Được nhân dân phản ánh, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hà Tĩnh đã tích cực vào cuộc điều tra và bước đầu quyết định khởi tố, tạm giam 5 cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng. Kẻ gây hậu quả nghiêm trọng nhất là trạm trưởng bảo vệ rừng Khe Lát thuộc công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn. Chỉ trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011, người trạm trưởng này đã thiếu trách nhiệm, thông đồng cùng lâm tặc để xảy ra 58 vụ phá rừng với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép lên tới gần 278m3, trong đó có rất nhiều gỗ quý.
Từ trước đến nay, trên lãnh thổ nước ta, ở đâu có rừng là ở đó có lâm tặc. Đối tượng này càng hoạt động ráo riết ở thời kinh tế thị trường khi những loài gỗ quý đem lại cho chúng siêu lợi nhuận. Lực lượng bảo vệ rừng vốn đã mỏng, không thể kiểm soát xuể, lại cộng thêm một bộ phận trong số họ biến chất, tiếp tay cho lâm tặc nên nạn phá rừng xảy ra là điều dễ hiểu. Cách đây hơn 10 năm, vụ phá rừng với quy mô lớn ở Tánh Linh (Bình Thuận) gây chấn động cả nước. Nhưng vụ ở Hà Tĩnh vừa xảy ra còn trầm trọng với mức độ tàn phá rừng lớn hơn rất nhiều. Những kẻ có trách nhiệm phải bảo vệ rừng đã mở hẳn cửa, cho lâm tặc thỏa sức vào khai thác gỗ như kẻ gian vào nhà mà cửa không đóng, chẳng có ai canh giữ. Thậm chí, có đến 400 đối tượng không phải là lâm tặc chuyên nghiệp thấy rừng “mở cửa” đã vào tranh thủ chặt gỗ, vận chuyển ra bán cho các “đầu nậu”.
Trước cơ quan điều tra, những kẻ bị bắt khai: để được thoải mái vào rừng khai thác gỗ đã phải “làm luật” với số lượng tiền không nhỏ. Và đám người có trách nhiệm này cũng đã nhận tội.
Chỉ trước đó không lâu, vụ mất 3 cây gỗ sưa ở Phong Nha (Quảng Bình) đã gây chấn động cả nước. Người ta bất bình trước nạn móc nối, tiếp tay trắng trợn của những người có trách nhiệm bảo vệ rừng ở đây đã làm thất thoát của Nhà nước khoản tiền khổng lồ từ vụ mất trộm 3 cây gỗ sưa này. Lại càng ngạc nhiên hơn trước việc ông Chủ tịch tỉnh này đã thưởng “nóng” cho kiểm lâm khi họ bắt giữ được… vài mẩu gỗ sưa bọn lâm tặc quẳng lại. Cứ như đó là một công trạng lớn và việc giữ rừng không phải là nhiệm vụ của họ. Cũng cuối năm ngoái, vụ lật xe nghiêm trọng ở Nghệ An khiến 10 phu gỗ chết thảm đã lộ ra một sự thật: Chính các kiểm lâm vườn Quốc gia Pù Huống đã đóng vai trò lâm tặc, ăn cắp gỗ từ khu bảo tồn thiên nhiên họ được giao bảo vệ. Forest – một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận – đã điều tra và kết luận: Có tới 23 cán bộ các loại của đủ các cơ quan chức năng tham gia ăn cắp gỗ lậu với tỉ lệ ăn chia là 39% trên tổng giá trị buôn lậu.
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh được quy định trong luật Hình sự của nước ta. “Thiếu trách nhiệm” nhiều khi chỉ là vô ý do sơ xuất, do lười biếng hoặc kém cỏi mà lơi lỏng phận sự. Song, đã gây nên hậu quả nghiêm trọng thì phải lãnh hình phạt của chế tài. Nhưng những kẻ có trách nhiệm liên quan đến bảo vệ rừng đã cố ý lợi dụng chức năng, quyền hạn của mình để thông đồng, chia chác lợi nhuận thì không thể chỉ là thiếu trách nhiệm mà còn là tội cố tình ăn cắp, tham ô tài sản của quốc gia với số lượng lớn.
Đau xót biết bao khi một loạt cán bộ trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng quay lưng lại, bán rẻ lương tâm, tiếp tay cho những kẻ phá hoại. Và trớ trêu thay, trong những vụ trên, kiểm lâm đã đồng thời là lâm tặc – một loại lâm tặc đặc biệt – lâm tặc ăn lương… Nhà nước.
Theo petrotimes.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn