|
Đại diện Cục Hải quang Quảng Bình làm việc với PV
|
9h sáng ngày 15/5, PV Tamnhin.net đến liên hệ làm việc với Cục Hải quan Quảng Bình qua Văn phòng "Một cửa". Khi chúng tôi xuất trình thẻ người phụ trách yêu cầu phải có giấy giới thiệu kèm theo nội dung làm việc. Sau khi xuất trình đầy đủ giấy tờ mà người này yêu cầu cộng với việc ghi nội dung làm việc vào một tờ giấy để trình lãnh đạo, PV được mời vào phòng khách chờ đợi.
Hơn 30 phút sau một người đến giới thiệu tên là Hoàng Ngọc Lâm (phòng Nghiệp vụ), khi PV nhắc lại nội dung cần được trao đổi, ông Lâm đưa ra một tờ giấy và yêu cầu phóng viên viết lại nội dung. Trước khi rời phòng ông dặn "các anh ngồi chờ một tí để tôi đi trình lãnh đạo".
Đến khoảng 11h 15 phút ông Lâm quay lại phòng khách thông báo "Hiện giờ lãnh đạo bận không thể gặp được, 9h sáng ngày mai (16/5) mời các anh đến làm việc".
9h sáng 16/5, chúng tôi có mặt tại Cục Hải quan Quảng Bình.
Lãnh đạo Cục phân công bà Hoàng Nam Hương, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ phát ngôn, cùng dự có ông Phạm Văn Hùng, Chánh văn phòng và ông Hoàng Ngọc Lâm (phòng Nghiệp vụ).
Bà Hương nói: “Chúng tôi đã thực hiện đúng theo Thông tư 157, cụ thể là theo Phụ lục I Biểu thuế xuất khẩu, mã HS của mặt hàng gỗ dăm thuộc vào nhóm 4404, thuế suất là 5%. Và chúng tôi cũng đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan về việc này”.
Gỗ dăm chất cao như núi tại Công ty Cát Phú vì mức thuế 5% mà Hải Hải quan Quảng Bình đang áp dụng. Trước tình trạng này nhiều DN đã phải "cắn răng" bỏ thêm kinh phí vận chuyển để đưa hàng sang Hà Tĩnh (cách gần 40km) bán. | Bà Hoàng Nam Hương: "Việc đó tôi không biết, chúng tôi chỉ làm theo quy định". |
- Thưa bà, như bà khẳng định là đã thực hiện đúng quy định, tại sao lại phải xin ý kiến Tổng cục?
Bà HNH: - Là do doanh nghiệp có ý kiến, chúng tôi không đủ thẩm quyền trả lời.
- Hiện trên cả nước chưa có địa phương nào áp dụng mức thuế 5% đối với gỗ dăm xuất khẩu, sao Quảng Bình lại áp dụng?
Bà HNH: - Đó là do cách hiểu khác nhau. Các tỉnh khác tôi không biết, còn chúng tôi đã thực hiện theo thông tư.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hùng - Chánh văn phòng, ngắt lời là Hương, đính chính: “Không phải cách hiểu khác nhau mà là do Quảng Bình thực hiện trước”.
- Vậy, từ khi hải quan Quảng Bình cho áp thuế 5% đối với mặt hàng gỗ dăm xuất khẩu, đã có doanh nghiệp nào nộp thuế chưa, thưa bà?
Bà HNH: - Chưa có doanh nghiệp nào mở tờ khai.
- Trên thực tế tỉnh Quảng Bình vẫn không thu được thuế từ việc áp dụng này, doanh nghiệp lại mất thêm chi phí vận chuyển hàng hóa đến tỉnh khác để xuất khẩu, bà có thấy lãng phí rất lớn không?
Bà HNH: - Việc đó tôi không biết, chúng tôi chỉ làm theo quy định.
Trong khi đại diện Hải quan Quảng Bình khẳng định làm đúng quy định, thì tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và nhiều tỉnh thành trong cả nước, mặt hàng gỗ dăm xuất khẩu vẫn cứ xuống tàu với thuế suất là 0%.
Ông Nguyễn Tiến Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vũng Áng, cho biết: Mặt hàng gỗ dăm trước đây thuộc nhóm 4401, có thuế suất bằng 0. Thông tư 157 ra đời thì nó lại có hai mã 4401 và 4404, gây rất nhiều khó khăn có cả doanh nghiệp và hải quan. Vì thế chúng tôi đã có văn bản đề nghị Cục hải quan Hà Tĩnh xin ý kiến của tổng cục.
Từng đoàn xe chở dăm gỗ từ Quảng Bình ra cảng Vũng Áng để nhập hàng (Ảnh chụp vào chiều ngày 19/5) |
Trong lúc chờ trả lời, chúng tôi vẫn thực hiện như cũ, áp mức thuế 0%. “Nếu áp thuế 5% thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tạm ngưng xuất khẩu, như vậy thì ảnh hưởng rất lớn cho họ, một ngày là hàng trăm triệu đồng bến bãi, chưa kể lãi suất, tiền phạt…” – ông Sơn nhấn mạnh.
Trước đó vào ngày 15/5, trao đổi với PV ông Trần Quốc Học - Đội trưởng đội Nghiệp vị Chi cục Hải quan cửa khẩu Hòn La cho biết: Sở dĩ chúng tôi làm như vậy là do cấp trên chỉ đạo. Ông Học cũng khẳng định những nơi đang áp dụng thuế suất xuất khẩu cho mặt hàng dăm gỗ theo mã 4401 (0%) là sai với tinh thần của nội dung Thông tư 157.
Chiều ngày 19/5, khi PV có mặt tại Khu kinh tế cảng Vũng Áng đã chứng kiến cảnh hàng loạt xe chở dăm gỗ mang BKS từ tỉnh Quảng Bình nối đuôi nhau đậu chật cứng tại tại các điểm thu để nhập hàng.
Một chủ hàng phản ánh: Là hai tỉnh giáp ranh nhưng Quảng Bình áp thuế cho dăm gỗ là 5% trong khí đó Hà Tĩnh lại chỉ áp 0%, vậy thì dại gì mà doanh nghiệp chúng tôi lại không đưa ra đây chứ xuất trong đó có mà chết à.
Theo Tamnhin.net