Chúng tôi đang đi tố cáo một phần nhỏ của vụ phá rừng già Đăk Rơ Nga. Khi làm việc, họ kể lể khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, nguồn lực. Nhưng đó chỉ là bao biện. Rồi họ dùng mọi cách “xin xỏ" để loạt bài phóng sự điều tra của chúng tôi không thể đến với dư luận.
Nhưng với “tội ác" nơi đại ngàn kia, những lời “tố cáo", những sự thật đã được chúng tôi chắp bút phanh phui qua 2 phóng sự điều tra về vấn nạn khai thác gỗ trái phép bên trong tâm lõi rừng già Đăk Rơ Nga. Một bức tranh tưởng chừng như yên bình bên trong đại ngàn kia lại là một khung cảnh hoang tàn của những cuộc thảm sát gỗ rừng, nơi được coi là “giữ rừng tốt nhất".
Khi làm việc chính thức với ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Ông Chung, khẳng định, toàn thể cán bộ, nhân viên được điều động lên rừng, kiên quyết đấu tranh với vấn nạn phá rừng. Nhưng những lời nói đó chỉ là “hô hào trên giấy”. Bởi trong quá trình thực hiện loạt phóng sự điều tra này, chúng tôi được ông Hồ Đình Tuấn- Đội trưởng đội bảo vệ rừng khai thác tác động thấp cung cấp chứng cứ hiện trường cất giấu một khối lượng lớn gỗ đã được xẻ thành hộp trước khi chúng tôi vào rừng đúng 1 ngày.
Tất cả có 17 hộp gỗ xẻ theo quy cách, thuộc chủng loại gỗ Dổi, Thông Nàng với khối lượng khoảng gần 6m3 và được cất giấu trong vườn cao su của một người dân, nằm dưới chân cửa rừng, thuộc thôn Đăk Kon, xã Đăk Rơ Nga. Hiện nay, toàn bộ số gỗ vi phạm đều được lập biên bản và đưa về trụ sở của Hạt kiểm lâm huyện Đăk Tô cất giữ.
Chúng tôi đã phải lặn lội đi tìm hiện trường cất giấu số gỗ vi phạm trên, phóng tầm mắt về huyện Ngọc Hồi thì chắc chắn số gỗ này không thể được khai thác và đưa từ bên kia về. Chỉ có một giả thiết duy nhất đó là, số gỗ chỉ được khai thác từ địa phận xã Đăk Rơ Nga và “lâm tặc” đã cho tập kết tại đây.
Vì sao số gỗ lớn như thế lại có thể bị khai thác và tuồn ra khỏi rừng một cách dễ dàng như vậy mà không một ngành chức năng nào phát hiện? Có hay không “con voi chui lọt lỗ kim”?
Đến thời điểm này, các lực lượng chuyên trách cũng chưa tìm được hiện trường của vụ khai thác gỗ trái phép. Phải chăng năng lực họ yếu kém hay đã có điều gì mập mờ nên không thể phát hiện, ngăn chặn từ bên trong rừng.
Ông Hồ Đình Tuấn, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện một vụ cất giấu gỗ hộp không có dấu búa kiểm lâm nên đã phối hợp với kiểm lâm huyện tiến hành bắt giữ, lập biên bản vi phạm và sau đó bàn giao cho kiểm lâm đưa về hạt".
Để có thông tin chính thức về số gỗ trên, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Đăk Rơ Nga. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thế Hiển- Phó Chủ tịch xã Đăk Rơ Nga, khẳng định: “Số gỗ vi phạm đó nằm trên một lô cao su của một người dân và được cán bộ xã Đăk Rơ Nga phát hiện. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo sự việc đến các ngành chức năng để bắt giữ, chứ không có chuyện là đơn vị của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô phát hiện".
Đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tung ra một lực lượng hùng hậu, hô hào quyết tâm bảo vệ rừng trên giấy. Tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng được “rót" xuống đều đặn hằng năm. Thế nhưng, gỗ rừng vẫn bị “rút ruột" và tuồn ra khỏi rừng. Ai sẽ là người được hưởng lợi và liệu ai đã “nhúng chàm" khi để “lâm tặc" thảm sát đại ngàn?
Thương hiệu và Pháp Luật sẽ làm rõ trong Phóng sự điều tra tiếp theo: "Tội ác" nơi đại ngàn- Kỳ 4: Cần khởi tố vụ phá rừng già Đăk Rơ Nga?
Tác giả bài viết: Thiên Phong-Hải Nguyễn-Phong Nguyễn
Nguồn tin: Thương hiệu pháp luật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn