Hành xử thiếu chuẩn mực
Vụ việc Lê Việt Hùng tham gia giao thông nhưng xe ô tô không dán tem kiểm định, bị lực lượng Cảnh sát giao thông dừng phương tiện để kiểm tra xảy ra trên tuyến cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang, vào khoảng 15 giờ ngày 7/4/2025.
Theo video dài hơn 6 phút do chính Lê Việt Hùng ghi lại và phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, khi lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra hành chính, Lê Việt Hùng đã bày tỏ thái độ bất hợp tác, thách thức lực lượng chức năng, thách thức pháp luật.
Cụ thể, sau khi dừng xe và chỉ ra việc trên xe ô tô do Lê Việt Hùng điều khiển không dán tem kiểm định, lực lượng chức năng đã yêu cầu Hùng xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật, gồm: Giấy đăng ký xe, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy phép lái xe.
Video do ông Lê Việt Hùng tự quay và chia sẻ, trong bối cảnh không xuất trình được giấy tờ xe khi lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra, kèm dòng trạng thái lệch chuẩn trong hành xử pháp luật. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, thay vì hợp tác với lực lượng chức năng, Lê Việt Hùng đã không xuất trình giấy tờ theo yêu cầu, thậm chí còn thách thức lực lượng thi hành công vụ.
Lê Việt Hùng: Lý do vì sao mình kiểm tra giấy tờ xe?
Lực lượng Cảnh sát giao thông:
Xe mình không có kiểm định, anh đánh xe vào lề đường đi ạ”.
Cán bộ Tổ Cảnh sát giao thông:
“Chào anh nhé! Xe mình kiểm định đâu?”.
“Kiểm định thì làm sao? Có vấn đề gì không?”, Lê Việt Hùng đáp.
Cán bộ Cảnh sát giao thông từ tốn giải thích
“xe anh tham gia giao thông phải có kiểm định”, đồng thời tiến lại trước xe ô tô Lê Việt Hùng điều khiển, chỉ rõ trên kính lái trước không có tem kiểm định.
Lúc này, Lê Việt Hùng đáp lại giọng thách thức:
“Đấy là việc của tôi. Sao? Đấy là việc của tôi. Sao? Bây giờ ông kiểm tra gì kiểm tra đi”.
....Sau đó, Lê Việt Hùng quay sang phía cán bộ kia và tiếp tục cao giọng:
Bây giờ ông muốn kiểm tra giấy tờ gì? Ông muốn kiểm tra gì tôi cho ông kiểm tra.
Khi lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra đăng giấy đăng ký xe, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy phép lái xe, Lê Việt Hùng lên giọng thách thức:
“Không có! Tôi nói luôn không có. Không mang. Để nhà. Xe tôi không có giấy tờ. Xử lý đi. Tự nhiên ông thấy tôi ông đòi doạ tôi xuống đây. Thích kiểm tra giấy tờ gì, tôi không mang đấy. Không có giấy tờ đấy. Làm sao? Như nào? Vớ va vớ vẩn….”, Lê Việt Hùng cao giọng, mặc dù xuyên suốt video do chính Hùng quay lại và phát tán, các cán bộ Cảnh sát giao thông đều nói chuyện rất từ tốn, bình tĩnh giải thích.
Đáng chú ý, ở gần cuối video, Lê Việt Hùng còn yêu cầu cán bộ Cảnh sát giao thông dừng phương tiện của Hùng phải xin lỗi:
“Nếu ông không xin lỗi hôm nay tôi ở đây chơi với ông”.
Phát tán đơn tố cáo trên mạng, bình luận bôi nhọ cảnh sát giao thông
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, cán bộ cảnh sát giao thông cho biết, do Lê Việt Hùng không chấp hành yêu cầu, xuất trình các giấy tờ có liên quan nên đã tiến hành xác minh trên hệ thống và xác định phương tiện còn hạn đăng kiểm.
Đồng thời, thời điểm dừng phương tiện kiểm tra vào kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lưu lượng phương tiện rất đông, cần tập trung điều tiết nên sau khi kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã nhắc nhở và để Lê Việt Hùng tiếp tục lưu thông.
Tuy nhiên, sau đó, Lê Việt Hùng đã phát tán đoạn video trên lên mạng xã hội, cùng nhiều bình luận với thông tin sai sự thật. Khi được người dùng mạng xã hội góp ý, Lê Việt Hùng thay vì tiếp thu, điều chỉnh còn tiếp tục có lời lẽ xúc phạm, bôi nhọ lực lượng Cảnh sát giao thông.
Cụ thể, khi được người dùng mạng xã hội góp ý về hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu thiện chí khi làm việc với lực lượng chức năng, Lê Việt Hùng đã xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng, rằng:
“Sao phải thiện trí (sai chính tả - PV) với lũ cẩu". "Bạn có thấy ai tôn trọng cẩu không”.
Không dừng lại ở đó, Lê Việt Hùng còn phát tán lá đơn tố cáo Tổ công tác lên mạng xã hội, với nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Trong đó rõ nhất là việc Lê Việt Hùng đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an làm rõ việc:
“Tổ công tác không tiến hành xử lý vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính đối với vi phạm đã thông báo, không tiến hành tạm giữ phương tiện đối với hành vi Điều khiển phương tiện không có đăng kiểm, Không xuất trình giấy tờ theo quy định của pháp luật”.
Như đã thông tin ở trên, sau khi xác minh trên hệ thống, lực lượng Cảnh sát giao thông xác định phương tiện còn đăng kiểm, đồng thời vào thời điểm kỳ nghỉ lễ, nên lực lượng chức năng đã nhắc nhở và để Lê Việt Hùng tiếp tục lưu thông.
Do đó, thông tin Lê Việt Hùng phát tán trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật, dẫn tới dư luận xấu, hiểu sai lệch về bản chất sự việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung.
Điều này được minh chứng bởi hàng trăm, hàng nghìn bình luận trái chiều của người dùng mạng xã hội, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng thi hành công vụ trong vụ việc Lê Việt Hùng và lực lượng Cảnh sát giao thông.
Cần xử lý nghiêm để làm gương
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
“Cần khẳng định rằng hành vi phổ biến video chưa qua xác minh, kèm theo phát ngôn có xu hướng quy kết, có dấu hiệu làm lệch hướng nhận thức của người xem, cần được đánh giá kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý để tránh tạo tiền lệ xấu”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Bởi theo Luật sư Diệp Năng Bình, nếu không được xử lý kịp thời, các tình huống tương tự có thể tái diễn: Người vi phạm giao thông, vi phạm hành chính quay clip rồi gán cho mình danh nghĩa “giám sát”, từ đó xoay chiều dư luận và gây áp lực không cần thiết đối với người đang thực thi nhiệm vụ.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền giám sát của công dân. Tuy nhiên, quyền này phải đi kèm với nghĩa vụ trung thực, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật và không gây tổn hại đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân khác.
Luật Tố cáo năm 2018 tại khoản 12, Điều 8 quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”
“Việc công bố clip gắn kèm thông tin chưa được kiểm chứng, trong khi cá nhân phát tán lại đang là người có dấu hiệu vi phạm hành chính, không chấp hành yêu cầu của lực lượng thi hành công vụ, không chỉ gây hiểu lầm trong dư luận mà còn tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ và hình ảnh lực lượng chức năng”, Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.
Hành vi của Lê Việt Hùng không thể gọi là “giám sát công quyền”, mà là lạm dụng quyền công dân gây ảnh hưởng xấu đến lực lượng cảnh sát giao thông. Cố tình không xuất trình giấy tờ, phát ngôn xúc phạm Cảnh sát giao thông, rồi tung clip cắt ghép để vu cáo lực lượng thi hành công vụ – đó là biểu hiện lệch chuẩn, gây hậu quả xấu cho xã hội, cần xử lý nghiêm để răn đe.