Vụ nghi vấn “pha loãng máu” ở Hà Tĩnh và kinh nghiệm xử lý thông tin

Thứ năm - 08/06/2017 22:14
(Hatinhnews) – Thời gian vừa qua, dư luận lại một phen “nổi sóng” vì nghi vấn vụ “pha loãng máu” tại BVĐK Hà Tĩnh. Mặc dù cơ quan chức năng đã kết luận thông tin “pha loãng máu” là không có cơ sở, song lại khẳng định những sai sót trong qui trình lấy máu, cấp máu. Qua sự việc này, thiết nghĩ cả hai phía, cơ quan chức năng và báo chí đều cần rút kinh nghiệm trong xử lý thông tin.

Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, nơi xẩy ra sự kiện nghi vấn “pha loãng máu” gây chấn động (nguồn internet)
“Công nghệ” biến “tin đồn” thành sự thật

Ban đầu, một số tờ báo chạy tin giật gân về việc bác sỹ khoa Xét nghiệm BVĐK Hà Tĩnh pha nước muối sinh lý với tỷ lệ 200 - 300% vào các bịch máu nhằm trục lợi, bất chấp hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe bệnh nhân, tất cả được đạo diễn bởi bác sỹ trưởng khoa H. Điều đáng nói là các báo này không dẫn nguồn tin, hay nói cách khác chỉ đưa tin theo dạng “tin đồn”, “nghe nói”. Và mặc dù lãnh đạo BVĐK Hà Tĩnh thông tin vấn đề đang được kiểm tra, chưa thể kết luận, nhưng các báo vẫn điềm nhiên đưa tin.

Mặc dù đang là tin đồn, nhưng sự kiện “pha loãng máu” đã gây chấn động dư luận trong nước. Nhiều báo đưa tin theo, rồi xuất hiện những lời bình luận chua chát về y đức như “Lương y pha máu cứu người…”, “Pha máu kiếm lời: y đức thành nước lã”, “Truyền máu pha nước muối sinh lý là chuyện quá chấn động”, “như một dạng…tiết canh”… Các nhà chuyên môn, “bình luận viên” và “bình loạn viên” đều vào cuộc.

Một “bình loạn viên” comment rất hùng hồn: “Một ngành y tế vô lương tâm!”. Và khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, một tờ báo vẫn chạy tít “Bác sĩ pha loãng máu bán cho bệnh nhân bị đình chỉ”. Nghĩa là chỉ trong khoảnh khắc, báo chí đã biến tin đồn thành sự thật.                  

Hình ảnh của những người mặc áo blu trắng, vốn dư luận đã dị nghị không ít, nay lại thêm một lần bị “bôi đen” nhem nhuốc. Tác động về mặt dư luận xã hội của thông tin “pha loãng máu” ở Hà Tĩnh quả là khôn lường.                         

Trong văn bản gửi báo chí, Ban Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh viết: “…chúng tôi mong muốn quý báo đặc biệt lưu tâm trong quá trình đưa tin…đây là vấn đề rất nhạy cảm nên khi chưa có kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra, kính mong quý báo không đưa tin một chiều hoặc theo dạng nghi vấn để tránh những dư luận không đáng có, cũng như gây ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý khám chữa bệnh của y bác sỹ trong bệnh viện”.

Nhưng đã muộn, vì báo đã đăng, thông tin đã lan truyền trên mạng, như tên đã rời khỏi dây cung, không thu lại được nữa! Và BVĐK Hà Tĩnh đã lâm vào tình thế “không đỡ nổi” với “búa rìu” dư luận.   

Kết luận thanh tra kiểu… “để ngỏ”?  

BVĐK Hà Tĩnh đã đình chỉ công tác của bác sỹ H., niêm phong các bịch máu để kiểm tra. Đoàn thanh tra phát hiện 4 túi máu bất thường, qua mắt thường thấy huyết cầu thấp hơn các túi máu khác; phát hiện số lượng máu nhân đạo nhóm A thiếu 4 đơn vị; không lưu danh sách người hiến máu tại khoa Xét nghiệm. Đoàn thanh tra cho rằng tại khoa Xét nghiệm có những sai phạm nghiêm trọng thuộc về trách nhiệm của bác sỹ trưởng khoa Trần Bích Hợp nhưng không có cơ sở để kết luận việc pha loãng máu như báo chí phản ánh.

Về 4 bịch máu “bất thường”, bác sỹ Trần Bích Hợp, Trưởng khoa Xét nghiệm khai là mua của một bác sỹ tên Thành ở Nghệ An; việc thiếu 4 đơn vị máu nhân đạo nhóm A, bác sỹ Hợp giải thích là do “vay” sử dụng cho bệnh nhân chưa kịp bù vào. Đoàn thanh tra dễ dàng chấp nhận các giải thích này, coi như đó là kết luận khiến dư luận hết sức băn khoăn.

Có thể nói đây là một trong những kết luận thanh tra gây nghi ngờ nhiều nhất. Tại sao một cơ quan chuyên môn của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh mà chỉ dựa vào mắt thường để nhận xét về tỷ lệ huyết cầu trong bịch máu, trong khi cái mà dư luận chờ đợi là những con số cụ thể, mức độ “loãng” với những thông số chi tiết mà với phương tiện hiện có, BVĐK Hà Tĩnh dễ dàng tìm ra “đáp án”.

Khi bác sỹ Hợp giải thích 4 đơn vị máu nói trên mua của một bác sỹ tên Thành ở Nghệ An, tại sao đoàn thanh tra không làm việc với bác sỹ này để làm rõ nguồn gốc của 4 bịch máu nói trên và làm rõ việc mua máu như vậy có tuân thủ đúng trình tự quy định của bệnh viện hay không. Cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về về chất lượng các bịch máu đó? Bác sỹ Hợp nói vay 4 bịch máu nhân đạo cho bệnh nhân thì phải làm rõ là cho bệnh nhân nào, ngày tháng điều trị, quy trình “vay” máu?                

Trong thông báo với báo chí, BVĐK Hà Tĩnh không nói rõ có điều tra tiếp về vụ việc để đi đến cùng sự thật hay không khiến dư luận đặt dấu hỏi về thái độ công tâm, khách quan, nghiêm túc của cơ quan này khi xử lý tiêu cực.

Đôi điều rút ra từ sự việc

Qua sự kiện “pha loãng máu”, thiết nghĩ, cả hai phía, báo chí và cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình điều tra, xử lý thông tin.  

Điều tối kỵ của báo chí là đưa tin theo dạng tin đồn, “nghe nói”, “hình như”, “người ta đồn rằng”…vì sẽ gây hoang mang dư luận và gây ảnh hưởng khôn lường về nhiều mặt. Đã có nhiều kinh nghiệm xương máu cho báo chí như tin “ăn bưởi có thể gây ung thư”, chỉ từ một thông tin thất thiệt trên báo nước ngoài đã làm cho hàng triệu nông dân Việt Nam khốn đốn. Đến khi “chờ được vạ thì má đã sưng”, cho dù thông tin đã được cải chính, nhưng hậu quả nghiêm trọng của thông tin thất thiệt vẫn còn dai dẳng.

Trước đây, có báo đưa tin phát hiện người trong clip sex “nghi giống” một nhân vật nổi tiếng. Sau đó, “kết quả điều tra” cho thấy, clip trên có nguồn gốc từ nước ngoài, và tờ báo nọ lại giật tít: “X (tên nhân vật) được “minh oan” (!). Thật chẳng khác gì “đem người đẩy xuống giếng khơi”.

Nhiều người đã thân bại danh liệt, nhiều doanh nghiệp “sập tiệm”, nhiều gia đình tan nát, nhiều người phải chết oan ức…vì những thông tin dạng “nghe nói, hình như” “giống như…” trên báo chí.      

Tác dụng “ngược” của dạng thông tin này là ngay cả uy tín của tờ báo, PV cũng bị ảnh hưởng. Một vài lần đưa tin theo kiểu tin đồn vô căn cứ, tự PV, tờ báo đã xếp mình vào danh sách “lá cải” trong suy nghĩ của bạn đọc. Cũng không ít tòa soạn đã phải đối mặt với những vụ kiện cáo triền miên mệt mỏi vì những thông tin thiếu kiểm chứng.

Bài học về xử lý, kiểm chứng thông tin của báo chí là không bao giờ cũ. Ngay cả những thông tin đã có nguồn tin cậy hẳn hoi (thông tin từ các điều tra viên của các vụ án) cũng chưa chắc đã chính xác 100%, để rồi khi dựa vào các thông tin đó mà không có điều kiện kiểm chứng, thì cả người cung cấp tin, người đưa tin đều phải gánh chịu hậu quả.

Đành rằng do áp lực của thông tin nhanh, “sốt dẻo” nên báo chí không thể quá thận trọng trong khâu xử lý thông tin. Nhưng thiết nghĩ, trước khi đưa tin, báo chí nên cố gắng kiểm chứng ở mức tối đa, và trong một số trường hợp, chúng tôi cho rằng nên chấp nhận hi sinh những thông tin dạng “nhạy cảm” để bảo đảm an toàn. Khái niệm “an toàn” ở đây nên hiểu là đối với dư luận xã hội, đối tượng bị phản ánh và cả cơ quan báo chí. Ở đây là sự lựa chọn một trong hai khả năng “nhanh mà đoảng” và “chậm mà chắc”.   

Đối với BVĐK Hà Tĩnh, cách xử lý của cơ quan này khiến chúng tôi liên tưởng đến việc điều trị của bác sỹ, chỉ tìm cách che lấp triệu chứng bề ngoài mà không điều trị gốc bệnh.

Dù người không có kiến thức chuyên môn về y học cũng dễ dàng nhận ra tính chất thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc của đoàn thanh tra BVĐK Hà Tĩnh. Dân “ngoại đạo” đều nhận ra là kết luận thanh tra không khách quan và sơ sài, còn quá nhiều điểm “mờ”, khoảng trống. Vì vậy, điều gì còn “khuất lấp” phía sau kết luận thanh tra này đang là một câu hỏi lớn cần được giải đáp.

Thiết nghĩ, từ sự việc, cần đào tạo kĩ năng ứng xử với sai lầm, khuyết điểm cho đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay. Bởi vì nếu ứng xử không đúng, từ sai lầm này sẽ nảy sinh sai lầm khác, thậm chí sai lầm sau còn nghiêm trọng hơn sai lầm trước. Là con người hay bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng có thể mắc sai lầm, và cách ứng xử với sai lầm thể hiện bản lĩnh, phong cách hay “đẳng cấp” của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.     

Dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, đó là cách ứng xử văn minh, cao thượng, được mọi người chia sẻ, đồng tình vì chỉ có như vậy, con người, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn.

Dư luận vẫn đang chờ đợi kết luận điều tra khách quan, minh bạch, sòng phẳng từ BVĐK Hà Tĩnh.
Theo tamnhin.net

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây