Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh chỉ rõ, từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2012, Thân Thị Thủy, sinh năm 1987, trú tại khối 6, phường Bắc Hà- TP Hà Tĩnh đã nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để mượn tiền, mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người thân, quen rồi dùng thủ đoạn làm hợp đồng chuyển nhượng cho người khác để chiếm đoạt tiền về sử dụng vào việc trả nợ và các mục đích cá nhân.
Cụ thể, Thuỷ đã lừa và chiếm đoạt 8,672 tỷ đồng của 5 người, gồm: Bà Nguyễn Thị Nhị ở phường Bắc Hà: 1,3 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Sáu ở phường Bắc Hà: 272 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Trần Phú: 1 tỷ đồng; anh Trần Tiến Sỹ ở TX Hồng Lĩnh: 200 triệu đồng và chị Nguyễn Thị Tuyết ở phường Nam Hà: 5,9 tỷ đồng.
Là người bị Thủy chiếm đoạt nhiều tiền nhất, chị Nguyễn Thị Tuyết đã 4 lần đưa tiền cho Thủy để mua nhà đất theo các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có hợp đồng ủy quyền hợp pháp đã được văn phòng công chứng Hòa Bình (TP Hà Tĩnh) chứng nhận giá trị pháp lý, với tổng số tiền giao dịch là 4,4 tỷ đồng. Riêng lần thứ 5, Thủy trực tiếp chuyển nhượng nhà và đất của vợ chồng Thủy cho chị Tuyết, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Lần này, khi thuê người làm “sổ đỏ” giả để chuyển nhượng nhà đất cho một người khác, sau đó lại dùng “sổ đỏ” thật, để chuyển nhượng nhà đất cho chị Tuyết.
Trực tiếp, giữa tháng 2/2012, Thủy đã thuê Trần Xuân Hùng làm 02 “sổ đỏ” giả, trong đó có “sổ đỏ” giả nhà đất mang tên vợ chồng Thủy. Ngày 25/2/2012, Thủy đã dùng “sổ đỏ” giả này thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng Lê Viết Thảo- Lê Thị Thu Huyền với giá 2,530 tỷ đồng, trong lúc “sổ đỏ” thật đang được thế chấp tại ngân hàng. Sau khi có tiền từ hành vi làm giả “sổ đỏ” để chuyển nhượng nhà đất, Thủy lên ngân hàng trả nợ, rút “sổ đỏ” thật về. Ngày 07/3/2012, Thủy đã dùng “sổ đỏ” thật này làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất nói trên cho chị Tuyết với giá 1,5 tỷ đồng. Chỉ đến khi vợ chồng Thảo- Huyền dùng “sổ đỏ” giả đi làm thủ tục “sang tên, đổi chủ” thì mới bị cán bộ có thẩm quyền phát giác là giả, báo cơ quan điều tra vào cuộc. Từ đây, hành vi lừa đảo của Thân Thị Tuyết bị phanh phui và bị Tòa án tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 14 năm tù giam.
Có bỏ lọt tội phạm?
Hồ sơ vụ án phản ánh, ngay từ ban đầu Cơ quan điều tra đã căn cứ vào hành vi sử dụng “sổ đỏ” giả của Thân Thị Thủy để khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và khởi tố bị can Thân Thị Thủy về hành vi lừa đảo. Trực tiếp Thủy đã khai nhận vào tháng 2/2012 đã thuê Trần Xuân Hùng ở khối 3, thị trấn Nghèn (Can Lộc- Hà Tĩnh) làm giả 02 “sổ đỏ”, trong đó có 01 “sổ đỏ” giả mang tên Ngô Phúc Thành và Thân Thị Thủy trùng với “sổ đỏ” thật mà vợ chồng Thủy đang cầm cố ở ngân hàng. Thủy đã sử dụng sổ đỏ giả này để lừa bán nhà và đất cho vợ chồng Thảo- Huyền.
Với hành vi nhận 7 triệu đồng của Thủy để nhờ người làm giả “sổ đỏ” như CQĐT đã xác định (Theo lời khai của Thủy, thì số tiền thuê Hùng làm 02 “sổ đỏ” giả là 30 triệu đồng), Trần Xuân Hùng đã có đủ căn cứ để bị khởi tố về tội làm giấy tờ giả, tuy nhiên các bước tố tụng đều xác định chưa đủ cơ sở để kết luận Hùng làm giấy tờ giả?
Các cơ quan tố tụng cũng xác định Nguyễn Văn Hải, trú tại khối 4 phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) là người đã 3 lần trực tiếp đến nhà chị Tuyết để ký thay chồng của Thân Thị Thủy vào các giấy vay tiền, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất… Hải đã trực tiếp giúp Thủy tạo niềm tin với gia đình chị Tuyết là hợp đồng, giao dịch hợp pháp, vậy nhưng các cơ quan tố tụng cũng khẳng định chưa có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với Hải?
Mặt khác, một vấn đề mấu chốt quan trọng của vụ án này, là từ đầu CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Thân Thị Thủy về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của vợ chồng anh chị Thảo- Huyền nhưng sau đó lại bỏ lửng không xem xét. Vậy lý do vì sao không xem xét? Khi mà tội phạm đã hoàn thành một cách rõ nét? Sau đó lại miễn truy cứu Thân Thị Thủy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác mà không có QĐ thay đổi hoặc bổ sung QĐ khởi tố vụ án hình sự, QĐ khởi tố bị can?
Có tạo ra tiền lệ xấu?
Tại phiên tòa, chị Tuyết đã khẳng định: Các giao dịch dân sự giữa vợ chồng chị với Thân Thị Thủy đều thông qua hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hợp pháp, bên ủy quyền có năng lực hành vi dân sự và hoàn toàn tự nguyện giao tài sản cho Thủy để thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
“Những người đã ủy quyền cho Thân Thị Thủy định đoạt tài sản đều được hưởng lợi và thậm chí có sự cấu kết với Thủy, cùng chung vốn làm ăn với Thủy trong việc cho vay lấy lãi… Trực tiếp những người này đã tự nguyện viết giấy cam kết xin gia hạn với tôi”- Chị Tuyết nhấn mạnh.
Theo chị Tuyết thì vợ chồng chị chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không thể xác định là bị hại trong các giao dịch dân sự về nhà, đất giữa vợ chồng chị với Thân Thị Thủy như Tòa án tỉnh Hà Tĩnh đã xác định.
Nói rõ hơn về việc này, Luật sư Đinh Thị Phượng, người bảo vệ quyền lợi cho chị Tuyết phân tích: Có 4 hợp đồng chuyển nhượng thông qua 4 hợp đồng ủy quyền, với số tiền 4,4 tỷ đồng liên quan đến quyền sử dụng đất của bà Sáu, anh Hoàng, ông Hải và ông Việt, cả 04 giao dịch này đều hoàn toàn tự nguyện, không ai bị lừa dối, ép buộc và đều ký trước mặt công chứng viên.
“Đối chiếu phạm vi ủy quyền quy định tại điều 2 của các hợp đồng, thì bên B (chị Thủy) được toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất của bên A (những người đã ký giấy ủy quyền), trong đó có quyền cho thuê, mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… ”- Luật sư Phượng nhấn mạnh.
Khẳng định chị Tuyết không phải là bị hại như các cơ quan tố tụng đã xác định, Luật sự Phượng còn nhấn mạnh việc Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của Thân Thị Thủy cho chị Tuyết bằng “sổ đỏ” thật, có hợp đồng công chứng hợp pháp là vô hiệu, và buộc chị Tuyết phải trả “sổ đỏ” thật lại cho vợ chồng Thảo- Huyền không những không có cơ sở, mà còn có khả năng “tạo ra tiền lệ xấu trong xã hội, khi công dân có thể sử dụng “sổ đỏ” giả để chuyển nhượng tài sản mà không cần đến “sổ đỏ” thật…”
Vụ án đã qua 2 lần xét xử, ở 2 cấp khác nhau. Bản án sơ thẩm lần 1 đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án ND tối cao tuyên hủy để xét xử lại. Nay xét xử sơ thẩm lần 2, Tòa án ND tỉnh Hà Tĩnh vẫn mắc phải lỗi khó hiểu, khi trong bản án không hề đề cập đến các Luật sư tham gia tố tụng. Tuy nhiên, tại phần nhận định của bản án có đề cập đến quan điểm của Luật sư Đinh Thị Phượng, người bảo vệ quyền lợi cho chị Nguyễn Thị Tuyết. Trong lúc đó, Luật sư Phạm Danh Tín, thuộc Văn phòng Luật sư Danh Tín (Hà Nội) có mặt tại phiên tòa và có đưa ra quan điểm bảo vệ cho chị Lê Thị Thu Huyền, lại không được Tòa án đề cập trong bản án?
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn