian và biên kịch múa của trường Nghệ thuật Chiết Giang. Trong thời gian đó, vì kinh tế khó khăn và muốn trang trải tiền học phí giúp gia đình, Châu Tấn đã cùng một vài người bạn học cùng tham gia làm nghề người mẫu chụp ảnh lịch treo tường. Tiền thù lao khi đó được định giá là 20 Nhân dân tệ (khoảng 68.000 đồng) cho mỗi trang lịch được duyệt có hình của Châu Tấn.

Châu Tấn quê kiểng thời làm người mẫu lịch.

Cũng nhờ làm người mẫu lịch đã giúp Châu Tấn đến với nghiệp diễn một cách hết sức tình cờ. Những cuốn lịch treo tường có hình Châu Tấn có lần lọt vào mắt xanh của đạo diễn kỳ cựu Tạ Thiết Bằng.

Nhận thấy cô gái trẻ có gương mặt đậm chất Á Đông, vừa thanh tú và lại dịu dàng, rất hợp cho các vai diễn cổ trang. Thế nhưng phải gần một năm sau, đạo diễn Tạ mới tìm ra được “tung tích” của Châu Tấn đang là sinh viên múa của trường Nghệ thuật Chiết Giang.

Đó là thời gian năm 1991, khi gặp được Châu Tấn ngoài đời, đạo diễn Tạ Thiết Bằng đã hết sức vui mừng. Sau khi trò chuyện tìm hiểu, nhận thấy đây là một người trẻ đầy triển vọng và có tiềm năng diễn xuất, Tạ Thiết Bằng đã giao cho Châu Tấn vai Kiều Na trong bộ phim điện ảnh Cổ mộ hoang trai.

Bộ phim này đã đánh dấu bước ngoặt từ một sinh viên trường múa trở thành một diễn viên điện ảnh sáng giá, đưa tên tuổi Châu Tấn trở thành một trong Tứ đại Hoa đán của điện ảnh Trung Quốc.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu: Công nhân dệt

Sau khi tốt nghiệp cấp 2 năm 1968, chàng trai trẻ 18 tuổi Trương Nghệ Mưu tham gia đội sản xuất nông thôn ở huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây. Sau đó ông vào làm công nhân tại xưởng dệt Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi còn là anh công nhân xưởng dệt (trái) và một đạo diễn lừng danh.

Những ngày đầu, Trương Nghệ Mưu chỉ là một công nhân vận hành máy móc phổ thông trong xưởng dệt, phải hai năm sau ông mới được điều đến phòng thủ công của xưởng, phụ trách mảng tuyên truyền, hội họa... Tiền lương của ông khi đó mỗi tháng được 30,2 NDT (khoảng 103.000 đồng). Vì số tiền lương eo hẹp, ít ỏi nên Trương Nghệ Mưu phải bớt ăn bớt mặc để cố gom góp mua được một chiếc máy ảnh, từng bước nuôi giấc mộng trở thành một đạo diễn tầm cỡ thế giới, làm rạng danh nền điện ảnh Trung Quốc.

Theo Long Hy (Khám phá)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây