Người dân tập trung ra đồng rọi đèn bắt rươi.
Những ngày này, cứ vào khoảng 17h chiều đến rạng sáng hôm sau, người dân ở các xã Yên Hồ, Quang Vĩnh, Liên Minh, Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ) và xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) lại nhộn nhịp kéo nhau ra những cánh đồng ven sông La để bắt rươi.
Những cánh đồng ven sông La nhộn nhịp ánh đèn của người dân vào mùa rươi.
Là người có kinh nghiệm “săn” rươi hàng chục năm, ông Lê Văn Tuấn (xã Bùi La Nhân) cho biết, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, khoảng cuối tháng 4, người dân bắt đầu bón phân hữu cơ xuống ruộng ở gần các khu vực cửa sông, cửa biển để nuôi rươi.
Đến khoảng tháng 7 bắt đầu có rươi, nhưng phải tháng 9 và tháng 10 rươi phát triển mạnh nhất.
Theo ông Tuấn, mùa rươi kéo dài khoảng vài tháng. Đặc biệt vào những ngày 20/9, 5/10 (Âm lịch)... nước thủy triều dâng lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (người ta gọi là nứt lỗ rươi) để sinh sản nên rươi xuất hiện nhiều nhất.
Mỗi người dân chia nhau từng cống nước để canh rươi.
Nắm bắt được đặc tính của loài rươi nên hàng năm cứ đến khoảng thời gian trên, người bắt rươi lại tập trung ra ruộng đông như hội. Có những gia đình huy động 3-5 người đem theo dụng cụ đi với “lộc trời”.
“Rươi thường chỉ nổi lên về đêm, không lên ban ngày. Vì thế người ta chỉ bắt rươi về ban đêm. Để bắt rươi người ta thường rọi đèn, vì thấy ánh đèn rươi lại càng lượn khỏe”, ông Tuấn nói.
Khi nước lên, rươi theo vào ruộng, người dân dùng lưới để hứng rươi.
Còn theo bà Phan Thị Hồng (xã Yên Hồ), rươi thường sống ở vùng nước cửa sông, cửa biển. Rươi trưởng thành dài 7-10cm, ngang khoảng 0,5cm, màu hồng hoặc xanh phụ thuộc nguồn nước.
Có nhiều cách để bắt rươi, như dùng vợt, dùng rớ, cũng có người xẻ bờ ruộng tạo thành những khe nước chảy rồi giăng mành rộng như hình phễu để chắn, bắt rươi dồn về. Khi rươi đã bị nước đẩy vào các phễu mành, công việc còn lại chỉ là vớt lên rồi cho vào xô.
“Vào những đêm nước thủy triều lên, khi nước ngập bờ ruộng, phía cửa xả sẽ mở, rươi theo dòng nước chui vào lưới. Với số rươi nổi trên mặt nước, nhóm người đi canh chia nhau đứng ở nhiều vị trí, dùng vợt vớt cho vào xô”, bà Hồng nói.
Rươi lượn lên khi thấy ánh đèn.
Nhìn bên ngoài, loài vật này nhiều người thấy sợ nhưng rươi là loại thực phẩm bổ dưỡng vì chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, sắt, kẽm... nên rất được nhiều người ưa chuộng, mua về chế biến. Rươi được chế biến thành những món ngon như chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng...
Trung bình trên thị trường, rươi được bán với giá 400.000-700.000 đồng/kg. Nếu may mắn, trong một đêm, mỗi gia đình có thể bắt được 10-20kg rươi, thu về khoảng 5-10 triệu đồng.
Người dân có thể kiếm nhiều triệu đồng mỗi đêm nhờ việc bắt rươi.
Theo người dân ở đây, rươi năm nay so với những năm trước có phần ít hơn. Nhưng bình quân mỗi đêm người dân có thể kiếm tiền triệu từ việc bắt rươi. Cũng có nhiều gia đình bắt được 2 đến 3 yến mỗi đêm, thu nhập cả chục triệu đồng.
Ông Ngô Ngọc Hân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ cho biết, mùa rươi rải rác quanh năm nhưng tập trung vụ chính vào tháng 9 và tháng 10 (âm lịch). Mỗi đợt rươi lên chỉ kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Thời điểm rươi chui từ đất lên nhiều nhất là từ 19h-21h.
“Không phải ruộng nào cũng có rươi mà phải đáp ứng được các điều kiện như ruộng phải có nước lên, nước xuống, gọi là nước đảo chiều. Để đảm bảo ruộng có rươi sinh sống thì trong quá trình canh tác, sản xuất không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để loài vật này sinh sôi, phát triển tốt nhất, người dân phải tạo độ phì, độ xốp cho ruộng”, ông Hân nói.
Cũng theo ông Hân, mỗi sào ruộng có thể thu hoạch từ 20-30kg rươi, thời điểm cao nhất có giá từ 600.000-700.000 đồng/kg. Việc đánh bắt rươi mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân.