Sông Lam 'nuốt' đất nông nghiệp, người dân Hà Tĩnh bất an

Thứ sáu - 07/04/2023 07:34
Những năm gần đây tình trạng sạt lở sông Lam đoạn đi qua xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ngày càng nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi khiến người dân nơi đây ngày càng bất an vì lo mất đất sản xuất.
Đất ruộng biến thành sông
Khúc sông Lam chảy qua địa phận hai thôn 1 và 3 (xã Xuân Lam) có chiều dài khoảng 3km. Từ nhiều năm nay, bờ sông ở khu vực trên bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ. Mỗi lần mực nước sông dâng cao, toàn bộ bãi bờ bị nhấn chìm trong nước. Theo thời gian, nước ngấm vào đất khiến độ kết dính yếu đi và cứ thế, nhiều diện tích đất canh tác của nông dân bị trôi tuột xuống lòng sông.
 
2023040605
Tình trạng sạt lở ven bờ sông Lam diễn ra nhiều năm nay.

Xuân Lam là xã nghèo, quanh năm người dân bám ruộng đồng để sinh kế. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ở mức báo động.

Nhìn vào những mảng đất lớn bị sạt lở, một nông dân ở đây - bà Trần Thị Hương (trú tại thôn 1, xã Xuân Lam) không khỏi xót xa. Bà Hương cho biết, cứ mỗi năm sông Lam lại lấy đi một phần không nhỏ đất canh tác của người dân. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa, những bãi bồi bên bờ sông Lam thuộc địa phận thôn 1, thôn 3 của xã sẽ "biến mất" vĩnh viễn.
Chỉ tay vào ruộng lúa nhà mình, bà Hương thở dài: "Cách đây mấy năm, ruộng nhà tôi rộng gần gấp đôi hiện nay, nhưng vì tình trạng sạt lở mà nay diện tích chẳng còn là bao. Như năm ngoái, lũ lụt xảy ra triền miên, nhiều diện tích hoa màu của người dân nơi đây bị xóa sổ. Người dân mong mỏi cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế".
 
2023040606
Mỗi năm sông Lam nuốt chửng 1 - 2 ha đất nông nghiệp của người dân xã Xuân Lam.

Còn ông Nguyễn Văn Hanh (ở thôn 3) cho hay: "Vào mùa mưa, nước sông Lam chảy xiết dẫn đến đất bờ sông dễ bị sạt lở. Nhiều diện tích đất của gia đình tôi bị cuốn trôi xuống sông".

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, hiện 3km bờ sông Lam chảy qua địa phận xã Xuân Lam đều bị sạt lở. Nhiều đoạn dòng nước ăn sâu vào bờ tạo thành những hàm ếch, mỗi khi mưa xuống vô tình tạo thành những "cái bẫy" đe dọa tính mạng của người dân bất cứ lúc nào. Một số người dân nơi đây cho biết, tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Lam bên cạnh do mưa lũ, còn có nguyên nhân do tình trạng khai thác cát tràn lan của nhiều đơn vị trước đây gây ra.

Chưa có phương án khắc phục

Nói về tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Hồng (ở thôn 3) cho biết, khi bà còn nhỏ, bờ sông cách nhà cả cây số, đi mãi mới đến. Thực tế bây giờ, khoảng cách từ nhà dân ra tới mép sông chỉ còn vài chục bước chân. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc sản xuất nông nghiệp, nay phương tiện chính là đất canh tác thì ngày càng bị thu hẹp do sông ngày càng lấn vào đất liền.

"Nếu tình trạng sạt lở trên không sớm được ngăn chặn, thời gian ngắn nữa người dân mất hết đất nông nghiệp, có khi sông Lam lấn sâu vào dân làng. Chúng tôi mong có phương án giải quyết để người dân yên tâm an cư, lạc nghiệp", bà Tuyết cho hay.
 
2023040607
Tình trạng bờ sông Lam bị sạt lở khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ dân có đất canh tác dọc bờ sông Lam cũng cho biết, trước tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Lam ngày một nghiêm trọng hơn, trong những cuộc họp tiếp xúc cử tri người dân đã liên tục đóng góp những ý kiến để các cấp, các ngành có hướng xử lý. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thực trạng vẫn cứ tiếp diễn.

Những người dân này ước tính, trước đây lòng sông Lam chạy qua địa phận xã Xuân Lam chỉ bằng một nửa hiện tại. Qua nhiều năm, lòng sông ở vị trí trên đã rộng ra thêm khoảng 40 - 50m.
 
2023040608
Người dân đang đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trao đổi với PV Sức khỏe và Đời sống, ông Đặng Văn Hoài - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, tình trạng sông Lam lấn đất nông nghiệp trên địa bàn đã xảy ra nhiều năm nay. Mỗi năm đất nông nghiệp của các hộ dân lại bị mất đi một phần. Tình trạng này ảnh hưởng đến công việc sản xuất của nhiều thôn trên toàn xã.

Theo ông Hoài, nguyên nhân là do mùa mưa lũ diễn ra hàng năm, khí hậu biến đổi với nhiều biến động bất thường, dọc bờ sông lại chưa có đê kè.

"Qua nhiều cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri chính quyền đã có những đề xuất lên cơ quan cấp trên để xin dự án xây dựng đê kè. Tuy nhiên, để xây dựng được tuyến đê kè đoạn qua địa bàn thực sự rất khó khăn bởi cần nguồn vốn quá lớn.", ông Hoài thông tin.

Trước thực trạng trên, mong các cấp, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh sớm đưa ra được những giải pháp cụ thể nhằm giúp người dân giữ lại được đất sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nguyễn Sơn
Theo suckhoedoisong.vn

Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/song-lam-nuot-dat-nong-nghiep-nguoi-dan-ha-tinh-bat-an-169230405132405076.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây