Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, em đã tìm đến cái chết. Sự việc trên gây ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận tỉnh Hà Tĩnh trong mấy ngày gần đây. Nhiều người cho rằng, cái chết của nữ sinh đó một phần có trách nhiệm từ phía nhà trường (?).
Cái chết đau lòng
Sáng 6/3, sau một đêm dài nỗ lực, người dân xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tìm được xác nữ sinh Phạm Thị Huyền Tr. (SN 1997, hiện đang học lớp 11, trường THPT Nguyễn Trung Thiên) sau khi em gieo mình xuống cầu Cửa Sót, nối xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà) với xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà).
Tìm về ngôi nhà nhỏ của nạn nhân tại xóm 1, xã Thạch Bàn sau khi sự việc xảy ra được mấy ngày, những người thân, bạn bè cũng như hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc đau lòng trên. "Con Tr. nó ra đi như vậy, vì nó uất ức chuyện ở trường học", ông Phạm Phương (72 tuổi), người họ hàng bức xúc. Để tìm hiểu rõ câu chuyện, chúng tôi đã tìm gặp lại những nhân chứng liên quan.
Bà Phạm Thị L., mẹ Tr. bức xúc trước cái chết của con gái
Thắp nén nhang cho người bạn xấu số của mình xong, Nguyễn Thị Hồng Sương (người bạn thân, cũng là người được Tr. nhắn những dòng tin nhắn cuối cùng trước khi ra đi) kể lại sự việc trong những giọt nước mắt: "Khoảng hơn 11h ngày 5/3, sau khi kết thúc các môn học buổi sáng, bạn Tr. có tìm gặp em rồi khóc và kể lại sự việc bạn ấy bị thầy giáo chủ nhiệm la mắng vì nói Tr. làm mất chìa khóa nên một số chiếc ghế nhựa (loại ghế nhỏ ngồi chào cờ) bị lấy cắp. Tr. ôm em khóc rồi nói: "Mình không làm mất ghế mà thầy lại cứ nói là lỗi do mình".
"Sau đó, người bạn thân đã động viên bạn mình không nên buồn vì mình không làm thì không phải lo gì cả, mọi việc sẽ dần được sáng tỏ thôi. Nhưng Tr. lại nói: "Thầy giáo bắt mình phải viết hai bản tường trình; đồng thời gọi phụ huynh đến trường để giải quyết vấn đề này, mà mẹ mình mới bắt xe ra Hà Nội làm thuê nên mình không muốn vì mình mà mẹ phải về", người bạn thân trình bày.
Trưa hôm đó, sau khi về nhà ăn cơm với dì, dượng xong (vì mẹ đi làm ăn xa nên Tr. ở với em mẹ là vợ chồng chị Phạm Thị Châu tại ngôi nhà của mình), thì Tr. ở nhà. "Đến khoảng 15h30’, bạn ấy đạp xe đến nhà cháu chơi một lát, cùng lúc đó có một số bạn học cùng lớp biết sự việc lúc trưa nên đã xuống nhà động viên bạn ấy không được buồn mà phải tiếp tục đi học. Sau đó, Tr. về nhà. Trước khi về, bạn ấy có hứa với cháu sáng mai sẽ tiếp tục đi học", Sương nói.
Thế nhưng, đến 18h30', người bạn thân nhận được tin nhắn từ Tr.: "Tớ đang ở trên cầu". Hốt hoảng, Sương liền nhắn tin hỏi lại thì Tr. trả lời: "Cầu nào thì Sương cứ đoán đi". Người bạn tiếp tục khuyên bảo, nhưng Tr. im lặng, lát sau bạn ấy nhắn tin với nội dung: "Nếu Tr. xảy ra chuyện gì thì Sương đừng buồn nghe chưa". Biết có chuyện chẳng lành, Sương liền nhắn tin lại an ủi và khuyên đừng làm việc gì dại dột. Sau đó, cô gái đạp xe một mạch đến nhà để tìm bạn mình, nhưng khi đến nơi thì được dượng Nguyễn Văn Tân cho biết, Tr. xin đi sinh nhật bạn và đã đạp xe đi một lát.
"Lúc đó, trời đã chập choạng, đường đến cầu lại khá xa, mà điện thoại của em lại hết tiền nên em không đủ tiền gọi cho bạn ấy được. Em nháy điện thoại bốn lần, nhưng tất cả những lần đó đều bị Tr. tắt máy", Sương kể lại. Sợ quá, Sương đã quay xe lại. Lát sau, khoảng 19h15', Sương đạp xe đến cầu Cửa Sót. “Đến nơi, em giật bắn mình khi thấy chiếc xe đạp, đôi dép và một ít đồ ở trên cầu. Em vội gọi to tên bạn ấy, nhưng không thấy ai trả lời. Sau đó, em liền cầu cứu những người đi đường, rồi thông báo đến các bạn trong lớp và người nhà bạn ấy…”, Sương buồn bả kể tiếp.
Sau khi biết sự việc xảy ra, người nhà và người dân nơi đây đã huy động lực lượng, phương tiện để tìm thi thể em, nhưng mãi đến 2h30’ ngày 6/3, họ mới tìm thấy thi thể Tr., cách cầu Cửa Sót chừng hai cây số.
Sự việc nhanh chóng được trình báo lên chính quyền địa phương, lãnh đạo nhà trường em đang theo học và cơ quan công an. Sáng 7/3, sau khi hoàn tất mọi thủ tục liên quan, thi thể nữ sinh đã được người nhà đưa đi mai táng. Dòng người tiễn đưa nối dài sau linh cữu, ai cũng đau lòng trước sự ra đi đột ngột, bồng bột của nữ sinh trẻ tuổi, nhưng cũng rất nhiều người tỏ ra bức xúc khi nghĩ đến nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động của cô gái trẻ.
Người dân nơi đây không đồng tình với cách làm việc của thầy giáo chủ nhiệm Tr.
"Nhà trường đang đợi kết luận của cơ quan chức năng"
Khi sự việc mới xảy ra, thấy bất bình về nguyên nhân, đại diện gia đình nữ sinh Phạm Thị Huyền Tr. đã gọi điện thông báo cho thầy giáo chủ nhiệm Đào Thanh Xuân nhưng thầy giáo đó chỉ nói: "Tại sao không điện cho mẹ Tr. mà lại điện cho tôi?", rồi tắt máy. "Khi nghe được những điều đó, chúng tôi rất đau buồn, học sinh mình dạy bị mất mà thầy ấy lại nói một câu thản nhiên, lạnh lùng như vậy", ông Phạm Phương bức xúc.
Trong căn nhà nhỏ, ngồi trước di ảnh con gái, người mẹ Phạm Thị L. (SN 1963) khóc lên, khóc xuống. Tiếng khóc ai oán khiến những người có mặt không cầm được lòng mình. Lát sau, được người nhà trấn tĩnh, bà kể lại sự việc trong tiếng nấc: "Chiều 5/3, tôi có nhận được điện thoại của thầy chủ nhiệm Đào Trọng Xuân thông báo về sự việc liên quan đến con gái tôi. Thầy nói, phải nạp một số tiền để mua lại ghế ngồi cho lớp; đồng thời yêu cầu tôi sáng thứ Bảy, tức là ngày 9/3, phải có mặt ở văn phòng nhà trường để làm việc, nếu không Tr. sẽ bị đuổi học. Bức xúc tôi liền nói, hiện tại tôi đang ở Hà Nội nhưng tối thứ Sáu tôi sẽ về để thứ Bảy lên gặp thầy, nhưng thầy phải đảm bảo mọi chuyện, nếu Tr. nhà tôi xảy ra chuyện gì thì thầy phải chịu trách nhiệm. Vừa nói xong câu đó, thầy Xuân bỗng tắt máy. Sau đó, tôi có gọi lại mấy cuộc nữa nhưng thầy không cầm máy".
"Con nhà tôi nếu có làm chuyện gì sai trái thì cũng dạy bảo đúng cách, chứ sao lại đẩy con tôi đến đường cùng như thế. Nó ra đi rồi, tôi sống với ai đây?", người mẹ chua xót. Được biết, Tr. chỉ có mẹ mà không có bố. Do cuộc sống khó khăn, nên hai năm gần đây, bà L. đã ra Hà Nội giúp việc cho người ta để kiếm tiền nuôi Tr. ăn học. Mặc dù sống thiếu thốn tình cảm người bố và nghèo khó về vật chất nhưng Tr. là cô gái rất chăm chỉ, hiền lành và học rất giỏi. 11 năm liền, Tr. đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường và học sinh giỏi cấp tỉnh. "Không những học giỏi, bạn ấy còn mở lớp dạy kèm cho các bạn học yếu hơn", người bạn cùng lớp cho biết.
Trao đổi chúng tôi, thầy Nguyễn Sỹ Thuận, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Thiên cho biết: "Hôm xảy ra chuyện, tôi có việc gia đình nên không đến trường được. Sáng 6/3, tôi nhận được tin báo em Tr. đã mất. Lãnh đạo trường ngay sau đó đã xuống nhà thăm hỏi gia đình". Ông Thuận cũng cho biết thêm, hôm xảy ra sự việc mất 19 chiếc ghế của lớp em Tr., ông không hề nghe thầy giáo chủ nhiệm Đào Thanh Xuân báo cáo cụ thể, cho đến lúc em Tr. mất. "Cách làm việc của thầy Xuân là đúng với quy tắc của nhà trường, nhưng có thể cách truyền đạt của thầy chưa hợp lý nên mới xảy ra sự việc đau lòng trên. Quan điểm của nhà trường là nếu thầy Xuân có sai sót thì thầy sẽ phải chịu trách nhiệm. Hiện, chúng tôi đang đợi kết luận của cơ quan chức năng", ông Thuận nói.
Học sinh treo cổ tự vẫn vì bị ức chế? Ngày 7/3, tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng xảy ra một vụ học sinh lớp 7 treo cổ tự tử trong nhà. Nạn nhân là em Đinh Anh Tuấn (13 tuổi), học lớp 7D, trường THCS Cẩm Thạch. Theo một số học sinh cùng lớp với Tuấn, buổi học ngày 6/3, Tuấn có làm đổ nước uống và bị cô Hiệu phó phạt lau nhà (?). Lúc tan trường, em lại bị cô hiệu phó kéo tai (?), vì bắt gặp Tuấn đạp xe trong sân trường. Trước đó, Tuấn đi thi học sinh giỏi môn tiếng Anh nhưng không đạt giải. Tuần này, Tuấn lại bị ghi tên vào sổ đầu bài một lần. Một số người phỏng đoán, đây có thể là những nguyên nhân gây ức chế, dẫn đến việc Tuấn treo cổ tự vẫn. |
Theo Nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn