Sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình: Hướng “mở” nào cho người đồng giới? (27/03/2014)

Thứ sáu - 09/06/2017 07:59
Sáng 26-3 tại Hà Nội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Isee) đã công bố điều tra quốc gia về "Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới”. Đây là cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện với 5.300 người dân thuộc 8 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Một đám cưới của cặp đồng tính nữ
Ảnh: T.L

Kết quả khảo sát cho thấy 90% người dân biết về đồng tính, 62% biết việc sống chung như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính. Trong số đó có khoảng 33,7% người được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.

PGS.TS. Đặng Nguyên An - Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết: Khi được hỏi về một số quyền cụ thể mà các cặp đôi cùng giới nên được pháp luật bảo vệ thì có tới 56% người dân cho rằng cặp đôi cùng giới nên có quyền công nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản. Các quyền này này nên được đề cập đến trong Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) phù hợp với quan điểm của đa số người dân. 

Tháng 5-2014 tới, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Dự thảo Luật HN&GĐ sửa đổi. Quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính vẫn đang là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các nhà làm luật lẫn xã hội. Đáng chú ý, nó không chỉ dừng lại ở Luật HN&GĐ mà còn được thảo luận tại dự thảo sửa đổi Luật Hộ tịch…

Trong dự thảo gần nhất của Luật HN&GĐ, nhiều ý kiến tán thành việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành và cân nhắc đưa quy định "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” sang điều kiện kết hôn. Tuy nhiên, quy định về việc chung sống giữa hai người cùng giới tại Điều 16 đang là điểm còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến đề nghị không quy định giải quyết hệ quả của việc chung sống giữa người cùng giới tính nữa vì quan hệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HN&GĐ. 

Vấn đề đồng giới không chỉ dừng lại ở Luật HN&GĐ mà hiện nay được đặt ra tại dự thảo sửa đổi  Luật Hộ tịch…Phản ánh của người trong cuộc cho thấy, họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do không được thay đổi giới tính trên giấy tờ hộ tịch sau khi phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp), hiện pháp luật Việt Nam chưa qui định hay công nhận việc chuyển giới bằng phẫu thuật mà chỉ qui định về xác định lại giới tính đối với những trường hợp khi sinh ra có sự xác định nhầm giới tính tự nhiên của cá nhân. Đối với việc xác định lại hộ tịch (giới tính) thì khi có quyết định xác định giới tính của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ làm thủ tục điều chỉnh lại thông tin giới tính của cá nhân trong dữ liệu hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch chỉ qui định thay đổi hộ tịch liên quan đến giới tính của người chuyển giới khi Nhà nước thừa nhận trong các luật nội dung về quyền chuyển đổi giới tính của người dân.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh đề xuất, Luật HN&GĐ nên bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới trong điều khoản liên quan đến điều kiện kết hôn; có thể chưa hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới nhưng nên hợp pháp hóa hình thức sống chung như vợ chồng của những người cùng giới tính. Về lâu dài, Nhà nước nên đưa ra vào luật chống mọi hình thức phân biệt đối xử, trong đó có phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới.

Theo ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường: "Kết quả điều tra này rất đáng để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi thảo luận và thông qua Luật HN&GĐ (sửa đổi) vào tháng 5-2014. Dự thảo luật nên được xem xét điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của đa số người dân, nhu cầu thực tế của người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng như tiếp cận dần đến nguyên tắc bình đẳng trong luật pháp Việt Nam”.

Nguồn Lê Bảo (Đại đoàn kết)


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây