Báo Ấn Độ nêu rõ ông Kerry và bà Swaraj (ngoại trưởng Ấn độ) cùng cam kết rằng HĐBA Liên Hiệp Quốc cần tiếp tục phát huy hiệu quả trong vai trò duy trì hòa bình và an ninh quốc tế như đã đề ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ông Kerry tái khẳng định rằng Mỹ mong muốn cải cách HĐBA LHQ và kết nạp Ấn Độ như một thành viên thường trực. Chuyện Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực của HĐBA không có gì mới. Hồi giữa tháng 7, bên lề cuộc họp các nước trong nhóm BRICS, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã kêu gọi cải cách HĐBA và phải để Ấn Độ một ghế. Ấn Độ được báo chí phương Tây gọi là nền dân chủ lớn nhất thế giới và sắp tới, họ cũng vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nếu Ấn Độ không kiếm được một suất trong HĐBA thì điều đó rất bất hợp lý. Hiện Ấn Độ cùng Nhật, Brazil, Đức tạo thành nhóm G4 đang tích cực liên kết với nhau để đòi cải cách HĐBA. Trong khi Đức là nền kinh tế lớn nhất E.U thì Brazil là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin còn Nhật có nền kinh tế lớn hơn cả Ấn Độ, Brazil hay Đức. Họ xứng đáng có một vị trí quan trọng hơn trên trường quốc tế. Trước đây, Mỹ là nước lạnh nhạt trong việc đưa Ấn Độ vào HĐBA vì Mỹ khi ấy coi Pakistan là đồng minh. Thế nhưng, giờ Mỹ và Pakistan đã trở mặt nên họ bật đèn xanh với Ấn Độ vào HĐBA. Nga cũng ủng hộ Ấn Độ vào HĐBA còn Anh và Pháp vốn có quan hệ rất tốt với Ấn Độ. Lúc này, chỉ còn Trung Quốc muốn ngăn cản Ấn Độ vào HĐBA. Nếu Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để chặn nguyện vọng chính đáng của Ấn Độ thì họ công nhiên chống lại Ấn Độ và đẩy Ấn Độ xích gần hơn Mỹ. Và những lời Ngoại trưởng Vương Nghị nói tại New Dehli hơn một tháng trước như "Trung Quốc luôn đứng bên cạnh các bạn. Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác tự nhiên. Chúng ta là hàng xóm thân thiện và là đối tác cho những nhu cầu chiến lược của nhau" nên phải giải thích sao? theo Anh Tú (tổng hợp)/motthegioi.vn |