Dạy - học thêm xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học… Ảnh: INT
Nhận định về những điểm mới của dự thảo, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đồng thời đề xuất thêm giải pháp để thực hiện hiệu quả quản lý hoạt động dạy - học thêm.
Những điểm mới
Theo ông Nguyễn Duy Tiến - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hòa Bình, so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm có một số điểm mới. Cụ thể, dự thảo không còn để hẳn 1 điều quy định các trường hợp không được dạy thêm.
Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, vai trò của tổ chuyên môn được đề cao. Tổ chuyên môn phải họp để thống nhất, đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy - học thêm với các môn học do tổ đảm nhận. Điều này tạo sự thống nhất khi tổ chức dạy thêm, học thêm; đồng thời bảo đảm thiết thực, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, ông Nguyễn Duy Tiến nhận định, dự thảo quy định rất chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy - học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai các môn học, thời lượng dạy thêm của từng môn; địa điểm, thời gian tổ chức; danh sách giáo viên dạy thêm, mức thu tiền học thêm.
Giáo viên trường công lập dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định…
“Dạy - học thêm xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học; giúp các em củng cố, mở rộng, nâng cao kiến thức; là cơ hội cho giáo viên có thể lao động, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, hoạt động này còn những hạn chế, tạo áp lực đối với một bộ phận học sinh và trở thành gánh nặng với không ít gia đình có con em độ tuổi đến trường.
Dự thảo của Bộ GD&ĐT đã sửa đổi các quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, là hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để giáo viên tháo gỡ vướng mắc trong dạy thêm, tạo cơ hội để thầy cô được dạy thêm chính đáng dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp”, ông Nguyễn Duy Tiến nhận định.
Học thêm là nhu cầu thực tế; không thể cấm việc học thêm chính đáng của học sinh. Do vậy, để tổ chức dạy - học thêm đáp ứng nhu cầu này, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nhận định, dự thảo có những điểm mới tạo sự thông thoáng hơn; đồng thời tăng cường yêu cầu minh bạch thông tin để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.
“Khi nhắc đến dạy thêm, học thêm, đâu đó nhiều người nghĩ ngay đến điều chưa tích cực, do sự chưa gương mẫu của một số giáo viên. Điều này khiến các nhà giáo tâm huyết có gì đó không được thoải mái; ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và sự sáng tạo nghề nghiệp”.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình cho rằng: Nếu dạy thêm xuất phát từ sự tự nguyện, giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực, nâng cao kiến thức, tránh được các tệ nạn xã hội học đường… nên được nhìn nhận dưới góc độ công bằng hơn. Ngược lại, nếu dạy thêm là ép buộc dưới mọi hình thức thì cần có những quy định rõ ràng để giải quyết triệt để, tạo dựng lòng tin của tầng lớp nhân dân và tôn vinh được nghề dạy học.
“Quy định trong dự thảo đã làm rõ vấn đề là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học”, ông Nguyễn Viết Huy nhận định.
Giờ học tại Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NTCC
Phát huy vai trò giám sát
Chia sẻ một số giải pháp với hoạt động dạy - học thêm, ông Nguyễn Viết Huy nhấn mạnh đầu tiên đến việc cần đặc biệt đề cao đạo đức nhà giáo; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong ngành GD-ĐT; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong quản trị nhà trường, quản lý giáo viên, đặc biệt là quản lý về chuyên môn liên quan đến dạy thêm của giáo viên.
Cùng đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, có thể nghiên cứu sử dụng cho cả kiểm tra thường xuyên và định kỳ; xây dựng ngân hàng câu hỏi mở dùng chung cho các cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn trong xây dựng hướng dẫn về dạy học thêm bám sát với thực tiễn; phối hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về dạy học thêm để kịp thời chấn chỉnh khi xảy ra vi phạm.
Nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, ông Trần Tuấn Khanh đồng thời cho rằng: Ngành Giáo dục thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra sẽ không thể bao quát và sâu sát như mong muốn, mà cần có sự giám sát của chính quyền địa phương, toàn xã hội, đặc biệt cần sự mạnh dạn, bản lĩnh của học sinh và phụ huynh học sinh.
“Tổ chức, cá nhân tham gia dạy ở đâu, thời điểm nào, nội dung gì, dưới hình thức nào đều được thể hiện ở hồ sơ mở lớp. Vấn đề là việc tổ chức thực hiện có đúng như hồ sơ hay không.
Chính vì vậy, bên cạnh sự hướng dẫn, kiểm tra (không thể phủ kín 100% tổ chức, cá nhân tham gia), ngành Giáo dục cần sự hỗ trợ, giám sát của cộng đồng, sự mạnh dạn lên tiếng của người “trong cuộc” là học sinh và các bậc phụ huynh, nhất là trong trường hợp người dạy cố tình “tạo lý do không chính đáng” để o ép học sinh học thêm.
Ngoài ra, để tạo niềm tin đối với cộng đồng, một khi tiếp nhận được thông tin phản ánh có tiêu cực, cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải tìm hiểu, giải quyết đến nơi đến chốn theo đúng quy định”, ông Trần Tuấn Khanh nêu quan điểm.
Góp ý giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong dạy, học thêm, theo thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị, quá trình thực hiện Thông tư 17/2012/BGDĐT cho thấy dạy thêm trong nhà trường được quản lý, phát huy hiệu quả khá tốt.
Tuy nhiên, dạy thêm ngoài trường trăm hoa đua nở, rất khó quản lý. Vì vậy, nên tập trung quản lý dạy thêm ngoài nhà trường theo hướng quy định cụ thể và kèm theo các biện pháp quản lý mạnh, chặt chẽ. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm là cần thiết. Phát huy vai trò trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của hiệu trưởng là giải pháp hiệu quả, vì không ai nắm rõ và có quyền xử lý trực tiếp các tiêu cực như hiệu trưởng nhà trường.
Muốn giám sát được, phản biện đúng, phải thực hiện công khai rõ ràng, chi tiết. Học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp là kênh giám sát tốt nhất, nhưng lại ngại phản biện. Để phát huy được, phải tạo ra cơ chế để người giám sát có thể dễ dàng trong phản biện, thông tin đến người có thẩm quyền. Kênh người dân tham gia giám sát, phản biện cũng có tác dụng tốt, nhưng phải tạo cơ chế để họ biết mà giám sát. - Thầy Lê Văn Hòa