Xe máy phải có 4 loại giấy tờ
Chiều qua đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt - C26 (Bộ Công an) cho biết, Thông tư 11 ra đời là văn bản cụ thể nhất để xử lý vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có việc xe mua bán không làm thủ tục sang tên, đổi chủ theo quy định. Thông tư có 3 chương 17 điều vừa được Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành.
Cụ thể, từ ngày 15/4 nếu phát hiện xe không sang tên, đổi chủ sau 30 ngày mua bán qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng lưu ý, với các phương tiện đang lưu thông trên đường CSGT và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường không được dừng xe để kiểm tra, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Theo Thông tư 11, từ 15/4 CSGT bắt đầu xử lý xe không chính chủ. Ảnh: Trọng Đảng.
Cùng với nội dung trên, Thông tư 11 còn quy định xe máy phải có ít nhất 3 loại giấy tờ bắt buộc, gồm: Đăng ký, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Điều 6 quy định: “Tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo quy định; tạm giữ phương tiện theo quy định”.
Riêng các trường hợp vi phạm giao thông, đi chuyển đổi quyền sử dụng và để xảy ra tai nạn chủ phương tiện còn phải có thêm giấy chứng nhận xe chính chủ.
Đại diện C26 cho biết, hiện Thông tư đã được phổ biến đến công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 15/4 sẽ được CSGT tại các địa phương áp dụng.
Phải 2 năm nữa mới xử lý được xe chính chủ
Cho ý kiến về việc xử lý xe chính chủ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, về hành vi không sang tên đổi chủ đã được quy định rất lâu, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định.
Do vậy việc không sang tên đổi chủ phương tiện theo quy định là vi phạm. Xử phạt là đúng. Tuy nhiên sau khi có Nghị định 71 nâng mức phạt lên cao gấp 6 lần người dân đã có sự phản ứng.
Theo Thông tư 11, từ 15/4 CSGT bắt đầu xử lý xe không chính chủ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hạ mức phí xuống, còn Bộ Công an rút gọn thời gian làm thủ tục hành chính, cùng với đó cần có thời gian giải quyết những tồn đọng cho xe chưa sang tên đổi chủ hiện nay.
Tuy nhiên sau khi nghiên cứu Thông tư 11 và các văn bản Bộ Công an vừa ban hành, tổ biên tập dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thấy có một số vấn đề liên quan xe chính chủ cần phải nghiên cứu thêm.
Cụ thể, phải xác định được xử phạt hành vi này thì xử phạt ai, người bán hay người mua? Thông tư nói tất cả chủ phương tiện vi phạm luật đến mức tạm giữ phương tiện đều điều tra thêm hành vi chuyển chủ hay chưa, vi phạm hiện lại rất nhiều, nếu không cẩn thận người dân chỉ vi phạm một hành vi lại bị xử phạt thêm hành vi khác… Do vậy cần ít nhất 2 năm chuẩn bị mới thực hiện được xử lý xe không chính chủ.
Bộ GTVT và Công an có vênh nhau? Ông Hiệp cho rằng, sự vênh nhau giữa các bộ ở một Nghị định hay một chủ trương là hết sức bình thường. Đây là sự phản biện xã hội, rất nhiều văn bản nghị định Chính phủ khi ban hành vẫn còn ý kiến khác nhau.
Trước khi thông qua tờ trình, Chính phủ còn có phần ghi ý kiến khác nhau của các bộ. Việc Bộ GTVT muốn lùi thời gian xử lý xe chính chủ cũng xét trên ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và dư luận phản hồi về bộ thời gian vừa qua.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn