Bản án bất chấp sự thật
Theo GS Nguyễn Gia Bình, cơ quan chức năng đang tìm mọi cách xóa bỏ tất cả những chứng cứ mà luật sư đưa ra để ép buộc bác sĩ Hoàng Công Lương vào tù, bất chấp sự thật khách quan.
GS Bình phân tích, cơ quan chức năng kết tội bác sĩ Lương trên luận chứng "Lương chưa kiểm tra mẫu nước, mới chỉ nghe một điều dưỡng báo sửa xong máy, đã cho lọc thận khiến 9 người tử vong" là không đúng, vì việc kiểm tra mẫu nước không phải trách nhiệm của bác sĩ. Hơn nữa, việc phải kiểm tra mẫu nước là bất khả thi, việc xét nghiệm nguồn nước theo tiêu chuẩn AAMI của Mỹ cũng là bất khả thi. Vì xét nghiệm này 1-2 tuần mới có kết quả, mà ở Việt Nam chỉ có Viện Khoa học Hàn lâm Việt Nam mới làm được.
GS Nguyễn Gia Bình.
GS Bình chia sẻ, về quy trình chạy thận, bác sĩ xem xét lịch chạy thận cho bệnh nhân, khám sức khỏe thấy bệnh nhân đủ điều kiện chạy thận thì cho bệnh nhân chạy thận. Nếu trì hoãn việc chạy thận, có thể sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân sẽ bị đe dọa. Bác sĩ không thể biết được nguồn nước có đảm bảo chất lượng hay không, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước để chạy thận là của bộ phận khác.
GS Bình nhấn mạnh, Bộ Y tế không có quy định yêu cầu bác sĩ phải có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng nguồn nước trong chạy thận.
GS Bình ví von: "Giống như việc bạn đi mua xăng đổ vào xe, sau đó xe chạy và gây tai nạn do chất lượng xăng không đảm bảo thì trách nhiệm phải thuộc về người bán xăng, sao có thể đổ lỗi cho người mua xăng được. Như hoàn cảnh này, bác sĩ Lương chỉ là người “mua xăng”, còn việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu - “bán xăng”, thuộc về bệnh viện”.
Hoàng Công Lương. Ảnh: Thanh Niên
Theo GS Bình, cơ quan chức năng đang đổ lên đầu bác sĩ Lương trách nhiệm mà bác sĩ không phải chịu. “Giới y khoa chúng tôi cảm thấy rất phẫn nộ với bản án trên", GS. Bình nói.
Bác sĩ nhụt chí
GS Nguyễn Gia Bình nhận định, nếu bản án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương được thực thi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân viên y tế, không còn khuyến khích bác sĩ cứu sống bệnh nhân bằng mọi cách. Ở ranh giới mong manh của sống chết, lúc gấp rút, cần thiết, đôi khi bác sĩ phải đưa ra những y lệnh khẩn cấp, nếu đợi đúng quy trình, đợi đủ báo cáo, e rằng bệnh nhân bị đe dọa đến tính mạng.
"Đặc biệt, trong các tình huống khẩn cấp của bệnh nhân, bác sĩ sẽ né tránh không muốn tham gia vào các tình huống cấp cứu. Vì nếu tham gia cứu bệnh nhân bác sĩ có thể phải ngồi tù, vì chưa làm đúng quy trình đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Đáng buồn nhất là cứu được người không ai biết đến hoặc coi như "việc đương nhiên", nhưng nếu có người tử vong thì chắc chắn bác sĩ phải ngồi tù. Thật chua xót đối với các bác sĩ", GS Bình khẳng định.
GS Bình cho rằng, bản án này được thực thi thì tương lai sẽ có bệnh nhân chết oan uổng vì bác sĩ phải chờ làm "đúng quy trình". Ví dụ, bệnh nhân ở tuyến huyện các bác sĩ có thể làm được như vì đảm bảo an toàn cho mình họ sẽ chuyển tuyến. Khi bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, thời gian di chuyển sẽ làm mất đi cơ hội cứu sống của bệnh nhân.
Còn khi bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, có khả năng sẽ được chữa khỏi nhưng họ lại đứng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện và chết do nhiễm khuẩn bệnh viện, chi phí điều trị tăng khiến gia đình không thể chi trả và phải xin về nhà đợi chết.
"Bác sĩ là ngành nghề rất đặc thù. Tại Việt Nam điều kiện, cơ sở vật chất, nhân lực không đảm bảo khiến bác sĩ luôn phải gồng mình khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong tình trạng quá tải, trong khi thu nhập không tương xứng với đầu tư học hành, công sức, trí tuệ họ bỏ ra. Không những thế, bác sĩ Việt Nam còn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị người nhà quá khích, mắng chửi, thậm chí đánh đập dã man. Bản án của cơ quan tư pháp đưa ra với bác sĩ Lương cũng không khác gì bạo hành với nhân viên y tế, khiến chúng tôi rất buồn", GS Bình tâm sự.
GS Nguyễn Gia Bình kiểm tra cho một bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình ngày 29.5.2017.
Đồng quan điểm với GS Nguyễn Gia Bình, PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, bản án toà án cho rằng “Lương cẩu thả, chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước có an toàn hay chưa, chỉ nghe điều dưỡng thông báo” là vô cùng vô lý, phớt lờ sự thật và chứng cứ.
Theo PGS Duệ, bác sĩ Lương không cẩu thả và có quan tâm đến chất lượng nước. Vì bác sĩ Lương là người ký đề xuất sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước, cũng đã được y tá báo cáo phía sửa chữa xong và có thể cho chạy thận được. Bác sĩ Lương tin nhân viên của mình và cho chạy thận.
“Việc kiểm tra lại thông tin chỉ khi có nghi ngờ là thông tin không chính xác. Còn nếu y tá đã báo cáo mà bác sĩ còn phải kiểm tra lại báo cáo thì không cần y tá mà nên tuyển thêm bác sĩ mới phải. Cả thế giới không ai làm vậy”, PGS Duệ nói.
PGS Duệ lo ngại, vụ án sẽ khiến cho các bác sĩ nản và chùn bước trước quyết tâm cứu người khi chỉ định cứu người của mình có thể bị cho là “vô ý giết người” như trường hợp của bác sĩ Lương.
PGS Duệ đã gửi “tâm thư” cho GS Nguyễn Gia Bình, đề nghị Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc cần tổ chức lấy chữ ký của hội viên, tổ chức các hội thảo, hội chẩn để đồng thuận đưa ra kết luận về chuyên môn, gửi đến cho tòa án tham khảo.
“Hiện nay cơ quan chức năng đang khăng khăng tìm cách buộc tội bác sĩ Lương mà không chú ý đến các chứng cứ vô tội của bác sĩ Lương”, PGS Duệ cho hay.
Chiều 30.1, HĐXX TAND TP.Hòa Bình phiên sơ thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã tiến hành tuyên án đối với bị cáo Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo khác. Bị cáo Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù giam. Khi luận tội, đại diện VKSND TP.Hòa Bình nhận định, Hoàng Công Lương là bác sĩ được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật lọc máu. Đơn nguyên thận có nhiều bác sĩ nhưng chỉ Lương có trách nhiệm cao nhất. Với sự cố xảy ra hôm 29.5.2017, y lệnh và việc ký xác nhận ra y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định để kết nối chạy máy lọc thận cho 18 bệnh nhân. Tuy nhiên, Lương chưa kiểm tra mẫu nước, mới chỉ nghe một điều dưỡng báo sửa xong máy, đã cho lọc thận khiến 9 người tử vong. |
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn