Săn ‘tôm bay’

Chủ nhật - 09/07/2023 08:57
Chỉ với chiếc vợt tự chế, cùng chiếc xe máy, nhiều nông dân ở xứ Nghệ đã kiếm thêm thu nhập nhờ nghề bắt “tôm bay”. Mỗi ngày, trên cánh đồng lúa đã thu hoạch, những khu đất trống, các “nghệ sĩ” thăng bằng, băng băng trên vùng đất rộng để săn bắt, kiếm kế mưu sinh. Nhiều năm qua, “lộc trời” mang lại cho họ nguồn thu nhập đáng kể
D2023070904 1
Đi xe máy săn cào cào, châu chấu.  

"Làm xiếc" trên đồng ruộng

Nghề săn châu chấu tại Nghệ An có từ khá lâu nhưng người thực sự sống với nghề này chủ yếu tập trung ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Hàng năm cứ khoảng từ tháng 5 đến tháng 10, những người săn châu chấu có mặt trên khắp các cánh đồng từ Nghệ An đến Hà Tĩnh để hành nghề. Dụng cụ để “săn” châu chấu khá đơn giản gồm chiếc vợt có đường kính miệng rộng khoảng 60cm, cán dài khoảng 1m, thường được gắn vào hai bên hông xe máy. Chiếc xe chạy đến đâu, gây động đến đó làm châu chấu dưới mép ruộng bay lên rồi chui thẳng vào vợt. Cứ chạy khoảng hơn mươi phút, các “thợ săn” dừng lại đổ châu chấu một lần.

Được xem là người có thâm niên săn “tôm bay”, anh Lê Văn Tấn, trú tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Nhiều năm trở lại đây, săn châu chấu được xem là một nghề, bởi nó thu nhập khá ổn, châu chấu bắt đến đâu được mua hết đến đó. Theo anh Tấn, nếu bắt châu chấu trên đồng lúa cần cẩn thận để không ảnh hưởng đến hoa màu, bắt trên đồng cỏ dễ dàng hơn. Mùa này lúa mới gieo cấy, châu chấu ít nên thợ săn “tôm bay” chủ yếu bắt trên đồng cỏ. Để hành nghề, mỗi ngày anh Tấn và đồng nghiệp dậy từ sớm, chất đồ nghề lên xe, di chuyển vào thành phố Vinh. Hôm nay, “bãi săn” của anh là cánh đồng bỏ hoang nằm cạnh khu công nghiệp. Mặt ruộng không bằng phẳng, hình thành nhiều ụ cỏ, ổ gà, ổ voi là thách thức đối với thợ bắt châu chấu.

Việc chạy trên các cánh đồng nhiều ụ đất gập ghềnh như thế này rất vất vả, phải chạy xe ở tư thế đứng, hai tay tì mạnh vào ghi đông để điều khiển xe luồn lách qua những ụ đất hay tăng lực kiểm soát, tránh va đập... “Cẩn thận như vậy, nhưng cũng đã không ít lần chúng tôi phải “đo đất” thâm tím đầu gối”, anh Tiến cho biết thêm. Sau một thời gian chạy xe máy khắp cánh đồng hoang, khi áng chừng lượng châu chấu trong vợt đã nhiều, các thợ săn lên bờ để trút vào túi cước khác. Châu chấu nhỏ cỡ đầu đũa lẫn với cỏ khô, phải mất thêm công đoạn giũ sạch cỏ mới tách được châu chấu ra. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn để tránh châu chấu bay ra ngoài. Cách thức đánh bắt này đảm bảo châu chấu khỏe mạnh, không bị đứt, gãy càng. “Nghệ sĩ” săn châu chấu Lê Văn Tấn chia sẻ kinh nghiệm: “Việc săn châu chấu, cào cào đã khó, nhưng săn được để cho nó không gãy, không chết còn khó hơn, vì nếu như vậy thì coi như bỏ, bởi các thương lái họ không mua”.
 
D2023070904 2
Cào cào được gom vào túi lưới.  
 
Theo các “thợ săn”: Trung bình mỗi ngày, họ bắt được 10-15kg châu chấu. Toàn bộ số châu chấu đều được các thương lái ngoài Hà Nội gom hết để cung cấp cho các nhà hàng làm mồi nhậu hoặc đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho chim. Giá châu chấu nhập cho các đại lý hiện ở mức 110 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày, một thợ săn lành nghề, có thể thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, tuy nhiên cuối mùa thì chỉ khoảng trên dưới 700 nghìn đồng/ngày. Cùng đi săn với anh Tấn, anh Hồ Đức Tiến cùng trú tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai chia sẻ: Ngày nhiều bù ngày ít, tính sơ sơ, trừ chi phí xăng xe, mức thu nhập mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng. Đối với những người làm nghề nông thì đó là nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống.

Châu chấu, cào cào là loại dễ bắt bằng cách đi chao. Nếu chăm chỉ và lành nghề, mỗi ngày một người có thể săn được từ 10 - 15 kg. Tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, sau khi được thương lái thu mua, loại “tôm bay” này được chuyển đi khắp cả nước để tiêu thụ. Châu chấu là một loại côn trùng gây thiệt hại mùa màng rất lớn, do đó việc người dân săn bắt loài côn trùng này đã có tác động tích cực đến việc sản xuất. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân săn bắt “tôm bay” để vừa có thêm thu nhập vừa trừ hại cho mùa màng.
 
D2023070904 3
Một thợ săn lành nghề có thể thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày.  

Đi săn “tôm bay” liên tỉnh

Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội làm vườn Nghệ An cũng là chủ nhà hàng chuyên đặc sản “tôm bay” cho biết: Hiện nay các món ăn chế biến từ cào cào, châu chấu rất được các dân nhậu ưa chuộng. Bởi nói về dinh dưỡng, nó có hàm lượng protein rất cao, nguồn dinh dưỡng lớn, thơm béo ngậy, đặc biệt là nó bổ sung một số hợp chất cân bằng có lợi cho cơ thể. Châu chấu, cào cào thường xuất hiện một năm hai mùa, trước khi lúa trổ bông. Riêng thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch hàng năm, cào cào, châu chấu lúa xuất hiện nhiều hơn.

Những người bắt châu chấu cho hay, nghề này tuy vất vả nhưng luôn có “tiền tươi”. Công việc cũng không cần bỏ nhiều vốn, cái chính là phải có sức khỏe và sự nhanh nhạy, chịu khó. Mỗi bộ lưới dùng để giăng bắt châu chấu giá hơn 1 triệu đồng, nhưng có thể dùng được nhiều năm. Mỗi mùa qua đi, có gia đình thu nhập cả vài chục triệu đồng. Cũng chính nhờ nghề săn “lộc trời” này mà không ít gia đình đã mua được xe máy, nuôi con cái ăn học nên người.

Như anh Hồ Trọng Uy, một tay săn cào cào có hạng tại huyện Quỳnh Lưu vui mừng khoe: Vợ chồng anh sinh được 4 người con, bọn nhỏ đều đang tuổi ăn học. Trước đây, chật vật lắm anh chị mới có đủ tiền chăm lo cho sắp nhỏ. Nhưng từ khi nghề săn bắt “tôm bay” trở nên phổ biến, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, thì sau hai vụ săn cào cào mỗi năm, vợ chồng anh Uy cũng kiếm được ngót nghét cả trăm triệu đồng. Khoản thu nhập đó tưởng như là phụ lại trở thành chính. Anh Uy hồ hởi: “Thời kỳ đầu, chỉ mình tôi đi bắt “tôm bay”. Nhưng sau này, thấy cái nghề phụ mang lại lợi nhuận khá tốt nên tôi rủ vợ đi làm cùng. Mỗi ngày, cả hai vợ chồng tôi đi vợt châu chấu, kiếm được trung bình khoảng 500-700 nghìn đồng. Đồng tiền kiếm được từ con châu chấu nhỏ bé này, ngoài việc chi phí cho con cái ăn học, vợ chồng tôi còn dành dụm mua sắm được những vật dụng thiết yếu trong nhà. Vụ vừa rồi, vợ chồng tôi gom tiền bán châu chấu tậu thêm được một chiếc xe máy mới”.

Chị Nguyễn Thị Nga trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, một chủ chuyên thu mua cào cào cho biết: Trước khi thu mua loại “tôm bay” này, gia đình chị trông chờ vào việc bán tạp hóa với làm ruộng, thu nhập hàng tháng bấp bênh, việc nuôi nấng các con ăn học luôn trong cảnh giật gấu vá vai. Nhưng từ khi có nghề thu mua, bán buôn, bán lẻ châu chấu, mỗi mùa gia đình chị Nga kiếm thêm được khoảng 40-50 triệu đồng. Chị Nga nói: “Cũng nhờ nghề thu mua cào cào mà gia đình tôi xây được nhà, sửa lại được quán tạp hóa, sắm sửa các trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ trong nhà”.

Do việc săn bắt châu chấu, cào cào mang về nguồn thu nhập đáng kể nên hiện nay, rất nhiều người ở các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã vượt hàng trăm km vào Nam, ra Bắc để săn châu chấu. Những người săn bắt cào cào, châu chấu phải phơi mặt trong điều kiện thời tiết nắng như "đổ lửa" gần như cả ngày để có cuộc sống tốt hơn. Anh Hồ Văn Quân, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vợ chồng anh cùng 2 người hàng xóm thức dậy từ 3 giờ sáng, sau khi chuẩn bị xong đồ nghề thì lên xe máy vượt gần 100km vào huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để bắt châu chấu. Đều đặn, gần 1 tháng qua, công việc của vợ chồng anh và 2 cộng sự là dậy đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi màn đêm đã buông xuống.
Theo Điền Bắc Đại đoàn kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây