Sau hơn 5 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối cùng người dân bản địa, khi đã thấm mệt. Thác Vũ Môn bắt đầu hiện ra trước mắt chúng tôi, nhìn từ xa, ngọn thác như mái tóc của nàng tiên xõa trắng xuống giữa đại ngàn, tiếng thác đổ như một bản nhạc rừng.
Người dân địa phương cùng các bộ đội Biên Phòng tham gia chuyến khảo sát tại thác Vũ Môn
Bao mệt mỏi của một quãng đường dài dường như tan biến, mọi người đều thả mình vào dòng nước trong veo dưới chân thác, một cảm giác lạnh buốt, nhưng dễ chịu. Một khung cảnh như thực, như mơ, huyền ảo, đẹp đến nao lòng.
Chị Hà người đi cùng đoàn bộc bạch "suốt quảng đường rừng, nhiều lúc em nghĩ mình không đủ sức để đến đích, nhưng khi được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của ngọn thác như thế này thì mọi cảm giác mệt nhọc dường như tan biến. Em được đi nhiều nơi, nhưng đây thực sự là một nơi quá tuyệt vời".
Những giọt nắng vàng vào buổi bình minh
Trên đỉnh thác là dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Nhiệt độ đo được giữa trưa chỉ nhích lên 28oC, trong khi nhiệt độ tại thị trấn Hương Khê cùng thời điểm đó là khoảng 35oC.
Thác được hình thành từ nhiều bậc, giống như hòn ngọc giữa rừng xanh bao la.
Không những đẹp về khung cảnh, khí hậu mát mẻ, thác Vũ Môn còn ẩn chứa nhiều truyền thuyết huyền bí. Đặc biệt, câu chuyện Cá chép hóa rồng Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn được lưu truyền trong dân gian.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) kể, "hằng năm, cứ đến ngày tám tháng tư (âm lịch), cá chép vượt thác, con nào qua được thì hóa rồng. Phường chài thường bảo nhau, mấy ngày trước không bủa chài lưới. Và đúng ngày đó, thác Vũ Môn mây mù dày đặc, không ai dám đến gần".
Gắn với huyền thoại, những người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu vào ngày cá chép vượt thác mà trời mưa, nước thác về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, đồng nghĩa với năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; còn ngược lại, sẽ là một năm đại hạn khốn khó, người dân cần có phương án phòng bị.
Những làn nước mát từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, đẹp đến nao lòng
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Từ thời Pháp thuộc, cùng với Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), thác Vũ Môn (Hương Khê, Hà Tĩnh) được đánh giá là một trong 3 địa danh có khí hậu ôn đới đạt tiêu chuẩn du lịch.
Qua khảo sát, có thể khẳng định, thác Vũ Môn có tiềm năng, lợi thế du lịch hết sức to lớn, đặc biệt là độ cao, nhiệt độ, khí hậu, khu rừng nguyên sinh...
Được thiên nhiên ưu đãi cùng với những câu chuyện huyền bí về thác, đây sẽ là điểm đến đầy tiềm năng.
Theo Anh Đức Lao động