Đề xuất cán bộ, công chức cấp xã phải có trình độ đại học

Thứ bảy - 25/03/2023 08:24
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định trình độ của cán bộ, công chức cấp xã "từ trung cấp trở lên" là hơi thấp. Vì vậy cần phải quy định công chức cấp xã phải có bằng đại học.
Ngày 24/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Tăng thêm 4.000 dân được thêm 1 công chức

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy bày tỏ đồng tình với dự thảo khi đã tính toán được ở những đơn vị cấp xã có dân số đông thì được tăng thêm công chức theo số dân.
 
D2023032501 1
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy

“Đây là vấn đề rất thực tiễn. Chúng ta đang quy định cứ tăng thêm 4.000 dân thì được thêm 1 công chức cấp xã. Tôi nghĩ nên để số lượng 3.000 dân tăng 1 công chức thì phù hợp hơn. Đặc biệt trong thời gian tới sắp xếp đơn vị hành chính thì số lượng dân của mỗi một xã sẽ lớn hơn rất nhiều. Thực tiễn cán bộ công chức cấp xã đang dôi dư rất lớn”, ông Huy phân tích.

Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng, điều kiện trình độ của cán bộ, công chức cấp xã từ trung cấp trở lên là hơi thấp. Dự thảo luật nên quy định công chức cấp xã phải có bằng đại học, trừ một số trường hợp ở những đơn vị đặc biệt thì chấp nhận bằng trung cấp.

Tán thành ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho rằng, tiêu chuẩn cán bộ cấp xã từ trung cấp trở lên thì không đủ điều kiện khi cán bộ chuyển thành công chức. Nhất là thời gian tới thực hiện chủ trương liên thông công chức xã huyện, nếu quy định trình độ như vậy sẽ không đảm bảo. Vì vậy bà Anh đề nghị dự thảo nghị định cân nhắc quy định về trình độ cán bộ cấp xã cho tương đồng.

Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh nêu ý kiến khác khi cho rằng, việc quy định trình độ cán bộ, công chức cấp xã tiến tới đại học mâu thuẫn với các luật chuyên ngành. Hiện quy định về việc này chưa đồng bộ hệ thống pháp luật nên chấp nhận độ lùi như quy định của dự thảo trình độ cán bộ cấp xã từ trung cấp trở lên.  

Gỡ vướng cho địa phương

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo nhìn nhận dự thảo lần này cơ bản giải quyết được khó khăn của địa phương. Ví dụ, việc quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3 - 5 lần mức lương cơ sở, đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6 lần mức lương cơ sở, cơ bản giải quyết được những kiến nghị lâu nay từ các thôn, tổ dân phố.

“Nội dung này, Hà Tĩnh có làm hơi sai so với Nghị định số 34/2019 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố). Chúng tôi không quy định 2 mức mà quy định thành 3 mức”, ông Đạo nói.
 
D2023032501 2
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo. Ảnh: Hoàng Hà

Lãnh đạo Sở Nội vụ Lai Châu cũng thông tin, tỉnh này đang vướng trong việc bố trí sắp xếp cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố do định mức quá thấp.

“Ví dụ quân sự địa phương theo quy định riêng được hưởng tối thiểu 700 nghìn/tháng, bằng 0,5 lương cơ sở. Trong khi đó công an viên lại quy định 0,3 lương cơ sở. Nếu mức lương như thế này thì công an viên họ bỏ hết và đã có 165 người bỏ rồi”, vị này nêu thực tế và bày tỏ vui mừng khi dự thảo nghị định đề xuất mức phụ cấp mới thì “chắc tình hình sẽ ổn”.

Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân kể, vừa rồi HĐND tỉnh có ban hành Nghị quyết 19 liên quan đến phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, khi các đại biểu đi tiếp xúc cử tri ở cấp xã, huyện đều bị phản đối rất dữ dội vì “người ta bị cắt mất phụ cấp”. Cử tri về phản ánh việc cắt phụ cấp là không đúng, không phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra ông cũng nêu thực tế vướng mắc ở địa phương, có trường hợp đang là trưởng thôn, phụ cấp cao hơn, khi sắp xếp đơn vị hành chính chuyển thành thị xã, thành phường, thành khu phố thì phụ cấp của họ lại thấp hơn mấy phần trăm, trong khi công việc vẫn thế.

Cho nên việc dự thảo nghị định lần này quy định chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố là rất chính xác, tháo gỡ cho địa phương rất nhiều khó khăn.

Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nút thắt lớn nhất của ngành nội vụ bây giờ là liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng được cử tri phản ảnh nhiều lần trong những lần đi tiếp xúc.

Vì vậy, dự thảo nghị định lần này quy định nhiều nội dung đột phá. Chẳng hạn, quy định căn cứ vào quy mô dân số để tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã; phân cấp chính quyền địa phương quyết định cụ thể số lượng theo khung chung. Hay như việc tăng các mức phụ cấp, hỗ trợ sao cho phù hợp.

Về điều kiện trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tinh thần chung là chuẩn hóa và nếu cán bộ, công chức cấp xã đạt được trình độ đại học thì tốt quá.

Bộ Nội vụ đề xuất tăng thêm 7.418 cán bộ, công chức cấp xã và 7.418 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã với tổng mức chi ngân sách tăng thêm là 4.686 tỷ đồng/năm.

Điểm mới của dự thảo là tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở. Tức là tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/người (Nếu áp vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng áp dụng từ tháng 7 này thì mức tăng tương ứng khoảng 2,7 triệu đồng/người).

Theo Thu Hằng  Vietnamnet.vn

Link gốc: https://vietnamnet.vn/de-xuat-can-bo-cong-chuc-cap-xa-phai-co-trinh-do-dai-hoc-2124477.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây