Phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) chất vấn Chánh án TAND tối cao về việc xử án treo trong các vụ án hình sự. Ông Chiến nêu, thực tế xét xử tại các cấp tòa thời gian qua, có rất nhiều vụ án trong đó bị cáo nay là án đủ điều kiện để cho hưởng án treo, nhưng tòa án các cấp vẫn quyết định phạt tù giam.
Ông Chiến nêu câu hỏi, để pháp luật được thực thi nghiêm minh, những trường hợp mà quyền lợi của người dân và để giảm áp lực của trại giam, Chánh án có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình xác định, án treo là một chế định nhân đạo trong tố tụng hình sự. Chủ trương của Đảng đề ra những năm qua là phải giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt không giam giữ.
Ông Bình cung cấp thông tin, trên thực tế, đối với các nước, các hình phạt không giam giữ thông thường chiếm 60% nhưng án treo trong nhiều năm dưới 20%, khoảng 18 - 19%. Năm nay, tỷ lệ xử án treo tăng hơn một chút, được 23%.
Nguyên nhân của việc án treo ít được áp dụng ở Việt Nam, theo Chánh án tối cao, như chia sẻ của các kiểm sát viên khi đưa ra mức án đề nghị hay của các thẩm phán là, khi tuyên án treo, xã hội hay đặt vấn đề là có tiêu cực, “chạy” án trong việc này hay không.
“Vậy nên, trong một số trường hợp có thể đủ điều kiện án treo nhưng các công tố viên cũng như thẩm phán để đảm bảo an toàn thì thường không áp dụng chế định này. Đây là một hạn chế, mặc dù về mặt chủ trương là đã có” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận.
Cũng theo ông Bình, trước tình hình này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành nghị quyết mới để khắc phục những quy định quá khắt khe về án treo. Ngành tòa án cũng có tập huấn, hướng dẫn với các cán bộ, với những những vụ án mà người phạm tội lấy tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội, như tội đánh bạc, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... thì hình phạt kinh tế, phạt tiền được xác định là hình phạt chính chứ không phải là hình phạt tù.
Chánh án nêu nghịch lý: “Dù đã có hướng dẫn vậy nhưng thực tế, khi kiểm tra, không chỉ trong ngành dọc các cơ quan tư pháp như VKS, tòa án, công an… mà kể cả các cơ quan của Quốc hội, HĐND khi giám sát cũng đặt ra câu chuyện có vấn đề gì ở các bản án treo”.
“Chạy” bệnh án tâm thần để né tội, trách nhiệm thuộc Bộ trưởng nào?
Cuối ngày thứ 2 của phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ, cũng liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) gửi tới 2 Bộ trưởng Y tế, Công an câu hỏi về vấn đề làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi phạm tội. Theo đại biểu, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, thậm chí có dấu hiệu trầm trọng hơn.
Đại biểu liên hệ với sự việc mới nhất, các cơ quan chức năng phát hiện việc làm giả 78 hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ngoài ra, còn nhiều vụ nữa chưa bị phát hiện.
Cử tri thì rất bất bình khi có đối tượng nhiều lần bị bắt về tội trộm cắp tài sản mà lần nào “hành sự” cũng có tính toán, chuẩn bị đường đi nước bước rất tinh vi. Mỗi lần bị bắt, đối tượng lại có được một bản kết luận tâm thần nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì 2 - 3 tháng sau là hết bệnh, được bảo lãnh ra ngoài, có thắc mắc hỏi thì được trả lời “bị tâm thần mà lúc bệnh, lúc không là… chuyện bình thường”.
Đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm xử lý của 2 Bộ trưởng và biện pháp để giải quyết nghiêm, triệt để vấn đề này.
Câu hỏi của đại biểu Dung sẽ được trả lời trong phiên chất vấn tiếp tục vào ngày mai, 31/10.
Tác giả bài viết: P.Thảo
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn