Thu hút đầu tư nhà ở xã hội chậm
Đối với vấn đề quy hoạch đô thị, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hà, Hà Tĩnh có 16 đô thị hiện hữu, 18 đô thị dự kiến hình thành. 16/16 đô thị hiện hữu đã có quy hoạch chung; 17/18 đô thị mới chưa có quy hoạch chung được duyệt.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn vào sáng 17/7. Ảnh: BHT
Nêu giải pháp đối với vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hà cho rằng, cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các địa phương kịp thời triển khai lập mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch đô thị để phù hợp với quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng đơn giản quy trình, thời gian, thủ tục trong lập quy hoạch đô thị.
Kiểm soát chặt chẽ năng lực của các đơn vị tư vấn; kịp thời xử lý các đơn vị có năng lực không đảm bảo yêu cầu; chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định các quy hoạch, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu…
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hà. Ảnh: BHT.
Trả lời câu hỏi của cử tri về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp về việc nhà ở xã hội chưa được quan tâm, trong khi nhu cầu rất lớn, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà cho hay: Theo quy định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị đã thực hiện việc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, trên địa bàn đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội độc lập là dự án thí điểm nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng 3 block với 488 căn hộ. Hiện, đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 với quy mô 3 tòa nhà cao 11 tầng bố trí hơn 500 căn hộ, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2027.
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung 2 vị trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh với tổng quy mô đất 99,5 ha.
Theo tư lệnh ngành Xây dựng Hà Tĩnh, việc đầu tư nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ vốn của doanh nghiệp. Do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, trong khi đó gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay thấp. Do vậy, các nhà đầu tư chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này dẫn đến việc thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm.
Về giải pháp thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trên địa bàn cụ thể theo từng năm. Rà soát, xem xét sự cần thiết điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2030 theo quy định, làm cơ sở để chấp thuận, thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội; triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi theo quy định…
Trả lời rõ từng vấn đề
Đại biểu Hà Thị Việt Ánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Xuyên đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết tiến độ việc giải quyết 68 lô đất bị ảnh hưởng bởi Dự án quy hoạch Trường Đại học Hà Tĩnh và Dự án quy hoạch nút giao thông quốc lộ 1A.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để giải quyết 68 lô đất bị ảnh hưởng, Trường đại học Hà Tĩnh cần khẩn trương tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch Trường Đại học Hà Tĩnh như thông báo số 263/TB-UBND ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh, trong đó xem xét việc đem ra khỏi ranh giới quy hoạch trường các lô đất ở bám mặt đường quốc lộ 1.
Về vai trò của mình, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Trường Đại học Hà Tĩnh theo đúng quy định. Sau khi điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, giao UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức rà soát số lượng lô đất cần giải phóng mặt bằng để tham mưu UBND tỉnh bố trí bồi thường tái định cư theo quy định.
Đại biểu Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê. Ảnh: HN.
Đại biểu Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê đặt câu hỏi: Trong báo cáo có nêu, toàn tỉnh còn thiếu 460,5 tỷ đồng để phục vụ cho công tác lập quy hoạch giai đoạn 2023-2030, xin hỏi Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay Sở đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương để rà soát danh mục quy hoạch chưa mà đưa ra số tiền còn thiếu như thế? Vai trò, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu giải pháp, lộ trình thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh thẳng thắn nói: Sở Xây dựng đã rà soát và có ý kiến của 13 địa phương cùng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. “Chúng tôi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những quy hoạch nào thực hiện trước, những quy hoạch nào thực hiện sau và phân bổ nguồn lực theo định tuyến: Huyện, tỉnh, đầu tư công… Sở Xây dựng đã làm việc với các huyện rất rõ”, ông Nguyễn Quốc Hà nói.
Đại biểu Trần Thị Hoa (tổ đại biểu huyện Thạch Hà) đặt nêu vấn đề: Dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) chưa có quyết định cụ thể về việc dừng hay không, tuy nhiên, việc dừng xây dựng các công trình trên địa bàn 5 xã bị ảnh hưởng bởi dự án đã dừng 15 năm. Hiện nay, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, việc xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở của các hộ gia đình không được làm, trong khi dân số tiếp tục tăng lên.
Đại biểu Trần Thị Hoa (tổ đại biểu huyện Thạch Hà). Ảnh: H.N.
“Sở Xây dựng đã tham mưu với tỉnh những giải pháp nào để giảm bớt khó khăn, hệ lụy do Dự án mỏ sắt Thạch Khê đưa lại cho nhân dân 5 xã bị ảnh hưởng trực tiếp?”, đại biểu Hoa đặt câu hỏi.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết, Dự án mỏ sắt Thạch Khê thực hiện theo Luật Khoáng sản và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hiện chưa có quyết định chính thức, dự án thuộc “quy hoạch treo”.
Giải quyết bài toán của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án về xây dựng nhà ở là rất khó, thời gian qua người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, nhân dân các xã bãi ngang huyện Thạch Hà ứng xử rất văn minh, hết sức chia sẻ với chính quyền.
Theo ông Nguyễn Quốc Hà, áp dụng Luật Quy hoạch và Luật Đất đai mới, sẽ cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân. Theo quy định của Luật Đất đai, nếu 3 năm liên tục không công bố quy hoạch sử dụng đất thì 6 quyền sử dụng đất của người dân vẫn được thực hiện.
“Xin trả lời với người dân rằng, nếu người dân cần xây dựng nhà ở mới sẽ được cấp phép có thời hạn, còn sửa chữa nhỏ thì có sự giám sát của huyện Thạch Hà. Toàn tỉnh đang tập trung cao nhất để chốt lại là dừng lại dự án mỏ sắt Thạch Khê để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại”, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng biểu dương tinh thần thẳng thắn, trả lời ngắn gọn để nhận được nhiều ý kiến chất vấn từ các đại biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà. Chủ trì phiên chất vấn cũng đề nghị đại biểu đặt nhiều câu hỏi để thỏa lòng mong ước của Giám đốc
Sở Xây dựng.