Bà Jacinda Ardern, người sắp trở thành Thủ tướng New Zealand.
Bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, sẽ trở thành Thủ tướng của New Zealand, gia nhập thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang thổi luồng gió mới vào nền chính trị của một loạt quốc gia phát triển nhất thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, bà Ardern, con gái của một sỹ quan cảnh sát, sẽ trở thành nhà lãnh đạo nữ trẻ nhất thế giới sau khi đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh ở New Zealand. Người phụ nữ trẻ vươn lên vị trí quyền lực cao nhất trong vòng chưa đầy 3 tháng sau khi trở thành thủ lĩnh Công Đảng, một chính đảng đang gặp khó của nước này. Sự nổi lên của bà Ardern được so sánh với cuộc thay đổi thế hệ lãnh đạo ngoạn mục diễn ra thời gian qua ở Austria, Ireland, Canada và Pháp.
“Công chúng đã có sự thay đổi khuynh hướng chính trị mạnh mẽ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ không còn bị ràng buộc bởi ý tưởng các chính trị gia phải có kinh nghiệm, phải lớn tuổi, hay có uy tín cao”, nhà khoa học chính trị Bryce Edwards thuộc Đại học Victoria ở Wellington nhận định.
Bà Ardern đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri kể từ khi trở thành thủ lĩnh Công Đảng vào hôm 1/8, nhờ cam kết sẽ giải quyết những vấn đề xã hội như trẻ em nghèo và nhà ở cho người thu nhập thấp. Giới truyền thông New Zealand thậm chí đã gọi làn sóng ủng hộ bà là “cơn sốt Jacinda”.
Nhờ bà Ardern, tỷ lệ ủng hộ mà cử tri dành cho Công Đảng, một đảng theo đường lối trung tả, đã phục hồi mạnh sau khi sụt xuống mức 24% - chỉ bằng khoảng một nửa so với Đảng Dân tộc của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Bill English.
Dù Công Đảng chỉ về nhì trong cuộc bầu cử hôm 23/9, Đảng Dân tộc không thể giành được đa số phiếu cần thiết để cầm quyền. Bởi vậy, cả hai đảng này đều cần đến sự hậu thuẫn của Đảng New Zealand trên hết để được trao quyền lãnh đạo đất nước. Sáu 12 ngày đàm phán, Đảng New Zealand trên hết tuyên bố đứng về phía bà Ardern.
Tỷ giá đồng Đôla New Zealand đã giảm 1,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi giới đầu tư lo ngại về chính sách của Chính phủ mới, chẳng hạn khả năng cắt giảm nhập cư, có thể gây thiết hại cho tăng trưởng kinh tế.
Dù nền kinh tế New Zealand tăng trưởng mạnh và ngân sách chính phủ thặng dư trong thời gian 3 năm Đảng Dân tộc cầm quyền, bà Ardern lập luận rằng có quá nhiều người bị bỏ lại phía sau. Cả Công Đảng và Đảng New Zealand trên hết đều vận động tranh cử với lời hứa siết quản lý nhập cư, tăng cường xây dựng nhà ở và cải cách ngân hàng trung ương.
Bà Ardern đã đưa Công Đảng trở lại vai trò đảng cầm quyền ở New Zealand sau 9 năm. Liên minh của bà nắm 63 ghế trong tổng số 120 ghế của Quốc hội nước này. Từ khi New Zealand đưa ra chính sách phân bổ đại diện vào năm 1996, không một chính đảng nào giành đa số với mức chênh lệch lớn trong Quốc hội.
Trong quá trình vận động tranh cử, bà Ardern đã xoáy vào sự bất mãn của một bộ phận cử tri. Dù nền kinh tế New Zealand tăng trưởng 2,5% trong 1 năm tính đến tháng 6 năm nay, nhiều người dân nước này dù không nói ra ngày càng không hài lòng với khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Theo một báo cáo của tổ chức Salvation Army, hiện cứ 5 trẻ em New Zealand thì có 1 em sống trong họ gia đình có thu nhập dưới ngưỡng nghèo, và 8% trẻ em nước này phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về vật chất.
Bà Ardern sẽ là nhà lãnh đạo trẻ nhất của New Zealand kể từ năm 1856. Nữ chính trị gia này hiện chưa kết hôn và đang chung sống với bạn trai. Trước đây bà từng nói không muốn trở thành thủ lĩnh Công Đảng vì muốn sinh con.
Sau khi trở thành người đứng đầu Công Đảng, bà Ardern đã được được hỏi về ý định sinh con. Bà nói đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan mà nhiều phụ nữ phải đối mặt, và “bạn sẽ phải đương đầu với tất cả mọi ngày mới đến với bạn”. Tuy nhiên, bà nói “hoàn toàn không thể chấp nhận được việc đến năm 2017 rồi mà vẫn nói phụ nữ phải trả lời câu hỏi như vậy ở nơi làm việc”.
Khi còn là một sinh viên, bà Ardern đã để ý đến những vấn đề xã hội sau khi phát hiện có những đứa trẻ phải đến trường mà không có giày hoặc không có gì để ăn trưa. Sau một thời gian làm việc cho Thủ tướng Helen Clark vào năm 2005, bà Ardern ra nước ngoài và có lúc làm việc trong một cửa hiệu súp ở New York. Tiếp đó, bà có vài năm làm công chức ở London trong những năm cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Anh của ông Tony Blair. Bà quay trở lại New Zealand và trở thành một nghị sỹ Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2008.