Cục CSGT đang kiến nghị chuyển chứng cứ vi phạm cho cơ quan chức năng địa phương lập biên bản, xử lý.
Nếu kiến nghị này được áp dụng, người vi phạm giao thông sẽ không phải di chuyển hàng trăm km để hoàn tất thủ tục phạt nguội.
Nếu kiến nghị của Cục CSGT được áp dụng, người vi phạm giao thông sẽ không phải di chuyển hàng trăm km để hoàn tất thủ tục phạt nguội (Ảnh minh họa)
Nhọc nhằn đi lại làm thủ tục phạt nguội
Dậy từ sáng sớm để đi quãng đường hơn 100km đến trụ sở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), anh Vinh (ở TP Nam Định) cùng 1 người bạn vẫn phải chờ đợi để được làm thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông.
Anh Vinh cho biết, tháng trước, anh có việc lên Lào Cai và đã chạy quá tốc độ, bị hệ thống camera giám sát trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ghi nhận.
Theo quy định, anh phải đến trụ sở CSGT nơi phát hiện vi phạm để ký biên bản vi phạm.
“Tôi bị phạt 4 triệu đồng, tước GPLX trong 2 tháng. Tôi phải trực tiếp đến để ký biên bản, sau đó mới có thể nộp phạt trực tiếp hoặc online. Sau khi ký biên bản vi phạm, tôi đã bị tước GPLX nên tôi phải nhờ người bạn đi cùng lái xe về. Nếu được làm thủ tục này tại trụ sở CGST nào gần nhà nhất thì tốt biết bao”, anh Vinh chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xác nhận bất cập trên và cho biết, nhiều trường hợp tài xế ở Hà Nội mà vi phạm giao thông ở Lào Cai, thì phải lên giải quyết vi phạm ở Lào Cai. Hoặc tài xế trú ở tỉnh Nghệ An đi công tác ra Hà Nội mà vi phạm giao thông ở Hà Nội lại phải ra Hà Nội giải quyết vi phạm.
Theo Trung tá Cường, quy định này không chỉ bất cập đối với tài xế, mà ngay cả CSGT cũng nhiều lúc “bối rối”. Bởi khi trích xuất biển số xe vi phạm, CSGT gửi thông báo về địa chỉ theo đăng ký xe nhưng có khi chủ xe đã chuyển đổi địa chỉ hoặc xe đã sang nhượng cho người khác mà chưa sang tên đổi chủ.
Vì vậy, việc chuyển chứng cứ, hình ảnh camera vi phạm giao thông về địa phương xử lý sẽ thuận lợi cho cả người vi phạm và CSGT.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng cho rằng, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, đẩy nhanh thời gian xử lý để người vi phạm giao thông không phải chờ đợi lâu.
Sau khi hết thời hạn tạm giữ GPLX, người dân nếu không có điều kiện đến tận nơi lấy thì đơn vị sẽ chuyển phát về tận nhà. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, tài xế bắt buộc phải đến trụ sở CSGT để ký biên bản.
“Cao tốc Nội Bài - Lào Cai kéo dài 262km, đi qua 5 tỉnh, thành phố với 16 huyện, thị xã nên lượng phương tiện vi phạm được phát hiện lớn. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn là con đường kết nối hàng hóa từ cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đi cả nước nên tài xế liên quan các vụ vi phạm có thể ở các tỉnh xa Hà Nội, thậm chí từ miền Nam”, Trung tá Thắng nói và cho biết, nếu chuyển vi phạm phạt nguội về các địa phương xử lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người vi phạm.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho rằng, cần sớm thực hiện việc này để tạo điều khiển cho người vi phạm thông, vì trên thực tế quá trình giải quyết vi phạm, nhiều người vi phạm do quá xa nên đã bỏ cả GPLX khi vi phạm giao thông bị giữ giấy tờ xe.
Thủ tục sẽ đơn giản, không vướng mắc
Đại diện Cục CSGT cho biết qua quá trình xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera, cơ quan này nhận thấy có tình trạng người vi phạm ở xa nơi bị phát hiện vi phạm.
Để tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề xuất trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng tài xế cư trú ở tỉnh khác; hoặc bị phát hiện vi phạm hành chính ở huyện này nhưng cư trú ở huyện khác và việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả thu thập đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú.
“Nếu quy định này được sửa đổi thì sẽ không còn hiện tượng người vi phạm bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi hàng trăm km để nộp phạt vi phạm hành chính nữa. Không những vậy, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, việc đi lại cũng không phải muốn là có thể đi được bởi những quy định về phòng, chống dịch.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM”. |
Các trường hợp vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết.
Người lập biên bản sau đó cần chuyển biên bản, tài liệu liên quan về cơ quan phát hiện vi phạm để ra quyết định xử phạt.
Sau đó, người vi phạm căn cứ vào biên bản hoặc quyết định xử phạt để nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tránh phải đi lại nhiều lần.
Bàn về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đề xuất này là hoàn toàn phù hợp và sẽ mang lại thuận tiện cho người dân.
“Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Chính phủ ban hành, nên thẩm quyền sửa đổi là Chính phủ. Tôi cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi để người dân thuận tiện trong việc nộp phạt, cùng với đó là công việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan công quyền cũng diễn ra nhanh chóng”, ông Hòa nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, chuyển bằng chứng phạt nguội về địa phương là một cải tiến có lợi cho người dân.
“Những trường hợp đi vài trăm km để nộp phạt là bằng chứng cho thấy xử phạt nguội còn có những bất cập, tốn tiền của và công sức của người dân”, Luật sư Hậu nói và đề nghị, cần nhanh chóng sửa đổi để người dân có thể nộp phạt nguội ngay tại nơi họ cư trú.
Theo luật sư Hậu, việc chuyển bằng chứng phạt nguội về địa phương là không trái với Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sắp tới. Bởi nguyên tắc của xử phạt vi phạm hành chính là phải nhanh chóng kịp thời.
“Ở đây bản chất của sự việc là quy trình thủ tục không thay đổi. Chỉ thay đổi là cơ quan lập biên bản. Điều này giống như thi hành án dân sự, tài sản bị thi hành án ở đâu thì địa phương đó sẽ thi hành”, luật sư Hậu nói.
Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/sap-het-canh-di-tram-cay-so-de-ky-phat-nguoi-d533935.html?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo