Dành cho các em những gì tốt nhất

Thứ ba - 07/09/2021 09:14
Dù ngày khai giảng đã qua nhưng những cảm xúc, dư âm ngày khai giảng đem lại là rất đáng nhớ, bởi đó là kỳ khai giảng đặc biệt của thầy cô giáo và các em học sinh (HS).
Hai năm qua, dịch Covid-19 tràn đến, trẻ em Việt Nam cũng như nhiều trẻ em trên thế giới đã có những ngày dài không được đến trường. Thời gian đến trường bị gián đoạn và việc học hành thi cử bị ảnh hưởng rất nhiều. Một năm học mới mở ra với những lo toan ngổn ngang, những khó khăn hiển hiện.
 
2021090705
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Bộ Giáo dục và Đào tạọ Nguyễn Xuân Thành trao đổi tại tọa đàm "Năm học mới trong đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 6-9

Cuộc tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 6-9 "Năm học mới trong đại dịch" cũng nhằm mục đích đưa ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp hoàn cảnh, tiếp sức ngành giáo dục và phụ huynh, HS bước vào năm học mới.

Theo thống kê của ngành giáo dục TP HCM, hiện thành phố có khoảng 80.000 HS không có thiết bị để học tập trực tuyến. Ngay cả gia đình có điều kiện tài chính thì việc mua máy tính xách tay hay máy tính bảng cho con trong những ngày giãn cách xã hội là không dễ dàng. Hiện còn khoảng 51.000 HS tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến, trong đó có khó khăn về đường truyền internet. Một số quận huyện đã tìm cách hỗ trợ, như quận Phú Nhuận, quận 10 trong 2 ngày qua đã tặng 200 máy tính bảng cho HS trên địa bàn.

Các trường cũng vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… Với những HS không thể học trên internet, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sẽ lập phiếu học tập, ban đầu thầy cô giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại cho giáo viên để giáo viên biết các em đang học ở mức độ nào…

Sự quan tâm của chính quyền TP HCM cũng thể hiện rõ khi đồng ý đề xuất của Sở GD-ĐT TP về miễn học phí học kỳ I cho toàn bộ HS từ mầm non đến trung học, cả hệ ngoài công lập. Riêng với sách giáo khoa (SGK), trước thông tin của NXB Giáo dục Việt Nam về các đường link được cho là SGK phiên bản điện tử trên mạng là không chính xác và vi phạm bản quyền, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận định SGK sẽ để lại hệ lụy ghê gớm nếu nội dung không chính xác, chẳng hạn về lãnh thổ, lãnh hải.

Để thông tin đến HS cũng như độc giả nói chung được chính xác và thực hiện đúng luật bản quyền, ông Tô Đình Tuân đề nghị Báo Người Lao Động sẽ là cầu nối, kết hợp NXB Giáo dục Việt Nam chuyển tải thông tin chính xác đến phụ huynh, HS. Thông qua lượng tiếp cận bạn đọc rộng rãi, sức lan tỏa mạnh mẽ của Báo Người Lao Động, mỗi ngày có hàng triệu lượt truy cập, bạn đọc, phụ huynh lấy thông tin từ Báo Người Lao Động sẽ vừa chính xác vừa không vi phạm bản quyền. Đề nghị này được ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nhìn nhận là rất hay, tăng sức lan tỏa của phiên bản SGK chính thống rất nhiều.

Không gian cuộc tọa đàm như mở thêm cùng những tấm lòng. Không chỉ là tình cảm của toàn xã hội dành cho các em mà còn là ước muốn bù đắp cho các em trước những thiệt thòi, đem lại cho các em những gì tốt đẹp nhất, giúp các em hoàn thành năm học đặc biệt của đời người.
MINH HIỀN
Theo nld.com.vn

Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/danh-cho-cac-em-nhung-gi-tot-nhat-20210906231451366.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây