Kết quả đợt truy quét thứ 2 do lực lượng biên phòng chủ trì đã thu hồi được khoảng 169 m3 gỗ, cộng với số 105 m3 gỗ mà chủ rừng và kiểm lâm thu hồi trong thời gian 15-29/2, tổng cộng khoảng 274 khối.
“Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Theo báo cáo của lực lượng biên phòng, hiện còn khoảng 25-30 m3 gỗ đang còn nằm rải rác trong các khu rừng. Do ở vị trí hiểm trở nên chưa thể thu hồi ngay được. Số gỗ này sẽ được tiếp tục thu hồi triệt để”, ông Sơn nói.
Trong ngày 12/3, UBND tỉnh đã chính thức giao cho lực lượng công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng. Nếu đủ điều kiện thì sẽ khởi tố vụ án.
Cùng với các lực lượng chức năng khác, phải tiến hành làm rõ khu vực rừng bị chặt hạ, đối chiếu gốc cây với số gỗ thu được.
“Phải làm rõ được khu rừng bị chặt hạ là rừng phòng hộ hay rừng sản xuất. Truy tìm đối tượng đã tàn phá rừng, chủ của số gỗ trái phép trên. Không thể nói số gỗ đó vô chủ được”, ông Sơn nói thêm.
Rừng đầu nguồn biên giới bị chảy máu. |
Cũng theo vị PCT tỉnh, đây không phải là một vụ việc độc lập, mới phát sinh mà còn liên quan đến cả một quá trình.
Trong năm 2011, đã có hai đoàn thanh/kiểm tra và một chuyên án được lập ra để điều tra rừng Sơn Hồng bị phá.
Tuy nhiên các lực lượng này chỉ phát hiện số lượng ít, so với thực tế. Hồ sơ của những lần kiểm tra này sẽ được kế tiếp vào vụ việc này.
Như đã thông tin trong những bài trước, trong năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra tại khu vực xã Sơn Hồng và thanh tra đối với Ban QLBVXD rừng Hồng Lĩnh (Cty Dịch vụ và Lâm nghiệp Hương Sơn).
Đợt kiểm tra đầu tiên bắt đầu diễn ra từ ngày 19/6/2011, gồm: Chi cục kiểm lâm, công an huyện Hương Sơn, Đồn Biên phòng 565, UBND xã Sơn Hồng và chủ rừng là Cty Dịch vụ và Lâm nghiệp Hương Sơn.
Trong lần kiểm tra này, đoàn liên ngành đã phát hiện, truy quét và thu giữ số lượng gỗ tập kết trái phép tại xóm 15 xã Sơn Hồng tổng cộng 278 lóng, phiến gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 với khối lượng 45,5 m3.
Tiếp đó, ngày 20/7/2011, tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh đã thành lập chuyên án mang bí số KR- 08.11. Tuy nhiên, lại một lần nữa vụ phá rừng nghiêm trọng không được lãm rõ. Báo cáo kết luận điều tra ngày 19/9/2011, do ông Dương Văn Trường, Trưởng CA huyện Hương Sơn, Trưởng ban chuyên án đã nêu “không đủ căn cứ khởi tố vụn án”.
Đáng chú ý, chuyên án có đề cập đến việc kiểm tra tại tiểu khu 21, 22, không phát hiện dấu hiệu khai thác trái phép. Thế nhưng, đây là 2 trong 4 tiểu khu mà lực lượng chức năng vừa phát hiện được gần 300m3 gỗ lậu.
Đến ngày 1/11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, “kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của rừng do bị khai thác trái phép từ năm 2010-2011 tại xã Sơn Hồng”.
Lần này lực lượng kiểm tra rất hùng hậu, gồm có 24 thành viên với sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, biên phòng, công an, sở nông nghiệp. Thế nhưng lần kiểm tra đợt này cũng không có kết quả gì mới so với hai đợt trước.
Ngoài những lần kiểm tra, điều tra trên, cuối năm 2011, Sở NN&PTNT cũng đã có cuộc thanh tra toàn diện đối với chủ rừng, đoàn do ông Nguyễn Bá Thịnh, PGĐ Sở làm trưởng đoàn, thế nhưng, những thông tin về hàng trăm m3 gỗ này lại một lần nữa không được biết đến.
Sự việc mới được phát giác, rừng bị tàn phá, gần 300 m3 gỗ đã được phát hiện. Không biết những đoàn thanh/ kiểm tra, chuyên án trên đã thực hiện nhiệm vụ được giao đến đâu?
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin