Người bị bệnh trầm cảm có được miễn trách nhiệm hình sự không?

Thứ năm - 03/05/2018 12:24
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thanh niên cầm gậy golf đánh CSGT có bệnh án trầm cảm - Ảnh minh họa.

Trách nhiệm hình sự là điều kiện quan trọng và cần thiết để xác định một người có lỗi hay không khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Chỉ khi có năng lực trách nhiệm hình sự thì mới có thể là chủ thể của tội phạm. Một người với tâm sinh lý phát triển bình thường, khi đạt độ tuổi nhất định sẽ có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp do mắc các bệnh tâm thần nên năng lực này có thể bị hạn chế. Và người trong tình trạng như vậy được coi là người không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 13 Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:

"1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo đó, trong trường hợp người mắc bênh trầm cảm khi phạm tội sẽ được đưa đi giám định tâm thần. Nếu kết quả của Hội đồng giám định pháp y cho thấy người bị trầm cảm bị mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi tại thời điểm trước khi gây án, trong và sau khi gây án thì Tòa án hoặc Viện kiểm sát sẽ ra quyết định đưa người đó vào cơ sở điều trị để bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Hình sự 1999:

"1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khỏan 1 Điều 13 của Bộ luật này, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt.”

Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt.

Còn trong trường hợp kết quả giám định pháp y cho thấy tuy bị trầm cảm nhưng không đên mức độ mất khả năng nhận thức mà chỉ bị hạn chế khả năng này thì đây sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ tội. (Điểm n - Khoản 1 - Điều 46 - Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009):

"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;”

Như vậy có thể thấy, không phải mọi trường hợp có tiền sử bị bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chỉ những người mắc bệnh tâm thần (điều kiện về bệnh lý) đến mức mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình (điều kiện về tâm lý) khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được coi là thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó kết quả giám định pháp y tâm thần sẽ là yếu tố quan trọng để xác định người bị trầm cảm khi phạm tội giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây