Vào ngày 23/5/2012, Võ Trọng Khiêm (SN 1987, quê thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, Bình Thuận), gọi điện thoại cho người yêu là Nguyễn Thị Kim Bảo (SN 1989, cùng quê với Khiêm) đi chơi. Khi đến điểm hẹn, đôi tình nhân này “dông” thẳng một mạch lên Đồng Nai thuê một nhà trọ để “yêu” nhau. Sau khi vui chơi xong, nhìn vào trong túi chỉ còn ít tiền, Khiêm nói với Bảo rằng nếu ít tiền quá thì không thể ở lại chơi lâu được, nên phải kiếm tiền. Bảo nói, cách kiếm tiền đơn giản nhất là đi ăn trộm.
Được sự “động viên” của người tình, Bảo đồng ý làm kẻ cảnh giới. Cả hai ngồi nghĩ mãi không biết nên ăn trộm cái gì để vừa an toàn vừa được nhiều tiền. Bàn đi tính lại mãi Khiêm chợt nhớ ra, ở những nơi trang nghiêm như nhà thờ và chùa chiền thường có thùng tiền công đức.
Các đối tượng trong vụ án
Rất háo hức với kế hoạch của mình, sáng hôm sau đôi tình nhân này trả nhà nghỉ và đi đến nhà thờ của giáo xứ Lai Ổn, ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai.
Khoảng 9h ngày 25/5/2012, quan sát thấy nhà thờ vắng vẻ, Khiêm đi mua một miếng sắt mỏng và băng keo về làm phương tiện gây án. Khi mua được hai thứ đó về, Khiêm lấy một sợi dây dán băng keo vào hai bên mặt của miếng sắt rồi buộc vào sợi dây. Bảo ngồi ngoài cảnh giới, còn Khiêm thả miếng sắt vào như kiểu người ta câu cá, mỗi lần bỏ miếng sắt vào thùng tiền công đức là Khiêm lấy được hai tờ tiền ra. Vì tiền công đức phần nhiều là tiền lẻ, nên ngồi suốt một ngày mà Khiêm “câu” chỉ được hơn 6 triệu đồng.
Những người dân xung quanh đó thấy đôi tình nhân này đứng trước nhà thờ lâu nên gọi người canh nhà thờ ra và bắt quả tang Khiêm và Bảo đang trộm tiền nên bắt hai người giao nộp cho công an.
Tại công an điều tra, đôi tình nhân này tỏ ra rất hối hận, Bảo khóc như mưa. Bảo nói chỉ muốn kiếm một ít tiền tiêu thôi, ai ngờ bị bắt ngay từ buổi đầu “hành nghề”. Hiện vụ việc đang được công an huyện Trạng Bom điều tra.
Trả giá vì phút dại dột
Kim Bảo không ngừng nghẹn ngào khi nói về mình. Bảo kể Bảo sinh ra trong một gia đình có 10 anh em. Ở Bình Thuận người dân ở đó đa phần là làm rẫy. Từ nhỏ Bảo đã phải theo ba mẹ rong ruổi trên những ngọn núi cao ngất để đi làm, dù cuộc sống vất vả nhưng ba mẹ Bảo cũng muốn cho cô con gái bé bỏng của mình được bằng bạn bằng bè. Mấy anh chị của Bảo đều đã nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng Bảo được ba mẹ cho học đến lớp 12.
Những ngày tháng ở quê dù vất vả nhưng Bảo thấy rất vui, Bảo nói rằng ba mẹ chưa bao giờ bắt cô phải nghỉ học vì kinh tế cả. Thấy cuộc sống của người dân quê lam lũ quá, nên ba mẹ Bảo muốn con gái mình lớn lên được ăn học để thoát cảnh nghèo. Nhưng Bảo đã không thực hiện được ước mơ của ba mẹ khi học lực của cô chỉ ở mức trung bình. Rồi ba Bảo mất, để lại cho người vợ tảo tần 10 đứa con. Bảo nói mẹ cô suốt ngày chỉ biết lên rẫy mà chưa một ngày được nghỉ ngơi, vì thương mẹ nên anh em Bảo ai cũng ngoan ngoãn, siêng năng, hay lam hay làm để phụ mẹ lo cái ăn cái mặc.
Bảo và Khiêm cùng lớn lên trong một xã, Bảo ở thôn 2 còn Khiêm ở thôn 3. Nói là khác thôn nhưng nhà rất gần nhau, từ nhỏ Khiêm đã mê cô bé Bảo, không phải vì xinh đẹp mà vì Bảo có duyên. Tình yêu của hai người có lẽ sẽ đơm hoa kết trái nếu được sự đồng thuận của nhà Khiêm, nhưng ba mẹ Khiêm không đồng ý cho hai người đến với nhau. Trước áp lực của gia đình, Khiêm đành nghe lời ba mẹ mà đi lấy người khác. Ngày Khiêm cưới vợ, Bảo đã khóc hết nước mắt, nhưng không thể làm gì hơn, vì gia đình Khiêm rất cương quyết. Bảo khi đó cũng hận Khiêm, vì Khiêm đã không vượt qua được mọi thứ để đến với cô. Cũng vì hận tình, nên sau đó Bảo không muốn đến với bất cứ người con trai nào nữa, bởi theo Bảo thì đàn ông không đáng được cô tin. Sau mối tình đầu cay đắng, Bảo không cho phép mình được rung động với ai. Cô thường nhốt mình trong những suy nghĩ tiêu cực, và cuộc đời với cô là không còn gì để mất.
Khiêm lấy vợ rồi sinh con, cuộc sống vợ chồng không có tình yêu nên nhanh chóng chán nhau. Những lần Khiêm chán vợ, Khiêm đều điện thoại tìm cách đến với Bảo. Lần đầu khi Khiêm gọi điện thoại sau ngày cưới, Bảo không thèm nghe, bởi cô còn rất giận kẻ phụ tình, nhưng trái tim người con gái vốn rất mong manh, ranh giới giữa sự yêu thương và hận thù chỉ như một làn khói mỏng, nên Bảo đã xiêu lòng trước những lời ngọt ngào của người tình cũ. Từ đó, Khiêm thường lén lút hẹn hò Bảo đi nhà nghỉ. Chuyện này không biết vợ Khiêm và gia đình Bảo có biết không, nhưng có lẽ vì chưa bắt được quả tang nên mọi người chưa có ý kiến gì. Để phục vụ cho những chuyến đi chơi, Khiêm thường lấy tiền từ gia đình. Vợ chồng Khiêm cũng không giàu có nên nhiều khi muốn hẹn người tình vào nhà nghỉ nhưng Khiêm hết tiền nên đành thôi.
Bảo kể, trước hôm bị bắt, hai người rủ nhau đi chơi như bình thường, không có ý định ăn trộm. Nhưng khi chơi được một hôm thì đã lỡ tiêu hết nhiều tiền, đôi tình nhân muốn ở với nhau lâu hơn nên mới nghĩ ra trò ăn trộm, không ngờ lại bị bắt.
Giờ ngồi trong trại giam, Bảo nói cô sợ hãi và lo lắng đến không ngủ được. Bảo biết bây giờ ở nhà mẹ cô đang rất giận cô, và hàng xóm biết chuyện đã ầm ĩ cả lên rồi. Bảo lo sau khi được ra chắc cô dám về quê sống, đã mang tội ăn trộm còn mang thêm tiếng cướp chồng người.
Nhiều đêm Bảo cứ nghĩ về mẹ và khóc, bởi cô biết hơn ai hết mẹ là người thương yêu lo lắng cho cô nhất. Từ nhỏ mẹ cô đã vất vả, lấy chồng rồi sinh liền 10 đứa con, không một giây phút được nghỉ ngơi, bây giờ đến khi con khôn lớn đã không được nhờ lại còn mang tiếng xấu vì con.
Về phần Khiêm, không những hối hận vì đã đi ăn trộm, mà còn day dứt vì đã đưa Bảo vào con đường tù tội. Từ hôm Khiêm vào đây, công an báo cho gia đình nhưng không ai vào thăm. Khiêm không sợ vợ y sẽ giận, bởi tình yêu Khiêm đã dành hết cho Bảo rồi, nhưng vẫn thương ba mẹ, và đứa con còn nhỏ dại của mình, giờ nó sẽ không có ba chăm sóc. Sau này nếu lớn lên nó mà nghe được ba nó vì dan díu với người đàn bà khác, đã phải đi ăn trộm thì có lẽ Khiêm không còn mặt mũi nào mà nói chuyện với con trai mình.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn