Khuynh đảo thị trường tài chính, đại gia tuổi Hợi ngồi tù vẫn bị khởi tố

Thứ năm - 07/02/2019 10:58
Hàng loạt những ông chủ ngành ngân hàng vướng vòng lao lý và đưa ra xét xử trong năm Mậu Tuất. Không ít "đại gia" ngân hàng lần lượt viết thêm tên mình vào những bản án ngàn tỷ, trong đó, có Trầm Bê, một đại gia ngân hàng tuổi Hợi, đã ngồi tù nhưng vẫn bị “khởi tố”

Ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB

Có lẽ Phạm Công Danh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian vừa qua, liên quan đến hàng loạt sai phạm trong ngân hàng cũng như có không ít liên đới tới “cựu lãnh đạo” vang bóng một thời của nhiều ngân hàng khác như Trần Bắc Hà, Trầm Bê…

Phạm Công Danh sinh năm 1965, vốn là đại gia trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng trước khi "sa cơ lỡ vận" ở Ngân hàng Xây Dựng và kéo theo vòng xoáy của hàng loạt đại gia ngân hàng dính líu và rơi vào vòng lao lý như hiện nay. Trước khi vụ án xảy ra, ông Phạm Công Danh được cho là sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến hàng chục tỷ USD.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 1 

Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm tù tội cố ý làm trái quy đinh trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (còn gọi là Đại án Phạm Công Danh) là vụ Phạm Công Danh chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng dùng để trả nợ nhận chuyển nhượng VNCB, trả nợ thay cho tập đoàn Thiên Thanh và trả tiền hoa hồng cho những người huy động vốn, dẫn đến mất khả năng thu hồi, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng

Năm 2018, giai đoạn II của Đại án Phạm Công Danh được đưa ra xét xử. Sau 2 giai đoạn, Phạm Công Danh nhận mức án 30 năm tù tội cố ý làm trái quy đinh trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, tháng 9.2016, tòa sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù

Tháng 1.2017, Tòa phúc thẩm tuyên ý án 30 năm tù

Tháng 1.2018, bị đề nghị mức án 20 năm tù (thuộc giai đoạn II của Đại Án Phạm Công Danh)

Tháng 2.2018, Tòa trả hồ sơ điều tra thêm

Tháng 9.2018, Tòa tuyên án 20 năm tù, tổng cộng là 30 năm

Tháng 12/2018, Tòa phúc thẩm tuyên 30 năm tù

Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Sacombank

Liên quan đến những sai phạm của Phạm Công Danh, không thể không nhắc đến Trầm Bê, "ông trùm tuổi Hợi" trong ngành tài chính ngân hàng sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Khi bị bắt Trầm bê đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐ tín dụng, phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank.

Mặc dù, lĩnh vực đầu tiên khi Trầm Bê bước chân vào thương trường là chế biến lâm sản rồi bất động sản, y tế…nhưng lĩnh vực đưa Trầm Bê nổi lên là tài chính ngân hàng và cũng chính lĩnh vực này đã khiến ông “ngã ngựa”.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 2 

Trầm Bê, ông trùm tuổi Hợi (bên phải) lĩnh án 4 năm tù trong đại án Phạm Công Danh

Trong vụ án liên quan Phạm Công Danh giai đoạn II, ông Trầm Bê cùng với Phạm Công Danh, Phan Huy Khang bị cáo buộc là đã thống nhất để cho Sacombank cho Phạm Công Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Việc vay tiền được ông Danh thực hiện thông qua việc để tên các công ty đứng tên vay, nhưng khi đến hạn hợp đồng tín dụng các công ty không trả được, Sacombank đã tự động thu 1.835,8 tỷ đồng (cả gốc và lãi) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ. Do các công ty không có tài sản đảm bảo nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho các công ty, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.835 tỷ.

Tháng 9.2018, Trầm Bê lĩnh án 4 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mặc dù đang ở tù song những tháng cuối năm Mậu Tuất 2018, cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can Trầm Bê để điều tra hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan tới "siêu lừa" Dương Thanh Cường.

Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Dù đã nghỉ hưu từ năm 2014 nhưng sau 4 năm, vào năm 2018, ông Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bất ngờ bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án Ngân hàng Xây dựng (Đại Án Phạm Công Danh) gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Đặng Thanh Bình từng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ các định chế tài chính từ năm 1994.

Năm 1997, ông Đặng Thanh Bình chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ pháp chế và đến năm 2002 bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo của Ngân hàng Nhà nước.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 3 

Bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đến tháng 5.2005 ông được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2005. Đến tháng 2.2012, được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Vụ pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo Đề án 254 của Chính phủ, giúp Thống đốc chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát trong đó có hoạt động tái cơ cấu; tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Đây chính là dấu mốc đẩy ông Bình vào vòng lao lý.

Trong quá trình chỉ đạo tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng), ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Việc làm này của ông Bình tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ ngân hàng Đại Tín, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội, dẫn đến hậu quả kể từ khi nhóm cổ đông của Phạm Công Danh quản trị, điều hành VNCB, hoạt động của ngân hàng này ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao.

Vào thời điểm khởi tố vụ án 26.7.2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, gấp 6 lần so với khi chưa tái cơ cấu, tổng nợ phải trả hơn 38.200 tỷ đồng, tổng tài sản là hơn 16.745 tỷ đồng.

Ngày 10.12 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo đối với ông Đặng Thanh Bình.

"Ông trùm tài chính" Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV

Ngày 29.11.2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).

Theo đó, ông Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 4 

Ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố

Chưa hết, ngày 10.1.2019, ông Hà bị khởi tố bổ sung “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Ngoài tài khoản ngân hàng, các tài sản và doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông Hà đã bị phong tỏa gồm CTCP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn - sở hữu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn và CTCP Tập đoàn An Phú.

Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV sinh năm 1956 tại Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu tháng 9.2016, ông Hà có 35 năm gắn bó với ngân hàng này.

Ông Hà được xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng, và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Tuy nhiên, tại phiên xét xử vụ án này vào tháng 1.2018, khi được triệu tập đến tòa với tư cách “người có nghĩa vụ liên quan”, ông Trần Bắc Hà đã vắng mặt với lý do “xin ra nước ngoài chữa bệnh”.

Vị cựu Chủ tịch BIDV này cũng đã chính thức bị khai trừ Đảng vào hồi tháng 6 vừa qua do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV; gây bức xúc trong xã hội. Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà được đánh giá là rất nghiêm trọng.

Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp

Ngày 9.1.2019 và cũng là những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Đoàn Ánh Sáng (57 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV) phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 5 

Ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp

Ông Đoàn Ánh Sáng sinh năm 1961 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cùng quê với ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) và ông Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV). Cả 3 người này đều đã bị UBKT Trung ương kết luận vi phạm và cách chức toàn bộ chức vụ trong Đảng.

Ông Đoàn Ánh Sáng là người giúp sức tích cực cho Trần Bắc Hà trong việc thực hiện hành vi sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng tại ngân hàng BIDV. Trước khi bị bắt, cả sự nghiệp của ông Sáng gần như gắn trọn với BIDV.

Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT DongABank

Một trong những cựu lãnh đạo ngân hàng tuổi Hợi bị khởi tố trong năm Mậu Tuất bổ sung Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chính là Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT DongABank.

Theo đó, ông Bình đã gây thiệt hại lên tới 3.600 tỷ cho ngân hàng này.

Ngày 27.11.2018, ông Trần Phương Bình cùng 25 bị cáo khác được đưa ra xét xử.

Tháng 12.2018, bị cáo Trần Phương Bình bị tòa tuyên án chung thân cho hai tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX đánh giá bị cáo Trần Phương Bình là người chủ mưu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền và các công ty sân sau thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm nên phải chịu trách nhiệm hình sự lớn nhất đối với các hành vi này. Đồng thời, ông Bình cũng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại mà ông và các đồng phạm gây ra.

 khuynh dao thi truong tai chinh, dai gia tuoi hoi ngoi tu van bi khoi to hinh anh 6 

Ông Trần Phương Bình trong 1 lần xét xử

Sau đó đúng 1 tuần, ông Trần Phương Bình và 9 cựu cán bộ Ngân hàng Đông Á tiếp tục bị khởi tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, liên quan đến việc ngân hàng này chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền tại ngân hàng Đông Á.

 

 
Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây