Quyết liệt xử lý nhưng tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn vẫn rất cao

Thứ ba - 16/07/2024 17:37
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông đã rất quyết liệt trong xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhưng tình hình chưa chuyển biến nhiều, số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn cao.
D2024071610
Chiếm tỷ lệ lớn trong các hành vi vi phạm

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động tham mưu, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhận diện và xử lý quyết liệt các nhóm hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, quá tải, chở quá số người quy định... đặc biệt là xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Việc xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn đã lan tỏa đến từng gia đình, tổ chức và cá nhân.

Với những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Cảnh sát giao thông, sự phối hợp và vào cuộc các cơ quan, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực. Số người chết do tai nạn giao thông trong quý II/2024 đã giảm hơn 7%, ùn tắc giao thông giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, số người chết do tai nạn giao thông giảm gần 11%, ùn tắc giao thông giảm gần 66% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là số vụ tai nạn giao thông trong quý II tăng trên 11%, số người bị thương do tai nạn giao thông tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023. Xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 16 người. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế; trong số 3 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có 2 vụ do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát (tại Hà Tĩnh và Ninh Bình), 1 vụ do đi không đúng phần đường, làn đường quy định (tại Đắk Lắk).

Tai nạn xảy ra tập trung nhiều trên các tuyến quốc lộ (chiếm hơn 66,67%). Thời gian xảy ra nhiều nhất là trong khung giờ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau (chiếm 66,67%). 100% người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông là nam giới, ở độ tuổi từ 28 đến 55 là nhiều nhất (chiếm 66,67%). Trong các phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn, mô tô, xe máy chiếm trên 50%.

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tập trung xử lý các chuyên đề là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ. Kết quả, trong quý II đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, có 275.130 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 22,23% các hành vi vi phạm).

Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, trong số hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, có tới 501,4 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 19,85% các hành vi vi phạm.

Điển hình như ở TP Hồ Chí Minh, chỉ trong quý II/2024, lực lượng chức năng đã xử lý gần 40,9 nghìn trường hợp hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy; so với cùng kỳ tăng 4.043 trường hợp (tăng 10,9%).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn cho biết, trong quý II/2024, chỉ riêng các Tổ công tác 141 của Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 2.151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm, Công an tỉnh đã tăng cường, bố trí trên 14 nghìn tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phát hiện và lập biên bản đối với 123,3 nghìn trường hợp, tăng gần 68,8 nghìn trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vi phạm về nồng độ có tới trên 16,7 nghìn trường hợp, tăng hơn 7 nghìn trường hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các đối tượng, hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm quy định về ma túy, nồng độ cồn; chạy quá tốc độ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Sáu tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt gần 28,5 nghìn trường hợp, trong đó đã phát hiện, xử lý gần 12 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều vụ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn

Là địa phương có tình hình tai nạn giao thông diễn biến nghiêm trọng, xảy ra 233 vụ, làm chết 111 người, bị thương 160 người trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 67 vụ (40%), tăng 13 người chết (13,3%), tăng 64 người bị thương (67%), lãnh đạo Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh cho hay, hơn 80% vụ tai nạn xảy ra do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, riêng vi phạm nồng độ cồn chiếm 14%.

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, riêng trong quý II/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm 40 người chết, 4 người bị thương; tăng 11 vụ, tăng 7 người chết, tăng 1 người bị thương so với quý I. Trong số các nguyên nhân, có nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, nhất là điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia. Trong quý II, đã phát hiện 2.813 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 187 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù xử lý quyết liệt nhưng vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm cao nhất trong tổng số các hành vi vi phạm. Riêng vi phạm nồng độ cồn và tốc độ mỗi ngày xử lý trên 5.000 trường hợp. Trên 20% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia. Đây là vấn đề chúng ta đã tập trung xử lý quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm nhưng tình hình chưa chuyển biến nhiều”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhận định.

Nâng cao mức xử phạt

Để tiếp tục kéo giảm các vụ tai nạn giao thông, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh việc xử lý 5 nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là hành vi vi phạm về tốc độ, đi đôi với xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

“Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo từng chuyên đề, tập trung mạnh vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng khi điều khiển phương tiện; chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đề xuất.

Ông Phượng cũng cho hay, địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với đặc thù trên địa bàn, đặc biệt là đang triển khai rất thành công nhiệm vụ xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường, thôn, xóm, đến họ hàng, dòng tộc..., của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ban hành và triển khai thành công 6 bộ tiêu chí về an toàn giao thông; xây dựng bộ quy tắc "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị và cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, quản lý; theo dõi chặt chẽ công tác xử lý vi phạm để có căn cứ xem xét đánh giá đối với từng cá nhân cán bộ, đảng viên người dân vi phạm pháp luật về giao thông.

Một trong những giải pháp được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn nêu ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt các hành vi nguy cơ cao như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ… Ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ nâng cao mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm đặc trưng, là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, quá tốc độ quy định.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết, việc xử lý 5 nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của lực lượng Cảnh sát giao thông. Ông Nguyễn Văn Trung đề nghị Công an các địa phương tập trung chỉ đạo và tham mưu UBND chấn chỉnh việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới với phương châm “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.
 
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)

Link gốc: Quyết liệt xử lý nhưng tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn vẫn rất cao | baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây