Máy bay Mỹ liên tục bay qua Biển Đông trong 2 ngày

Thứ sáu - 17/07/2020 14:57
Trong hai ngày liên tiếp, 3 máy bay quân sự Mỹ được phát hiện bay qua Biển Đông để tới gần đảo Đài Loan.

Theo Viện Sáng kiến Điều tra Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, vào trưa ngày 15/7, máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm cao MQ-4C Triton của hải quân Mỹ đã bay qua Biển Đông để tới phía đông nam đảo Đài Loan.

Tới ngày 16/7, một máy bay chống ngầm P-8A và máy bay tiếp liệu trên không KC-135R của Mỹ cũng tiếp tục bay qua Biển Đông để tới phía tây nam đảo Đài Loan.
 
T20200071706
UAV trinh sát tầm cao MQ-4C Triton của hải quân Mỹ bay qua Biển Đông tới gần Đài Loan. (Ảnh minh họa)

Dù chi tiết hoạt động tuần tra của máy bay Mỹ không được công bố, nhưng theo các nhà quan sát quân sự, hải quân Mỹ dường như muốn tăng cường sứ mệnh trinh sát ở Biển Đông khi xem đây là điểm nóng tiềm tàng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Chiếc UAV MQ-4C Triton bay tới đảo Đài Loan vốn nằm trong Lực lượng Trinh sát và Tuần tra hàng hải thuộc hải quân Mỹ. Hoạt động tự động nhờ các cảm biến hàng hải, UAV MQ-4C có thể triển khai thu thập thông tinh tình báo, trinh sát và do thám trên các vùng biển lớn cũng như ở khu vực bờ biển.

Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Hong Kong nhận định hải quân Mỹ có thể đang muốn theo dõi các hoạt động dưới nước của hải quân Trung Quốc.

“Việc triển khai các máy bay trinh sát như MQ-4C, P-8A và P-3C có thể giúp hải quân Mỹ do thám tàu chiến, tàu ngầm và các hoạt động dưới nước ở khu vực bởi chúng có thể phát hiện các xung âm thanh và theo dõi tàu ngầm”, ông Song nói.

Hoạt động tuần tra trên không liên tiếp của các máy bay trinh sát Mỹ, diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông nhất là sau tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng  Mike Pompeo.

Cụ thể, hôm 13/7, ông Pompeo đã lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.

Tuyên bố từ phía Mỹ khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa quân đội Mỹ - Trung ở Biển Đông, bởi mối quan hệ giữa hai nước vốn đang trong giai đoạn căng thẳng liên quan tới loạt tranh cãi về cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19, cho tới vấn đề Hong Kong và các cuộc trấn áp cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Đáng nói, chỉ sau 1 ngày ông Pompeo đưa ra tuyên bố, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của hải quân Mỹ đã triển khai sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông khi xuất hiện gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Theo SCSPI, tàu USS Ralph Johnson đã xuất hiện gần bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa lần đầu tiên kể từ năm 2016 và hoạt động gần bãi Chữ Thập 6 lần trong năm nay.

Mỹ đã cho tăng cường sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông khi xem đây là một phần trong nỗ lực thách thức hoạt động quân sự hóa và cải tạo trái phép của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối hoạt động của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington khuấy động căng thẳng trong khu vực.

Còn theo Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, Trung Quốc đã trái phép mở rộng bãi đá Châu Viên kể từ năm 2013 bằng việc xây dựng các bãi đỗ trực thăng, cơ sở radar và  khu vực bố trí súng hoặc tên lửa.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Ngoài ra, kể từ năm 2016, thời điểm bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã liên tục tăng cường sự hiện diện gần đảo Đài Loan, cũng như tổ chức các cuộc tập trận “bao vây” quy mô lớn và huấn luyện dàn oanh tạc cơ.
Theo Infonet.vietnamnet.vn


Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/may-bay-my-lien-tuc-bay-qua-bien-dong-trong-2-ngay-258794.html
 Từ khóa: Biển đông, Máy bay Mỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây