Ảnh minh họa. Nguồn: Tổng cục QLTT
Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (15/10).
Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, Nghị định 98 đã bổ sung nhiều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, tăng mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…
Cá nhân buôn bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tới 200 triệu đồng
Điều 8 của Nghị định 98 quy định, phạt tối đa đến 100 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50kg/50 lít trở lên; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên;...
Mức phạt sẽ tăng lên 200 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng cấm. Như vậy, với tổ chức mức phạt tối đa tương ứng sẽ là 200 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng cấm và 400 triệu đồng với hành vi sản xuất hàng cấm.
Với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, Điều 9 của Nghị định quy định mức phạt tiền là từ 1-70 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật.
Đặc biệt, hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm… mức phạt tiền tăng gấp đôi (tối đa 140 triệu đồng).
Tổ chức vi phạm mức phạt gấp đôi so với cá nhân, tương đương 280 triệu đồng.
Tương tự, Điều 10 quy định hành vi sản xuất giả các hàng hóa nêu trên sẽ bị xử phạt tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Điều 15 quy định phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, Điều 17 của Nghị định quy định mức phạt tiền lên đến 200 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kinh doanh thực phẩm, thuốc quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đồng thời bị buộc tiêu hủy sản phẩm.
Thêm quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực thương mại điện tử
Ngoài ra, một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 98 là bổ sung một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử (quy định từ Điều 63 đến Điều 66).
Theo đó, phạt từ 1-5 triệu đồng với hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Phạt từ 10-20 triệu đồng với hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động như cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet.
Nghị định cũng quy định phạt từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.
Phạt 10-20 triệu đồng nếu người sở hữu website thương mại điện tử mà website đó có chức năng thanh toán trực tuyến tuy nhiên không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng...
Vệc nâng khung xử phạt theo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Tuy nhiên, việc xử phạt có thể gặp khó khăn khi phần lớn cá nhân vi phạm thường là người buôn bán nhỏ lẻ, kho hàng ngay trong nhà, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, môi trường kinh doanh chủ yếu là online, với mức độ phân tán cao, nên không dễ kiểm soát triệt để.