Giờ đây, hắn đang phải nằm trong buồng biệt giam của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, tự mình chơi một ván bài mang tên số phận. Hắn nói rằng, đã gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước và mong mỏi từng ngày kết quả, nhưng tội lỗi của hắn thì như hắn nói, chính hắn cũng khó có thể tha thứ cho mình.
Bạc tóc vì suy nghĩ
Trong căn buồng biệt giam ngay đầu dãy, là nơi Phạm Văn Hiếu và một tử tù nữa ở. Khi chúng tôi đến, Hiếu đang cởi trần, mặc quần đùi và ngồi đọc báo. Hắn cười tươi chào chúng tôi và nhanh tay mặc vào chiếc áo, chiếc quần dài. Hắn lém lỉnh hỏi ngược lại chúng tôi những câu mà hắn thấy khó trả lời.
Nhắc lại chuyện cũ, Hiếu gập tờ tạp chí mà trang bìa in hình một cô gái mặc váy cười toe toét rồi trầm giọng: “Vụ án xảy ra từ tháng 8/2009, sắp tròn 3 năm rồi chị ạ, nhưng mỗi khi ai đó gợi lại chuyện này, là một lần em lại thức trắng đêm. Tóc em hồi mới bị bắt đang xanh là thế mà nay đã lốm đốm bạc, thời gian gần đây, em được các thầy quản giáo động viên, giáo dục nhiều nên tư tưởng không còn dao động nữa, tóc mới mọc xanh trở lại”.
Hiếu sinh năm 1988, ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, Hà Nam, bố mẹ hắn đều là nông dân nên gia cảnh cũng không lấy gì làm khá giả. Hắn kể rằng, hắn chỉ học hết lớp 9 là bỏ vì dốt và bản tính ham chơi. Hắn đi học nghề mộc, sau đó làm thuê cho một xưởng mộc ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội. Thu nhập từ việc làm mộc này chỉ khoảng 2 triệu đồng một tháng, trong khi đó, nhu cầu của một thanh niên mới lớn, ham chơi như Hiếu thì 2 triệu đó chỉ đủ ăn sáng và hút thuốc, uống trà vặt. Không thuần như những thanh niên nông thôn, Hiếu sớm nhiễm thói cờ bạc, đỏ đen nơi phố thị và đó cũng là lý do lúc nào hắn cũng ở trong tình trạng cháy túi vì nợ nần. Là con út trong gia đình có ba anh em, anh chị hắn đã có gia đình riêng, làm ăn tử tế, chỉ có hắn là vẫn lông bông lang bang, suốt ngày chìm đắm vào mấy trò tệ nạn.
Cái ngày định mệnh của cuộc đời gã trai khi ấy mới tròn 21 tuổi là ngày 19/8/2009. Hiếu bắt xe buýt, định rằng sẽ sang Gia Lâm, Hà Nội để thăm một cô bạn gái đang là sinh viên ở một trường cao đẳng. Lên xe, Hiếu ngủ quên lúc nào không biết, chuyến xe cứ thế chạy mà quên mất một vị khách đang ngồi ở ghế gần cuối. Đến khi tỉnh dậy thì xe đã tới Việt Yên, Bắc Giang. Hiếu xuống xe, trong túi lại không có đồng tiền nào, hắn nhìn thấy hiệu vàng Phúc Lộc ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên nên đã gỡ chiếc dây chuyền bạc vẫn đeo trên cổ vào để bán lấy tiền.
1 tiếng đồng hồ sau, vào khoảng gần 16h chiều, Hiếu quay lại hiệu vàng, lấy cớ là chuộc sợi dây chuyền ra để định cướp. Khi bà chủ hiệu vàng vừa đưa tiền trả lại thì bất ngờ, hắn bế thốc một bé gái gần 2 tuổi, con gái của chủ hiệu vàng vừa đi chơi ở bên hàng xóm về. Hiếu gí dao vào cổ cháu bé và bắt mẹ cháu phải đưa tiền, vàng. Chị Nhung – mẹ cháu bé đã chạy ra ngoài hô hoán. Khi mọi người nghe tiếng kêu cứu chạy tới thì chợt khựng lại khi nhìn thấy con dao kề sát vào cổ cháu bé, tiếng khóc khản đặc vì sợ hãi của bé gái khiến hàng xóm phải dìu mẹ cháu bé sang bên cạnh. Cửa xếp của hiệu vàng được đóng lại theo yêu cầu của hắn.
Đối tượng Phạm Văn Hiếu khi bị bắt giữ. |
“Lúc đó em buộc phải làm thế để thoát thân, thấy đứa trẻ ở đó em đã bắt nó, kề dao vào cổ, đâu cần phải xem phim hành động mới biết bắt cóc con tin là như thế nào. Phim ảnh là một chuyện nhưng hoàn cảnh xô đẩy em phải tưởng tượng ra cần phải làm như thế nào để thoát thân” – Hiếu nói. Bố cháu bé đã về kịp và chứng kiến cảnh con gái bé bỏng của mình bị tên cướp kể dao vào cổ, đang lạc giọng gọi mẹ, anh rất hoảng sợ nhưng vẫn bình tĩnh xin tên cướp thả con gái mình ra và anh tự nguyện làm con tin thế chỗ cháu bé. Nhưng Hiếu không đồng ý. Hắn bắt bố cháu bé vơ hết vàng, bạc, đá quý ở tủ bán hàng và tiền trong két sắt, bỏ vào túi nilon cho hắn. Cầm túi nilon, hắn bắt bố cháu bé phải ra ngoài và cho túi nilon tài sản cướp được vào ba lô của hắn. Hiếu lại yêu cầu Công an và gia đình cháu bé phải cấp cho hắn một chiếc ôtô để hắn rút chạy, nhưng chỉ vài giây sau đó, Hiếu đổi ý. Hắn yêu cầu bố cháu bé phải đích thân chở hắn và cháu bé bằng xe máy. Hắn không đồng ý khi người ta mang một chiếc Suzuki Viva vào nhưng lại gật đầu ngồi lên chiếc Nouvo. Không hiểu Hiếu đã xem phim ảnh ở đâu mà lại bắt bố cháu bé phải lấy băng dính loại to và dây điện buộc tay phải và chân phải vào xe máy, để đề phòng trong quá trình chở hắn trên đường, bố cháu bé sẽ kháng cự.
“Lúc đó, em thấy người dân vây kín ngoài đường, Công an cũng bao vây, họ cũng kiên trì thuyết phục em, nhưng quả thực là khi ấy, em thấy trong đầu mình không còn não nữa, trống rỗng hết rồi. Khi xe vừa nổ máy, chưa kịp đi được đoạn nào thì người dân đã la hét: “Đập chết nó đi!”. Em quá hoảng nên mới gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy” – Hiếu lại trầm tư nói. Ngay sau đó, Hiếu đã tự tay cầm dao cứa vào cổ mình 3 nhát vì hắn nghĩ đằng nào cũng chết. Cướp của, giết người là tội chết rồi, nếu có sống để Công an bắt thì cũng lãnh án tử hình mà thôi. Nhưng hắn được cấp cứu kịp thời nên không chết, chỉ có cháu bé 21 tháng tuổi, con tin xấu số của hắn đã tử vong khi được đưa đến bệnh viện.
Hát để quên đi thời gian
Tôi còn nhớ khi ấy, dư luận vô cùng phẫn nộ trước tội ác của tên Phạm Văn Hiếu, nó cũng giống như khi xảy ra vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng phố Sàn. Vì nạn nhân là những em bé, còn chưa kịp hiểu vì sao mình lại có mặt trên cõi đời thì đã vĩnh viễn đi về thế giới bên kia, dưới bàn tay tàn ác của những tên cướp trẻ tuổi. Hỏi Hiếu đã bao giờ thấy ân hận sau những gì mình đã gây ra chưa, hắn nói: “Em ân hận lắm chứ. Mục đích ban đầu của em chỉ là cướp tiền, vàng, chứ giết đứa bé để làm gì đâu. Khi em mở mắt ra thấy xe buýt dừng ở Bắc Giang, trong túi lại hết tiền nên mới nảy sinh ý định làm liều”.
Trong suốt cuộc nói chuyện, Phạm Văn Hiếu luôn cố gắng tỏ ra lạc quan, thể hiện bản lĩnh của một thằng tội phạm “dám làm dám chịu”, hắn cười khá nhiều, nhưng khi nhắc tới gia đình, bố mẹ và các anh chị, Hiếu lại bùi ngùi và nói, thương nhất bây giờ là bố mẹ, khi sinh ra hắn, bố mẹ hắn đã đặt tên con là Hiếu với mong muốn sau này về già, được hắn trả hiếu, ai dè, hắn lại trả cho bố mẹ những cục nợ đời, mà nhiều năm sau khi nhắc lại, người đời vẫn không thôi nguyền rủa hắn. Hỏi hắn có muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân không, Hiếu cúi mặt: “Nếu được, chị cho em gửi lời xin lỗi tới gia đình cháu bé đã bị em làm hại, dù em biết lời xin lỗi bây giờ chỉ là thừa, chẳng giúp gì được cho em cũng như cho gia đình cháu bé, nhưng em nói đúng với lương tâm của em”.
TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Phạm Văn Hiếu tử hình về tội giết người, 10 năm tù về tội cướp tài sản, hình phạt chung là tử hình. Ngày ra tòa, Hiếu run lắm vì sợ, xung quanh hắn không có một ai là người thân thích, bạn bè không, bố mẹ không, các anh các chị cũng không nốt. Hắn suýt bật khóc vì sự “cô đơn” của mình. Sau này người nhà hắn lên thăm mới cho biết, đúng ngày Hiếu phải hầu tòa thì cũng là ngày cưới của anh trai hắn, thế nên không có ai tham dự phiên tòa cũng là điều dễ hiểu. Vì nhà xa trại giam nên vài tháng, bố mẹ hắn mới thu xếp lên thăm hắn được một lần. Nghĩ đi nghĩ lại, Hiếu càng thấy mình đang phải nhận một sự trả giá vô cùng đắt. Hắn bảo, không dám oán thán vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó hay đổ lỗi cho sự ít học của mình, những gì hắn đã gây ra, Hiếu chấp nhận phải đối diện.
Mỗi một ngày trôi qua trong buồng biệt giam, hắn lại tìm cách quên đi thời gian bằng việc trò chuyện với những tử tù cũng là tội đồ như mình. Những câu chuyện có khi đã kể đi kể lại đến hàng trăm lần, nhưng với những tử tù như Hiếu, lúc nào cũng như mới. Nhu cầu được quan tâm, chia sẻ là nhu cầu bản năng của con người, có từ ngay từ lúc chào đời. Sự chia sẻ giữa những kẻ tội đồ với nhau không hiểu có giúp cho những tháng ngày chờ đợi cái chết của họ được nhẹ nhàng, thanh thản hơn?
Ngày xưa, khi còn ở quê, cái vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam quanh năm mất mùa, dù đói khổ nhưng mỗi khi thôn xóm có hội hè gì, Hiếu luôn là cây văn nghệ “cứng”, rất tích cực tham gia. Có năng khiếu ca hát từ bé, nhưng hắn không theo đuổi được niềm đam mê ấy, và bây giờ, ngày nào trong khu biệt giam, người ta cũng nghe thấy tiếng hát của Hiếu, từ sáng sớm đến tối mịt, có khi cả đêm.
Được cái, hắn hát hay nên các tử tù khác nghe không thấy khó chịu và cũng khiến họ vui hơn. Hiếu nói, hắn thích nhạc trẻ, những bài hát khiến hắn quên đi khái niệm thời gian, quên đi những điều tồi tệ hắn đã từng làm và cũng khiến tâm hồn hắn đỡ bất an hơn, trong những ngày chờ đợi câu trả lời của số phận. Trước đây, khi còn ở ngoài xã hội, Hiếu thích chơi cờ bạc và gây án cũng vì không có tiền do nợ nần chồng chất. Nhưng tất cả những canh bạc ấy không làm hắn toát mồ hôi và phải suy nghĩ nhiều như canh bạc cuộc đời mà hắn đang phải chơi một mình bây giờ. Chưa khi nào hắn mong là người thắng đến vậy!
Theo cand.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn