Nhà tuyển dụng thường mong muốn ngoài kiến thức chuyên sâu lao động trẻ còn có những kỹ năng mềm, kỹ năng số. (Ảnh minh hoạ: Hồng Kiều/Vietnam+)
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bức tranh việc làm dành cho người trẻ đang thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt khi các các video hướng nghiệp với những nội dung: Top những ngành học "vô dụng" nhất Việt Nam, những chuyên ngành học ra trường chắc chắn thất nghiệp... đang khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng lo sợ không kiếm được việc làm.
Vậy, bằng cấp và kỹ năng đóng vai trò như thế nào khi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thời 4.0?
Doanh nghiệp cần gì ở người lao động?
Chia sẻ về sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết ở các nước phát triển, tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động có bằng đại học là khoảng 20%, tại quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, con số này là 35%. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện tại, chỉ 12% lực lượng lao động có bằng đại học. Để đạt được mục mục tiêu tăng trưởng trên 6,5%/năm, Việt Nam sẽ cần đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục tạo có trình độ cao.
Theo bà Ngọc Lan, các doanh nghiệp FDI trước đây thường thuê nhân công giá rẻ ở Việt Nam nhưng xu hướng này đã chuyển dịch sang nhân công có chất lượng kỹ thuật cao. Do đó nếu người lao động không trang bị cho mình những bằng cấp, kỹ năng cần thiết sẽ khó bắt nhịp với nhu cầu tuyển dụng lao động đang thay đổi.
“Khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường chú ý đến 3 yếu tố: Nhân lực có bằng cấp, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chứng chỉ nghề; có bằng nghề chuyên biệt theo mảng công việc; kinh nghiệm làm việc. Với các bạn sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tuyển dụng dựa chủ yếu vào bằng cấp,” bà Ngô Thị Ngọc Lan cho hay.
Lý giải nguyên nhân tại sao doanh nghiệp lại cần tuyển dụng nhân việc có bằng cấp, bà Ngô Thị Ngọc Lan cho biết doanh nghiệp cần các trường chứng nhận rằng các sinh viên có năng lực, có chuyên môn, kiến thức nhất định liên quan đến ngành nghề tuyển dụng. Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng người lao động được đào tạo tại các trường tốt ngoài kiến thức chuyên sâu còn được học kỹ năng mềm, kỹ năng có tính chất chuyển giao để có thể thích nghi, thay đổi đối với công việc tốt hơn trong tương lai. Đây là những kỹ năng quan trọng mà doanh nghiệp cần.
Nhấn mạnh đầu tư vào việc học có thể xem là chi phí cơ hội để phát triển, thăng tiến trong tương lai, bà Ngọc Lan cho hay: “Không có công thức nào đúng với tất cả mọi người, không phải ai học đại học cũng có một cơ hội việc làm tốt, nhưng tôi khẳng định rằng, nếu các bạn biết trau dồi kỹ năng, có thêm bằng cấp chuyên môn khác ngoài bằng đại học thì sẽ có một tương lai việc làm tốt hơn.”
Lao động trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Lan dẫn chứng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 4,6 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương là 7,5 triệu đồng còn bình quân một người lao động tốt nghiệp đại học sẽ có lương khởi điểm là 10-12 triệu đồng/tháng, nếu có kinh nghiệm thì lương lên tới 20 triệu đồng/tháng, ở các vị trí cấp quản lý khoảng 40-50 triệu đồng/tháng, giám đốc 50-60 triệu đồng/tháng...
Như vậy, những con số về mức tiền lương không chỉ tăng theo bằng cấp mà còn phụ thuộc vào chuyên môn và việc trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của từng người lao động.
Chú trọng kỹ năng chuyển đổi số
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Trong khi đó, nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam cho thấy nhiều thanh niên thiếu kỹ năng kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, quản lý cảm xúc... Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15-18 tuổi. Lực lượng lao động trẻ lại thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để phục vụ công việc.
Việc thiếu những kỹ năng chuyển đổi số đang là thách thức đối với lao động trẻ Việt Nam hiện nay. Từng đào tạo kỹ năng cho lao động cho các tập đoàn toàn cầu, ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia về phát triển kỹ năng cho giới trẻ cho rằng ở thời kỳ chuyển đổi số lên ngôi, các bạn trẻ hiện nay cần trang trị trước hết là nền tảng tri thức về kỹ thuật số như: Khả năng sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng quản lý cảm xúc và thích nghi cùng sự bền bỉ, kiên định.
Các chuyên gia của Navigos cho rằng người lao động lần lưu ý 5 vấn đề khi tham gia tuyển dụng: Chọn đúng thời điểm về tìm việc; tự đánh giá; nâng cao và trau dồi những kỹ năng cần thiết để có được cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai; nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro và mở rộng mỗi quan hệ.
Theo chuyên gia của Navigos, kỹ năng là chất xúc tác giúp hành trình phát triển sự nghiệp trở nên dễ dàng, trong đó nổi bật là những kỹ năng cấp thiết như: Tư duy phân tích và đổi mới, sức bền; khả năng xử lý căng thẳng và linh hoạt; chủ động và có chiến lược học tập; khả năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng tới cộng đồng; chuyển đổi kỹ thuật số...
Có thể thấy trong thời đại 4.0 hiện nay, kỹ năng chuyển đổi kỹ thuật số đang được các nhà tuyển dụng đặt lên hàng đầu vì người sử dụng lao động cần lên kế hoạch chuyển đổi số các quy trình làm việc trong tương lai gần. Theo thời gian, người lao động sẽ làm việc với máy móc thông minh nhiều hơn.
Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh việc xây dựng các kỹ năng từ khi còn trẻ, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng khác để đáp ứng công việc./.
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/tuyen-dung-thoi-40-gioi-tre-can-trang-bi-ky-nang-hay-bang-cap/852904.vnp