Những sự kiện có thể thay đổi thế giới năm 2017

Thứ tư - 02/05/2018 22:36
Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ thứ 45, các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu sẽ là những sự kiện nổi bật định hình thế giới năm 2017.

Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện biến động như chiến thắng bất ngờ của Donald Trump, Anh rời Liên minh châu Âu hay các vụ tấn công khủng bố trên thế giới. Theo Express, 2017 được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi với loạt sự kiện quan trọng từ đầu năm đến cuối năm.

Tháng 1: Donald Trump nhậm chức

Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1, ông Donald Trump sẽ đưa ra hàng loạt thay đổi và được dự đoán sẽ đảo ngược, hay đảo ngược các di sản về chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.

Thế giới đang theo dõi phản ứng của ông Trump với Nga sau khi ông Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp, như một biện trừng phạt mạnh sau cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Các biện pháp trừng phạt, được đưa ra trong những ngày cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama, đánh dấu mức căng thẳng mới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh trong quan hệ Nga- Mỹ, vốn đã xấu dần vì tình hình Syria và Ukraine.

Trong khi đó, Israel được cho là sẽ thúc đẩy quan hệ mật thiết với chính quyền của ông Trump, sau khi Ngoại trưởng Mỹ lên án hoạt động xây dựng khu tái định cư. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Isreal ngưng xây dựng khu định cư trên lãnh thổ Palestine, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng giúp nghị quyết này được thông qua.

Trong một diễn biến liên quan, Israel đã liên lạc và ngỏ ý đề nghị ông Trump can thiệp vấn đề này.

Đầu năm: Đàm phán hòa bình ở Syria

Lệnh ngừng bắn mong manh, vốn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, có thể dẫn tới các cuộc đàm phán hào bình nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh đẫm máu kéo dài 5 năm qua.

Nếu thỏa thuận thỏa thuận ngừng bắn giữa quân nổi dậy và chính phủ Syria được thực hiện và duy trì, các cuộc hội đàm có thể diễn ra ở Kazakhstan vào tháng 1 này.

Trong khi đó, các hoạt động chống lại sự hoành hành của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)O sẽ tiếp tục trong năm 2017, với mục tiêu tái chiếm thành trì của nhóm khủng bố ở Raqqa.

Tháng 3: Anh kích hoạt điều 50

Cuối tháng ba, Thủ tướng Anh Theresa May dự định kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon - bước đi pháp lý cần thiết để sắp xếp "cuộc chia tay" lịch sử với Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ Anh là bên quyết định khi nào thực hiện bước đi này nhằm bắt đầu hai năm đàm phán về các điều khoản khi rời liên minh này. Sau khi điều 50 được kích hoạt, Anh và EU mới chính thức ngồi vào bàn đàm phán.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AP

Tháng 3: Bầu cử Hà Lan

Các cuộc bầu cử ở Hà Lan có thể là dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên khắp châu Âu, nếu ông Geert Wilders giành chiến thắng.

Ông Geert Wilders là lãnh đạo đảng Tự do ở Hà Lan và đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước tổng tuyển cử. Vị chính trị gia mang tư tưởng chống Hồi giáo từng cam kết sẽ đóng cửa các thánh đường, cấm kinh Koran và tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này.

Tháng 4: Bầu cử Pháp

Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc, chủ trương muốn Pháp rời EU. Bà là người ủng hộ kết quả bỏ phiếu việc Anh rời EU (Brexit) và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Việc bà Le Pen giành chiến thắng sẽ là đòn giáng mạnh mẽ đối với Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, đối thủ của bà là đại diện phe cánh hữu và trung dung Francois Fillon, người đang được dự đoán sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tình cảnh hiện nay có sự tương đồng với việc bà Hillary nhận được ủng hộ trước bầu cử Mỹ năm 2016.

Tháng 5: Bầu cử Iran

Tổng thống Hassan Rouhani đối mặt với làn sóng phản đối của những người chủ trương theo đường lối cứng rắn, khi ông dự định tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm nay.

Kết quả bầu cử Iran sẽ định hình lại chính sạch đối ngoại trong tương lai của đất nước này và có ảnh hưởng lớn đến Trung Đông cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới.

Với việc ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc thế giới, các lệnh trừng phạt phương Tây và Mỹ áp đặt với quốc gia này sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải chấp thuận các điều khoản hạn chế chương trình hạt nhân được cho là nhằm chế tạo bom hạt nhân. Ông Rouhani cho biết Iran sẽ không để tân tổng thống của Mỹ xóa bỏ thỏa thuận này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP

Tháng 9: Bầu cử Đức

Thủ tướng Đức Angela Markel, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, được coi là "trụ cột" của EU. "Bà đầm thép" sẽ tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9.

Việc bà thất bại trong cuộc bầu cử này sẽ giáng một đòn mạnh mẽ với Liên minh châu Âu và trật tự thế giới tự do ở phương Tây. Dù nhận được sự tín nhiệm của người dân, bà Markel cũng đang đối mặt với làn sóng cực đoan và sức ép từ phe dân túy vốn không ủng hộ chính sách tị nạn.

Cuối năm: Đại hội đảng Trung Quốc

Trung Quốc dự kiến tổ chức đại hội đảng vào tháng 10 hoặc tháng 11. Vào đại hội đảng lần thứ 19 này, 5 trong số 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được thay thế vì đến tuổi nghỉ hưu.

Giới chuyên gia nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố quyền lực và tuyên bố đường hướng lãnh đạo mới, đồng thời định hình đội ngũ kế nhiệm.

Trung Quốc đang ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong khi đó việc ông Trump trở thành nhà lãnh đạo mới có thể khiến nước Mỹ trở nên cô lập hơn.

Anh Anh

Theo VNM - PL.XH

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây