Tàu hải cảnh Trung Quốc phụt vòi rồng ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á, cho rằng Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc phải gây ảnh hưởng lên nhau để có những biện pháp giải quyết tranh chấp trên biển.
"Các bên tuyên bố chủ quyền là những bên phải xử lý và giải quyết các tranh chấp. Họ là những bên phải gây sức ép lên nhau, bản thân cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn cao, rồi làm gương cho nhau", Philstar dẫn lời ông Russel vừa cho biết tại diễn đàn Câu lạc bộ Thịnh vượng chung ở California, Mỹ.
Mỹ đang kêu gọi các bên liên quan ngồi xuống, định rõ và tự nguyện "đóng băng" các hành động gây phức tạp thêm ở vùng biển, ông Russel nói. "Chúng tôi đang hối thúc Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác thảo luận về hành động mỗi bên đều chấp nhận được, để giúp giảm căng thẳng hiện nay và xử lý những khác biệt về lâu dài".
Ông Russel cho rằng việc thảo luận trên bàn ngoại giao về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) và việc đình chỉ các hoạt động là nhằm bù đắp cho những thiếu sót trong Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ tin rằng "các nước lớn, mạnh, phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc thể hiện sự kiềm chế".
"Căng thẳng gia tăng qua nhiều năm và đang tăng cao trong năm nay. Các hành vi đơn phương, cứng rắn của Trung Quốc mới đây làm dấy lên quan ngại nghiêm trọng về những yêu sách bành trướng của Trung Quốc, cũng như về việc nước này có sẵn sàng tuân thủ luật lệ, tiêu chuẩn quốc tế hay không", ông Russel nói.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đưa ra tuyên bố trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và Hoa Đông. Bắc Kinh có tranh chấp lãnh hải với nhiều nước Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật ở biển Hoa Đông.
Nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và triển khai nhiều tàu quân sự tại vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa, trong hai tháng rưỡi, kể từ tháng 5. Các tàu nước này còn hung hăng đâm va, phun vòi rồng vào tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, đâm chìm một tàu cá Việt Nam, vi phạm trắng trợn Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 và DOC.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á. Ảnh: AP |
"Kiểu hành động đơn phương của Trung Quốc tại những khu vực nhạy cảm và tranh chấp đang làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại vị thế quốc tế của Trung Quốc", AP dẫn lời ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, hôm qua nói trong một phiên điều trần quốc hội.
Ông Russel chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông khiến các nước láng giềng "cảnh giác", và cho rằng tình trạng này là "dễ hiểu". "Trung Quốc, với tư cách một cường quốc đang trỗi dậy, cần kiềm chế hành vi với tiêu chuẩn cao. Việc cố tình coi nhẹ những biện pháp ngoại giao và biện pháp hòa bình khác trong việc xử lý bất đồng và tranh chấp, thay vào đó cưỡng ép về kinh tế và ngoài thực địa là hành động gây bất ổn, nguy hiểm", ông Russel cho hay.
Bắc Kinh còn có tranh chấp lãnh thổ với các đồng minh của Mỹ như Philippines, Nhật, làm dấy lên quan ngại về một cuộc giao tranh quân sự có thể làm rung chuyển những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong khu vực. Dù Mỹ không phải là bên tuyên bố chủ quyền, Washington nói họ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì giao thông và thương mại mở tại những vùng biển này.
Nghị sĩ Mỹ và các học giả quốc tế tại hội nghị về Biển Đông tuần qua đều cho rằng Washington cần tỏ thái độ và hành động mạnh mẽ hơn nữa, nếu không Trung Quốc sẽ dùng "hàng nghìn vết cắt" để chiếm Biển Đông hay họ sẽ "tùng xẻo" Biển Đông
Trung Quốc bị cho là đang thực hiện cải tạo bãi Gạc Ma, thay đổi nguyên trạng để phục vụ cho các đòi hỏi chủ quyền sau này. Ảnh: AP |
Trong bài phát biểu quan trọng mở đầu hội nghị về Biển Đông do Viện Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức, Chủ tịch ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Miker Roger nhắc đến hàng loạt hành động của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông. Ông liệt kê việc Trung Quốc từng tí từng tí một chiếm quyền kiểm soát các bãi đá, cải tạo đảo, thay đổi hiện trạng, đưa giàn khoan vào vùng biển mà nước khác có chủ quyền.
"Sẽ là một cái chết bởi hàng nghìn vết cắt. Ta hãy nhìn vào tổng thể, nhìn vào những đám mây xung đột tích tụ, điều này ngày càng trở nên nghiêm trọng", Roger nhấn mạnh.
Đầu tháng 5, Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa. Tại Trường Sa, Trung Quốc đang tiến hành đào đắp, thay đổi cấu tạo của hàng loạt bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven và Chữ Thập. Cách đây hai năm, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi đá Scarbourough/Hoàng Nham từ tay Philippines, lập cái gọi là thành phố Tam Sa để quản lý trọn các quần đảo trên Biển Đông. Trung Quốc lại mới cho xuất bản bản đồ có đường 10 đoạn, toan tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này, bất chấp sự phản đối của láng giềng.
Ông Rogers cáo buộc Bắc Kinh "tham lam, gây hấn trắng trợn" trong việc theo đuổi các yêu sách của mình để kiểm soát lãnh hải và các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick Cronin, đến từ Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định các hành động của Trung Quốc được lên kế hoạch để sao cho có vẻ như là hành động phi quân sự, nhưng lại là dấu hiệu cho các nước láng giềng thấy để có quan hệ thương mại tốt với Bắc Kinh thì phải cho phép Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn với các vấn đề an ninh và tài nguyên.
Dường như Trung Quốc cũng muốn nói với Mỹ rằng thế trội hơn của Mỹ ở khu vực này là không bền vững và Washington cần phải hành động nhiều hơn để dàn xếp với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
"Chúng ta cần phải làm cho lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng việc thay đổi đơn phương và sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được", ông Cronin nêu rõ.
Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch viện Luật pháp Mỹ - châu Á, Đại học Luật New York đặt nghi vấn về lập trường của Trung Quốc khi bị Philippines đưa đơn kiện lên tòa án trọng tàu quốc tế.
"Liệu một nước có thể tự tin rằng họ quá đúng, đến mức tòa án về luật biển không có quyền phán quyết? Rằng họ thậm chí chẳng cần đưa ra lý lẽ lên tòa án?".
Đầu tháng trước, Trung Quốc chính thức từ chối yêu cầu của tòa án Trọng tài tại La Haye, nơi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc, về việc Bắc Kinh phải phản biện lại các lập luận của Philippines trước ngày 15/12 năm nay. Trung Quốc một lần nữa khẳng định tuyên bố không có kế hoạch tham gia vụ kiện.
Kêu gọi Mỹ mạnh hơn
Cuối tuần qua, tại đối thoại Mỹ - Trung lần thứ 6 tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khi trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã khẳng định Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục kiên định lập trường của họ trong vấn đề chủ quyền biển và yêu cầu Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp.
Giáo sư Carlyle Thayer của Đại học New South Wales nói ông có cảm giác Trung Quốc tỏ thái độ, trong khi chính phủ Mỹ ngần ngại đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông. Khi Đối thoại Mỹ - Trung diễn ra tại Bắc Kinh, hai bên nhấn mạnh đến hợp tác quân sự và những hướng mới.
Ông Rogers bình luận đến nay Mỹ vẫn nương nhẹ với cảm xúc của Trung Quốc. "Bất kỳ quân đội nào trên thế giới dùng sức mạnh để bắt nạt, hăm dọa hay gây mất ổn định nền kinh tế thế giới, đều ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ, của đồng minh và bạn bè của Washington", theo ông Rogers.
Vì thế, ông Rogers cho rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc góp phần giải quyết vấn đề, đẩy lui những nỗ lực gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Chúng ta cần trực diện hơn nữa, cần mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần tạo điều kiện để bạn bè và đồng minh của chúng ta trong khu vực trở nên trực diện và mạnh mẽ hơn", Rogers nói.
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mạn, phun vòi rồng tại vùng biển gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ông Michael Fuchs, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chiến lược và đa phương cho hay, một số người gọi Mỹ là "người ngoài cuộc" và yêu cầu không can dự các vấn đề của khu vực, nhưng họ quên mất rằng Mỹ là một nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương. Lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những gì xảy ra ở khắp châu Á - Thái Bình Dương.
"Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương, đóng vai trò trung tâm trong đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Những hành động của các nước liên quan đang gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong và ngoài khu vực, vì thế chúng tôi có vai trò trong giải quyết thách thức này", ông Fuchs nhấn mạnh.
Bà Katherine Muller Marin trao bằng công nhận di sản tư liệu Châu bản Triều Nguyễn cho đại diện của Việt Nam
UNESCO đánh giá cao giá trị nội dung, tính xác thực, độc đáo, duy nhất và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực và quốc tế.
Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.
Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, theo nội dung các châu bản, các cơ quan của triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; cử nhiều đoàn khảo sát liên tục ra 2 quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Châu bản ngày 21/6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cho biết: Kết quả của đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1838 đã khảo sát được 25 đảo, trong đó có 13 đảo được khảo sát lần đầu…
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê cho biết, có 19 châu bản nói về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những châu bản Triều Nguyễn khẳng định rõ cương giới trên biển của Việt Nam.
Triều Nguyễn cũng nâng tầm quản lý Hoàng Sa và Trường Sa ở vị trí rất cao. Triều đình trực tiếp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa dưới sự chỉ đạo và phê duyệt của Vua. Từ việc điều thuyền như thế nào, đi về kết quả ra sao đều phải được báo cáo lên Vua.
Châu bản Triều Nguyễn là bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
"Là một nhà sử học, bên cạnh việc vui mừng khi một di sản được thế giới vinh danh còn có cả sự vui mừng khi một lần nữa, chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được khẳng định chắc chắn. Khi mà Châu bản Triều Nguyễn được công nhận là di sản thế giới thì điều đó có nghĩa là giá trị của tư liệu này không nằm trong phạm vi một quốc gia mà nó đã tỏa sáng ra toàn thế giới", Giáo sư Phan Huy Lê nói.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội tỏ ý khâm phục và biết ơn những người đã tham gia trong suốt quá trình tìm tòi để đưa được Châu bản Triều Nguyễn tới công chúng và để nó được đón nhận danh hiệu như ngày hôm nay. "Đó là sức lao động bền bỉ của cả một tập thể để khôi phục di sản văn hóa và chính trị của Việt Nam", bà Katherine Muller Marin phát biểu.
Như vậy, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012). Việc vinh danh Châu bản triều Nguyễn góp phần làm phong phú thêm kho di sản tư liệu kí ức của Việt Nam và của thế giới.
Và một lần nữa khẳng định với toàn thế giới là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
theo TN Tổng hợp/tamnhin.net