Sau 12 ngày xét xử và nghị án, sáng 30-10, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên trước đó trong vụ án tại Công ty CP VN Pharma.
Có dấu hiệu "Buôn bán hàng giả"
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm mà TAND TP HCM đã xử phạt đối với các bị cáo về tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" là chưa toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, gây dư luận bất bình trong nhân dân.
Theo cấp phúc thẩm, để nhập khẩu được lô thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Bộ Y tế Canada được hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.
Ngoài ra, các bị cáo còn tự viết bảng hướng dẫn sử dụng thuốc để đưa vào hồ sơ và cho vào từng hộp thuốc. Nhãn mác lưu hành tại Việt Nam là do Phòng Nghiên cứu phát triển VN Pharma tự thiết kế; làm giả hóa đơn thương mại; giả giấy chứng nhận kiểm nghiệm xuất xưởng lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet mang tên Helix Canada.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy các giấy tờ này đều là giả. Ngoài ra, xác minh mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet thì Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Công Thương xác định mã số, mã vạch không được đăng ký bởi một quốc gia nào trên toàn cầu.
Từ những chứng cứ thu thập được đã xác định ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chỉ định trước tiền hoa hồng cho các bác sĩ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính.
Có cơ sở xác định lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm. Ý chí của các bị cáo đã phạm tội "Buôn bán hàng giả" bởi buôn bán tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người, làm giả bao bì, nhãn hiệu thuốc. Ngoài ra, các bị cáo đều biết sử dụng giấy tờ giả, con dấu giả làm hồ sơ để Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho phép nhập khẩu thuốc đã có dấu hiệu của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" nhưng chỉ xử tội "Buôn lậu" là chưa đúng.
Các bị cáo còn lại trong vụ án mặc dù biết cấp trên làm giả hồ sơ, con dấu để nhập khẩu thuốc không rõ nguồn gốc vào Việt Nam bán cho người bệnh ung thư nhưng vẫn tiếp tay. Như vậy, việc tòa sơ thẩm chỉ xử các bị cáo tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" là bỏ lọt tội phạm.
Ông Phan Xuân Thiện, Phó Tổng Giám đốc VN Pharma, là người giới thiệu cho Hoàng Trúc Vy (nhân viên VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Đông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc. Ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và con dấu của Công ty Helix Canada là giả nhưng vẫn để mặc cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng và cấp dưới thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc là có dấu hiệu che giấu, không tố giác tội phạm…
Lãnh đạo Cục Quản lý dược tắc trách
Theo HĐXX, sở dĩ để xảy ra những sai phạm tại Công ty VN Pharma là do sự tắc trách của Cục Quản lý dược. Cụ thể, lãnh đạo Cục Quản lý dược chỉ căn cứ trên hồ sơ mà các bị cáo nộp lên để duyệt cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet và 7 lô thuốc khác. Khi các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet thì Cục Quản lý dược mới rút phép 7 lô thuốc còn lại.
Chính ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, đã thừa nhận rằng trước khi cấp phép thì hội đồng thẩm định phải truy xuất nguồn gốc thuốc. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc thuốc không được hội đồng thẩm định thực hiện mà còn để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thẩm định. Cụ thể, có 3 chuyên gia không tham gia giám định nhưng vẫn có tên trong danh sách; các chuyên gia không ký tên, không ý kiến; biên bản giám định không ghi ngày tháng năm nhưng vẫn được thông qua để cấp phép là sai phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, Võ Mạnh Cường đã trưng ra giấy chứng nhận hoạt động tại Việt Nam của Công ty Helix Canada do Cục trưởng Cục Quản lý dược ký. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao đã có công văn trả lời công ty này là không có thật. Để làm rõ tính khách quan, cần xác định Công ty Helix Canada là công ty nào và đại diện ủy quyền tại Việt Nam ra sao, từ đó mới có biện pháp xử lý trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho doanh nghiệp này hoạt động tại Việt Nam.
Làm rõ chi hoa hồng cho ai
Theo HĐXX, về số tiền 7,5 tỉ đồng, ban đầu các bị cáo thừa nhận chi cho bác sĩ nhưng tại phiên phúc thẩm lại khai là chi cho hoạt động bán hàng. Theo các bị cáo, họ đã chi cho trình dược viên nhưng trình dược viên lại khai với công an là chi cho bác sĩ. Vậy chi cho bác sĩ là chi cho ai, tại bệnh viện nào thì cũng cần làm rõ.
Ngoài ra, số tiền 7,5 tỉ đồng và 10.000 USD (chi cho đối tác Hồng Kông) là tang vật vụ án nhưng tòa sơ thẩm không tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước là thiếu sót nghiêm trọng trong công tác xét xử.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn