Ngày 19/10, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, ký văn bản gửi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT xin ý kiến về việc ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Nội dung văn bản cho biết mực nước hồ Kẻ Gỗ thời điểm 8h cùng ngày ở cao trình +33,6m, cao hơn mực nước dâng bình thường 1m. Hồ đang xả tràn với lưu lượng 950 m3/giây và tiếp tục xả tối đa với lưu lượng 1.100 m3/giây.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa trong thời gian tới dự kiến khoảng 350 đến 400mm, nếu mưa vẫn còn tiếp diễn thì khoảng 8 giờ nữa mực nước trong hồ sẽ vượt cao trình +35m bằng cao trình đỉnh tràn sự cố, nguy cơ mất an toàn hồ rất lớn.
Từ đó, tỉnh này đang có phương án phá tràn sự cố để xả lũ với lưu lượng qua tràn cầu chì và qua tràn Dốc Miếu khoảng 4.100 m3/giây.
“Đây là tình huống khẩn cấp cần phải tính đến”, văn bản nêu. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ phương án tính toán và có giải pháp giúp tỉnh đảm bảo an toàn cho công trình.
Cuối chiều 19/10, hồ Kẻ Gỗ xả với lưu lượng 940 m3/s. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Phương án phá tràn hồ Kẻ Gỗ được cho là phương án cần tính đến nếu mưa tiếp tục kéo dài, tuy nhiên căn cứ tình hình thực tế, ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết trên báo Hà Tĩnh, chuyện phá tràn sự cố Kẻ Gỗ khó có thể xảy ra bởi từ đầu giờ chiều 19/10, lượng mưa khu vực lòng hồ đã giảm.
Cũng thông tin trên báo này vào sáng 20/10, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay, từ tối 19 đến sáng sớm 20/10, khu vực Kẻ Gỗ mưa rất nhỏ nên gần như không đo được lượng nước. Theo đó, mực nước hồ lúc 7h30" sáng 20/10 đạt 32,83m/32,5m (mực nước dâng bình thường), tương ứng với dung tích 355 triệu m3/345 triệu m3 (dung tích thiết kế).
"Do lượng nước đến giảm, lượng mưa giảm nên Công ty dự kiến sau 12h trưa nay (20/10), điều tiết lũ qua tràn từ 790m3/s giảm còn dưới 500m3", ông Tâm trao đổi.
Được biết, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10/2020 với lưu lượng 30 - 50m3/s; đến 20 giờ ngày 18/10, tăng lên 250m3/s; đến 22 giờ 400m3/s; 7 giờ ngày 19/10, tăng lên từ 750 - 850 m3/s; đến 9 giờ ngày 19/10, tăng lên 1.050m3/s; đến 17h chiều 19/10, xả 940 m3/s.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình mưa lũ miền Trung ngày 19/10, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mưa lớn vẫn tiếp tục ở Hà Tĩnh, Nghệ An và một phần của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt ông Cường cho rằng phải chú trọng tỉnh Hà Tĩnh, vì trong 24 giờ qua đã có nơi mưa trên 1.200 mm.
“Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống thành phố...”, ông Cường nói và đề nghị cần tập trung chỉ đạo tại đây. Ông cho biết nước ở các hồ chứa và thảm rừng cũng đã đầy nước nên bất kỳ tổn thương nào cũng dễ gây ra ảnh hưởng.
Bộ đã cử các chuyên gia của tổng cục thủy lợi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế hỗ trợ công tác điều hành hồ chứa. “Không để xảy ra rủi ro với hệ thống hồ. Vì nếu xảy ra sẽ là thảm họa”, ông Cường nói thêm.
Bộ trưởng cho biết thêm dự báo tới đây ngày 24-25/10 xuất hiện ATNĐ và có thể hình thành bão, nên cần có tinh thần rà soát chuẩn bị để đón trước để không xảy ra "thảm họa".
Theo bản tin lúc 9h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 20/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (có tên quốc tế là Saudel).
Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông.
Đến 07 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 07 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 07 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.