|
Ông Nguyễn Kiên Quyết thừa nhận đã sai khi nhận tiền của người lao động (Ảnh: nguồn Internet) |
Làm việc với
Tamnhin.net, ông Nguyễn Kiên Quyết thừa nhận sự việc báo nêu lên là đúng. Ông giải thích: “Một số lao động không thể bay được là không phải lỗi do tôi mà do thị trường ở châu Âu tạm thời đóng cửa.
Đáng lẽ ra khi không có lịch bay thì phía công ty nên trả lại số tiền 7.500 USD cho người lao động mà chỉ giữ lại số tiền 2.000USD đặt cọc. Tôi cũng có lỗi là đã tự đứng ra viết giấy biên nhận tiền và viết giấy hẹn trả tiền”.
Về vai trò của Phòng LĐTB&XH huyện Kỳ Anh trong việc xuất khẩu lao động, ông Quyết nói: “Việc này không phải do phòng LĐTB&XH huyện tổ chức mà là các đơn vị, công ty được phép nhận người đi xuất khẩu LĐ về đây trao đổi với tôi với tư cách là cá nhân.
Tôi thừa nhận thiếu sót khi tự mình đứng ra nhận bảo lãnh và viết giấy biên nhận tiền của các LĐ. Cũng là do họ biết tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và đấy phần lớn là người quen, con cháu cả nên tôi cả nể giới thiệu?”.
Giấy biên nhận của ông Nguyễn Kiên Quyết có nội dung đã nhận 9.500 USD từ ông Dinh để lo thủ tục XKLĐ cho con trai ông là Sơn. Tuy nhiên, theo thông báo của Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế Việt, người lao động chỉ phải nộp số tiền 2.000 USD, trực tiếp nộp cho Công ty. |
Ông Quyết cho biết trong sự việc này liên quan đến trách nhiệm của ông, nên ông sẽ liên hệ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để hoàn trả lại tiền cho người dân trong thời gian tới.
Mặc dù nói là người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực XKLĐ, song ông Nguyễn Kiên Quyết tỏ ra khá “sơ hở” và “non” trong việc trực tiếp nhận tiền của người lao động.
Đúng ra ông chỉ giúp trong việc giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, rồi hướng dẫn người lao động (hoặc người nhà) trực tiếp làm việc với DN. Sau này có gì phát sinh thì hai bên làm việc với nhau theo các điều khoản hợp đồng.
Khi không lo được việc, ông Quyết có hẹn đến ngày 28-29/6/2012 sẽ trả lại tiền nhưng đến hẹn ông Quyết vẫn không thực hiện lời hứa. |
Không hiểu sao ông lại tự “mua” lấy vất vả và lôi thôi khi cầm tiền của dân, trong khi mọi thủ tục xuất khẩu lao động hiện nay đều dễ dàng, thông thoáng? Liệu đằng sau sự “nhiệt tình” này là gì, nếu không phải vì một lợi ích nào khác?
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lê Trọng Bính - Bí thư huyện ủy huyện Kỳ Anh cho biết hiện ông đang đi công tác nên chưa nắm được sự việc.
Tuy nhiên, ông Bính hứa sẽ cho kiểm tra sự việc và sẽ thông tin lại với báo chí khi có kết quả.
Sự việc này cũng là bài học sâu sắc cho người dân trong khi xuất khẩu lao động, hãy trực tiếp làm việc với DN, không thông quan bất cứ khâu trung gian nào, kẻo rồi chuốc lấy những rắc rối không đáng có.
Trong quá trình thực hiện bài viết này PV
Tamnhin.net nhận được nhiều thông tin từ người dân huyện Kỳ Anh phản ánh, ông Nguyễn Kiên Quyết đã mắc khá nhiều sai phạm trong quá trình công tác tại trị trấn Kỳ Anh và UBND huyện Kỳ Anh.
Tamnhin.net xin cảm ơn bạn đọc và sẽ tiến hành xác minh lại những thông tin này.
Theo tamnhin.net