Sự việc xảy ra khi Ramjan Usman Kagji, 35 tuổi, sống tại ngôi làng Ghataprabha (bang Karnataka, Ấn Độ) trèo xuống vách đá sát ngọn thác Gokak, một địa điểm du lịch nổi tiếng tại quận Belagavi (bang Karnataka) thì bất ngờ bị trượt chân và rơi xuống vách đá cao 51m.
Những người bạn của Kagji cho biết anh đã cố gắng trèo ra ngoài vách đá để có được một góc chụp tốt hơn để chụp cho mình một bức ảnh “tự sướng” ấn tượng nhằm đăng tải lên mạng xã hội. Mặc dù những người bạn của Kagji đã ngăn cản nhưng anh vẫn bỏ ngoài tai và trèo ra ngoài vách đá để tìm chỗ đứng có góc chụp đẹp nhất.
“Anh ấy mạo hiểm trèo ra ngoài mặc dù được nhiều người ngăn cản, tuy nhiên một vài người bạn khác thì liên tục chụp ảnh anh ấy”, một nhân chứng cho biết. “Thậm chí một số người còn khuyên anh ấy đổi tư thế để chụp ảnh dù đang đứng cheo leo bên ngoài vách đá”.
“Khi chúng tôi nhìn thấy anh ấy trèo ra bên ngoài vách đá, chúng tôi đã tìm cách ngăn cản nhưng anh ấy không nghe theo”, một nhân chứng khác cho biết.
Hiện cơ quan chức năng đang tìm kiếm thi thể của Kagji nhưng vẫn chưa tìm ra.
Sau vụ tai nạn này, cảnh sát đã thắt chặt hơn an ninh tại ngọn thác nổi tiếng và cấm du khách tiến đến sát vách núi để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.
Ngọn thác Gokak là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng cũng được biết đến nhiều như một điểm đến của những người muốn tự kết liễu đời mình. Trong vòng 5 năm qua, 19 người đã bị ngã tử vong từ ngọn thác này, bao gồm cả những người bị tai nạn lẫn những người tự sát.
Chụp ảnh “tự sướng” là một trào lưu và sở thích quen thuộc của nhiều người ở thời điểm mạng xã hội đã trở nên phổ biến ngày nay, tuy nhiên điều đáng nói là có không ít trường hợp tai nạn hay thậm chí tử vong vì sở thích này.
Năm 2014, một cô gái 23 tuổi người Ba Lan đã bị ngã từ trên thành cầu xuống tử vong khi cố gắng chụp một bức ảnh “tự sướng”. Trong năm 2015, một thiến niên 19 tuổi người Mỹ cũng đã tử vong khi chụp ảnh “tự sướng” với súng và vô tình cướp cò khiến khẩu súng phát nổ. Năm ngoái, một cô gái người Trung Quốc mải mê chụp ảnh “tự sướng” bên đường sắt cũng đã bị tử vong sau khi đoàn tàu cán phải.
Thậm chí để cảnh báo mức độ nguy hiểm của chụp ảnh “tự sướng”, hồi tháng 7/2015, chính phủ Nga đã phải đưa ra một bảng chi tiết hướng dẫn cách thức để “không chết khi chụp ảnh tự sướng”, trong đó đưa ra những lời khuyên như không chụp ảnh “tự sướng” khi đứng trên các bề mặt không thăng bằng hoặc chụp ảnh với các loại vũ khí nguy hiểm. Ngoài ra còn có các lời khuyên như không chụp ảnh “tự sướng” trên đường tàu, trên cao hay giữa đường...
Tác giả bài viết: T.Thủy
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn