Giết mẹ cả vì sợ mẹ đẻ bị tranh giành tài sản

Thứ năm - 08/06/2017 22:11
(Hatinhnews) - Trần Viết Kỷ đã ra tay giết mẹ cả với động cơ đê hèn là sợ mẹ đẻ của mình bị tranh giành tài sản. Hành vi của Kỷ gây phẫn nộ trong dư luận và mới đây, y đã phải ra trước vành móng ngựa để trả giá cho sự tàn ác của mình.

Đã gần nửa năm rồi nhưng người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thảm của cụ bà Hoàng Thị Diệm, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Cây Gọ vào một ngày giáp Tết. Càng sốc hơn khi hung thu gây án chính là đứa con chồng mà hằng ngày cụ vẫn hết mực yêu thương.

Nguyễn Viết Kỷ khi bị bắt

Cụ bà bị giết dã man

Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch năm 2011, chợ Cây Gọ, thuộc xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) từ sáng sớm đã nhộn nhịp người đi sắm Tết. Người dân và các tiểu thương trên khắp địa bàn xã và các vùng lân cận đều đổ về đây mua bán. Nhưng giữa phiên chợ cuối năm tấp nập, ki ốt bán hàng tạp hóa của cụ bà Hoàng Thị Diệm lại đóng im lìm. Khách mua quen mỗi lúc một tập trung đông trước cửa ốt chờ mua hàng. Thấy cửa không khóa mà lại khép hờ, một số người lên tiếng gọi liên tục nhưng không nghe thấy tiếng trả lời.

Bà Diệm tuổi đã cao và sống ở ki ốt một mình nên không tránh được lúc trái gió trở trời. Sợ bà cụ bị ốm không mở quán được, những người bán hàng xung quanh liền đẩy cửa vào hỏi thăm tình hình. Cửa vừa mở, người dân bỗng hét lớn rồi hốt hoảng chạy ra ngoài khi phát hiện máu trong ki ốt. Cụ Diệm nằm bất động trong một chiếc chăn bông trùm kín bên ngoài. Mọi người bàng hoàng phát hiện cụ bà đã chết, mặt và đầu đều bị giập nát.

Thông tin này ngay lập tức được báo về Công an huyện Cẩm Xuyên và lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc. Qua công tác khám nghiệm tử thi ban đầu, lực lượng Công an xác định: bà Hoàng Thị Diệm chết do 18 nhát búa đập mạnh vào đầu. Kẻ gây án không để lại một vết tích nào có thể giúp ban chuyên án xác định hướng phá án. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy sau khi giết người, đối tượng đã dùng chăn trùm kín thi thể nạn nhân lại, xóa dấu vân tay trước khi ra khỏi cửa. Tài sản trên người nạn nhân cũng như trong phòng không hề bị mất cắp.

Khu chợ trong phút chốc lát trở nên náo loạn vì thông tin cụ Diệm bán tạp hóa bị giết. Việc hung thủ không để lại vết tích nào tại hiện trường vụ án càng khiến mọi người hoang mang. ở khắp nơi đều xuất hiện những lời bàn tán không ngớt về hành động dã man và mục đích kẻ giết chết cụ bà 80 tuổi.

Người dân xung quanh cho biết, cụ Diệm ngày ngày chỉ quanh quẩn tại ki ốt hàng tạp hóa. Cụ sống hiền lành, chưa ai từng nghe cụ có mâu thuẫn xích mích với người khác. Vì vậy, việc cụ bà bị giết thảm ngay tại chợ đã gây hoảng sợ đối với không ít người dân, đặc biệt vụ án lại xảy ra vào những ngày giáp Tết. Ai cũng rất mong cơ quan điều tra sớm tìm ra kẻ thủ ác.

Xóa dấu vết hiện trường vẫn không thoát

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh xuống phối hợp với Công an huyện Cẩm Xuyên để nhanh chóng phá án. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, án mạng khiến dư luận khắp nơi đều xôn xao nên vấn đề cấp thiết là phải tìm ra hung thủ để làm yên dư luận. Một chuyên án được thành lập, do Đại tá Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH làm trưởng ban. Tuy nhiên, việc xác định hung thủ là rất khó bởi ban đầu, những chứng cứ tại hiện trường là rất ít.

Vấn đề đầu tiên đặt ra là hung thủ giết bà Diệm với mục đích gì? Khả năng giết người cướp của được loại bỏ, bởi bà Diệm tuổi đã cao, sống một mình ở ki ốt, tuy hàng bà bán khá đông khách nhưng của cải chẳng có là bao, hơn nữa tài sản cũng không bị mất mát. Vậy phải chăng đây là vụ giết người vì mâu thuẫn cá nhân? Nhận định này là có cơ sở nhất, nhưng vấn đề đặt ra, mâu thuẫn ấy là gì?

Sau khi sàng lọc thông tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn, ban chuyên án đã xác định kẻ xuống tay tàn bạo với bà Diệm đêm 10/1 rạng sáng ngày 11/1/2012 không ai khác chính là Trần Viết Kỷ (SN1978), ở thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, người gọi bà Diệm bằng mẹ cả. Ngay sau đó, Kỷ được triệu tập đến cơ quan điều tra để làm việc. Kỷ Tỏ ra ngạc nhiên nhưng trước những chứng cứ, tài liệu thu thập được cùng lý luận sắc bén của mình, Ban chuyên án đã buộc Kỷ phải cúi đầu thừa nhận hành vi sát hại bà Diệm.

Theo lời khai của Kỷ, khoảng 22 giờ ngày 10/1, Kỷ lặng lẽ lấy chiếc búa đinh giấu vào áo ấm rồi một mình đi đến ki ốt của bà Diệm ở khu chợ Cây Gọ. Kỷ gõ cửa gọi nhưng trời đã khuya lại rét cứng tay nên bà Diệm không dậy. Kỷ nói rằng đang đang làm lễ, cần ít bánh kẹo. Nghe tiếng Kỷ nài nỉ, bà Diệm dậy, vừa mở chốt cửa thì Kỷ ập vào, vung búa đập liên tiếp vào đầu và mặt bà Diệm cho đến chết. Thấy bà Diệm đã chết, Kỷ để bà nằm lại ngay ngắn, lấy chăn đắp lại, lau sạch mọi dấu vết rồi đóng cửa ra về. Về đến nhà, y cởi áo quần dính máu ra giặt, rửa búa cất vào hộc bàn rồi đi ngủ.

Để đánh lạc hướng dư luận, khi nghe tin bà Diệm bị giết, Kỷ chạy đôn chạy đáo lo lắng đủ việc. Hắn còn đứng ra làm đại diện người nhà để cùng công an khám nghiệm tử thi và đi mua quan tài, chuẩn bị làm lễ an táng cho bà cụ. Chứng kiến những khó khăn, bế tắc ban đầu của lực lượng điều tra khi tiến hành truy tìm dấu vết, Kỷ đã đinh ninh rằng tội ác của mình sẽ không thể bị phát hiện.

Động cơ đê hèn

Dư luận choáng váng, phẫn nộ khi được biết bà Diệm chính là người đã cho mẹ đẻ của Kỷ mượn nhà ở từ nhiều năm nay. Theo Kỷ khai nhận, bà Diệm có một mảnh vườn và ngôi nhà tại thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam. Nhưng bà không ở nhà mà cho mẹ ruột của Trần Viết Kỷ ở, còn bà lên thuê ki ốt ở chợ Cây Gọ để bán hàng tạp hóa kiếm tiền sinh sống và ở một mình tại ốt. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, thấy sức khỏe giảm sút nhiều, bà Diệm dự định sau Tết sẽ nghỉ buôn bán, về lại nhà để sống những ngày cuối đời. Không ngờ dự định của bà lão khốn khổ lại khiến một người ấm ức, đó chính là đứa cháu vẫn gọi bà bằng mẹ cả.

Kỷ lo bà Diệm về nhà ở thì mẹ đẻ mình sẽ bị đẩy ra ngoài. Nếu tình hình như thế, chắc chắn Kỷ phải đón mẹ về nhà mình chứ không thể nào khác được. Nghĩ đến đây y càng bức xúc vì đón mẹ đẻ về ở trong nhà đồng nghĩa với việc gia đình lại thêm miệng ăn, thêm chỗ ở. Điên cuồng với ý nghĩ sẽ phải tốn cơm, tốn chỗ nuôi me,å nên Trần Viết Kỷ đã nảy sinh ý định giết bà Diệm. Y cho rằng nếu bà Diệm chết, mẹ y đương nhiên được ở luôn ngôi nhà ấy. Nghĩ sao làm vậy, trong đêm giá rét, Kỷ đã lạnh lùng vác búa đến đập chết người đàn bà cô đơn đã giúp đỡ mẹ con Kỷ trong suốt nhiều năm.

Hành động tàn ác và suy tính phản phúc của kẻ sát nhân Nguyễn Văn Kỷ đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Người dân thương xót cho cái chết thảm oan ức của cụ bà Hoàng Thị Diệm bao nhiêu, lại càng cám cảnh cho người mẹ đang sống vật vã của đứa con bất hiếu Nguyễn Văn Kỷ bấy nhiêu. Người mẹ cả đã chết, người mẹ đẻ của y còn sống phải chịu đựng quãng đời còn lại trong nước mắt đau đớn, bởi đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại tàn nhẫn giết người chỉ vì sợ phải nuôi mẹ.

Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, vừa qua TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử lưu động Trần Viết Kỷ về tội giết người. Vì vụ án gây chấn động dư luận nên hàng nghìn người dân địa phương đến theo dõi phiên tòa. Nhận thấy động cơ đê hèn và hành vi giết người hết sức dã man của Trần Viết Kỷ, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Trần Viết Kỷ 19 năm tù giam. Ngoài ra bị cáo còn phải bồi thường cho người nhà nạn nhân số tiền gần 62 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Diệm (80 tuổi), là vợ cả của ông Trần Viết Lam (bố Kỷ). Ông Lam và bà Diệm sống ly thân và sau đó ông Lam lấy mẹ của Kỷ. Sau khi ông Lam mất, vì lo sợ bà Diệm về giành lại ngôi nhà mà mẹ y đang ở nên y đã nảy sinh ý định giết bà Diệm. Tối 10/1/2012, Kỷ đã thực hiện hành vi tàn ác.

Theo Nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây