Con hổ nặng 250 kg được một hộ dân tại Hà Tĩnh mua về nấu cao bị công an phát hiện vào tháng 1/2021. Ảnh: TT
Buôn bán, nuôi nhốt hổ để nấu cao
Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc nuôi nhốt, vận chuyển cá thể hổ trái phép với mục đích nấu cao.
Cơ quan công an đột kích, giải cứu 17 cá thể hổ nặng mỗi con trên dưới 200kg tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) bị người dân nuôi nhốt trái phép để bán cho người nấu cao. Ảnh: NP
Vào 23h30 đêm 19.1.2021, Công an Hà Tĩnh kiểm tra tại nhà ông Đinh Nhật Nghệ (sinh năm 1972, trú tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), phát hiện tại khu vực vệ sinh có 1 xác hổ nặng 250kg, được chủ nhà khai là mua về tổ chức nấu cao.
Ngày 4.8.2021, Công an tỉnh Nghệ An khám nhà hai hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, phát hiện 17 con hổ trưởng thành đang bị nuôi nhốt, có trọng lượng từ 200kg đến gần 300kg. Số hổ này được mua từ bên Lào, đem về nuôi nhốt để bán nấu cao.
Trước đó, hôm 1.8.2021, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang Trần Trung Hiếu (37 tuổi) và Nguyễn Văn Lai (54 tuổi, cùng trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) khi cả hai chạy ôtô 7 chỗ chở 7 cá thể hổ con đi tiêu thụ.
Cách đây khoảng chục năm, dư luận đã xôn xao về việc tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành-Nghệ An) có tình trạng nuôi nhốt hổ.
Tất cả các cá thể hổ được vận chuyển, nuôi nhốt trái phép nói trên đều được sử dụng với mục đích nấu cao, để bồi dưỡng sức khỏe cho những người lắm tiền nhiều của.
Giá cao hổ rất đắt, một con hổ trưởng thành lên tới hàng tỉ đồng, 1 lạng (100g) cao hổ cốt có giá vài chục triệu đồng.
Thực hư thần dược cao hổ cốt
Sở dĩ nhiều người “khát” cao hổ vì những thông tin về giá trị đặc biệt của "thần dược" này như mạnh gân cốt, bồi bổ xương khớp, nâng cao thể trạng, đặc biệt là tăng cường khả năng "giường chiếu" cho các quý ông.
Tuy nhiên, thực hư những tác dụng ấy chủ yếu là do người này nói với người khác, theo sách y học xưa truyền lại; đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào được tổ chức để xác định tác dụng dược tính của cao hổ.
Lương y Trần Văn Trung (Nghệ An) cho biết: “Sách vở Đông y có nói về tác dụng của cao hổ cốt đối với sức khỏe, nhưng không có các nghiên cứu bài bản, khoa học để kiểm chứng.
Mặt khác, cao hổ cốt trước đây được nấu từ hổ rừng, sinh trưởng trong tự nhiên, tự săn bắt nên cá thể hổ có sức mạnh, sự dẻo dai và đặc trưng thể chất đặc biệt; trong khi hổ nuôi thì không có được các đặc tính ấy, thậm chí yếu ớt, bệnh tật và không thể sinh tồn trong tự nhiên”.
Theo giới buôn bán cao hổ, mấy chục năm nay không còn hổ rừng, 100% cao hổ cốt trên thị trường đều được nấu từ hổ nuôi. Một số hộ để thu lời nhanh và nhiều nên tìm mọi cách vỗ béo hổ, chỉ nuôi trong vòng 1 năm đã nặng hàng tạ, xuất bán nấu cao, trong khi hổ tự nhiên phải trên chục tuổi nấu cao mới tốt.
Do đó, việc gán cho cao hổ nuôi những dược tính của cao hổ tự nhiên là hết sức sai lầm. Bên cạnh đó, dân buôn còn có rất nhiều mẹo mực tinh vi để lừa đảo, qua mặt khách hàng, như “hô biến” cao xương trâu, ngựa, chó thành cao hổ, hoặc bán xương trâu bò nhưng "nổ" là xương hổ.
Mặc dù vậy, với tư duy của người Á Đông, cơn khát về thần dược cao hổ cốt vẫn không thể nguôi ngoai. Đây là lực cản rất lớn đối với nỗ lực bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Người ta vẫn lén lút buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt hổ, mặc dù biết rõ phải đối diện với các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Link gốc: https://laodong.vn/suc-khoe/thuc-hu-loi-don-ve-than-duoc-cao-ho-cot-1000827.ldo?fbclid=IwAR0kGrnygqzymtf_cQNXibVaywl_r_lNHN0KwgVoOqwyrPgR2nlyRO_stHw